Bầu Kiên: ‘Tôi có 32 câu hỏi tranh luận với VKS…’

Bầu Kiên cho rằng tòa sơ thẩm đã không mô tả đầy đủ hoạt động mua cổ phần của 5 công ty mà bị cáo là Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch HĐTV, thiếu những nội dung cơ bản sau: 5 công ty đều được thành lập theo đúng quy định của pháp luật; khi góp vốn, mua cổ phần thành lập các doanh nghiệp khác thì không chỉ có những công ty này mà có cả những công ty khác.
Ngoài ra, quyết định mua cổ phần, cổ phiếu không phải là quyết định của cá nhân bầu Kiên mà là quyết định của HĐQT.
“Khi tôi bị bắt, HĐQT bán cổ phần này cho các DN khác để trả nợ và việc mua bán diễn ra bình thường, các DN mới mua cũng không đăng ký ngành nghề kinh doanh cổ phần, cổ phiếu”- bầu Kiên khẳng định.
Cũng theo bầu Kiên, sau khi tòa sơ thẩm kết thúc, tòa phúc thẩm được mở, chưa có bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào tuyên thu hồi giấy phép kinh doanh của năm công ty trên do hoạt động không đúng pháp luật.
“Tòa sơ thẩm nhận định, các công ty này được thành lập để phát hành trái phiếu, đầu tư chéo gây bất ổn định xã hội. Tôi khẳng định không có bất kỳ khoản đầu tư chéo nào cả.... Tôi có 32 câu hỏi tranh luận với VKS và đề nghị Tòa phúc thẩm tuyên tôi không kinh doanh trái phép”- bầu Kiên nói.


Bầu Kiên đang trả lời HĐXX trong phần thẩm vấn 

Về cáo buộc kinh doanh vàng trái phép của Công ty Thiên Nam, Tòa sơ thẩm cho rằng Thiên Nam không có chức năng kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái nhưng vẫn ký hợp đồng để thay thế VietBank thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư kinh doanh vàng tài khoản với ACB, việc kinh doanh vàng là trái phép.
Theo bầu Kiên, Thiên Nam là công ty duy nhất tại VN được Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho phép thành lập năm 1995. Bầu Kiên cho rằng nhận định của tòa sơ thẩm là sai lầm, không phải bất kỳ hoạt động kinh doanh vàng nào cũng là kinh doanh có điều kiện, phải xin phép. Thông tư 1168 quy định ba trường hợp kinh doanh vàng phải xin phép, trạng thái vàng không nằm trong Thông tư này.
Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Hợp đồng giữa Công ty Thiên Nam và ACB không có điều khoản nào cho phép ACB kinh doanh vàng ở nước ngoài thay mặt Công ty Thiên Nam.
Theo bầu Kiên, loại sản phẩm mà công ty Thiên Nam ký và nhận chuyển giao từ VietBank và tiếp tục thực hiện với ACB từ khi bắt đầu đến khi kết thúc đều là trạng thái âm. Số liệu 11.000 tỷ đồng, đó chỉ là trạng thái quy mô giao dịch mua bán bởi thực tế không có thanh toán nào được thanh toán, không có lượng vàng nào được chuyển giao trong giai đoạn 2009 – 2010. Kinh doanh trạng thái âm thì không phù hợp với kinh doanh trái phép vì nếu bị truy tố thì phải có kinh doanh dương từ 500 triệu đồng trở lên.
Bầu Kiên cho rằng, căn cứ vào điều lệ của Thiên Nam, việc kinh doanh thuộc thẩm quyền của Tổng GĐ (thời điểm đó là ông Lê Quang Trung- đã mất), không phải thẩm quyền của HĐQT. Việc TGĐ Lê Quang Trung ký hợp đồng với VietBank không phải xin phép HĐQT.
Sau khi hợp đồng này được ký kết, Nguyễn Đức Kiên tổ chức cuộc họp HĐQT, nội dung giao cho Kiên là người thông báo lệnh mua bán cho bên ACB về hạn mức qua điện thoại.
“Do hệ thống ghi âm của ACB không nhận được giọng nói của anh Trung nên anh Trung có yêu cầu tôi đặt lệnh bằng giọng nói tất cả những lệnh của anh Trung… Tôi khẳng định, tất cả các lệnh gọi điện đến cho ACB, tôi là người gọi điện đến, để thực hiện lệnh của anh Trung”- bầu Kiên nói.
Bầu Kiên cũng khẳng định, dù có lệnh bằng giọng nói của mình nhưng nếu không có phiếu lệnh (của ông Trung) thì giao dịch bị dừng ngay lập tức để các bên xác nhận lại.
 

Đầu giờ sáng 1-12, tòa tập trung làm rõ hành vi kinh doanh vàng trái phép của công ty Thiên Nam do bầu Kiên làm Chủ tịch HĐQT. 

Theo đại diện của Ngân hàng nhà nước, hoạt động kinh doanh vàng có hai văn bản điều chỉnh là Quyết định 03 của Ngân hàng Nhà nước/2006 và NĐ 174/1999. Tuy nhiên, các văn bản này đều không đề cập đến hoạt động kinh doanh giá vàng hay trạng thái vàng- một sản phẩm tài chính phái sinh từ hoạt động kinh doanh vàng.

HĐXX đề nghị bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên TGĐ ACB) giải thích từ “phái sinh”, để làm rõ việc kinh doanh giá vàng có phải là kinh doanh vàng hay không? (Công ty Thiên Nam buộc phải có giấy phép nếu muốn kinh doanh vàng).

Lý Xuân Hải đáp: “Tôi giải thích hơi khiên cưỡng một chút, ở đây không nói về khái niệm hợp pháp hay không hợp pháp. Lô đề là sản phẩm phái sinh từ xổ số, nhưng không phải là xổ số. Cá độ bóng đá là sản phẩm phái sinh từ bóng đá, nhưng không phải là bóng đá. Nếu kinh doanh giá vàng, khách hàng chỉ quan tâm đến biến động của giá vàng, còn họ không quan tâm giá vàng đó là bao nhiêu”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới