Điểm những diễn biến chính tại phiên sơ thẩm xét xử bầu Kiên

Trước phiên xử, PLO xin điểm lại những diễn biến đáng chú ý tại phiên sơ thẩm.

Tại phiên sơ thẩm, bầu Kiên khẳng định mình không phạm bốn tội danh mà VKS truy tố. Tuy nhiên, không chấp nhận lý lẽ bào chữa của bầu Kiên cùng các luật sư, tòa tuyên buộc bị cáo này phải chấp hành hình phạt tù 30 năm cho bốn tội danh bị truy tố và nộp phạt hơn 75 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm nhận định: “Nguyễn Đức Kiên không thành khẩn khai báo và nhận tội nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc”.
Mua cổ phiếu, góp vốn không đăng ký là kinh doanh trái phép
Tại tòa, bầu Kiên một mực cho rằng mình không phạm tội kinh doanh trái phép và cho rằng VKS phân biệt đối xử. Nguyễn Đức Kiên đặt câu hỏi: Cùng một thời điểm, tại cùng một công ty có những công ty khác góp vốn, công dân Nguyễn Đức Kiên bị coi là vi phạm pháp luật, còn những người khác, pháp nhân khác không bị coi là vi phạm, vậy có công bằng không?
Bầu Kiên cũng cho rằng, nếu không phải VKS đang phân biệt đối xử thì hàng ngàn cá nhân, doanh nghiệp khác đang đứng trước nguy cơ có thể bị khởi tố bất cứ lúc nào.
Tại tòa, luật sư của bị cáo Kiên đã cung cấp cho tòa tám giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp có hoạt động mua cổ phiếu và góp vốn vào DN khác. Trong số này có cả tên những tập đoàn kinh tế nhà nước như Tập đoàn Xăng dầu VN, Tập đoàn Điện lực VN, Tổng công ty Bưu Điện VN…
Tuy nhiên không chấp nhận lý lẽ bào chữa này, bản án sơ thẩm nhận định, các công ty do bầu Kiên làm Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch HĐTV có ngành nghề kinh doanh theo giấy chứng nhận là mua bán vàng bạc, đá quý, đầu tư xây dựng kinh doanh sân golf, nhà hàng, khách sạn… Như vậy, việc mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn của các công ty này không đúng với nội dung đăng ký kinh doanh. Tòa cho rằng, hành vi của bị cáo đã thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu của tội kinh doanh trái phép quy định tại điều 159 BLHS.
Bán cổ phiếu khi đang thế chấp là lừa đảo
Tại tòa, cả ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát) và ông Trần Tuấn Dương (TGĐ Tập đoàn Hòa Phát) đều khẳng định không biết 20 triệu cổ phiếu của Thép Hòa Phát đã bị thế chấp, nếu biết đã không mua. Trong khi đó, ông Mai Văn Hà, Phó Tổng GĐ Công ty CP Thép Hòa Phát, thừa nhận đã ký vào giấy đề nghị phong tỏa 20 triệu cổ phần bị thế chấp cùng với ACBI. Ông này sau đó quên không thông báo với văn thư nên toàn hệ thống công ty không biết.
HĐXX đã nhận định, việc VKSNDTC truy tố bầu Kiên tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Về trách nhiệm dân sự đối với hành vi lừa đảo, do Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đã nhận được số tiền 264 tỷ đồng, không có yêu cầu gì khác nên HĐXX không xem xét giải quyết.
Về tội này,bầu Kiên phát biểu tại tòa: “Trong bốn tội danh tôi bị truy tố, đây là tội danh tôi thấy buồn nhất, bức xúc nhất. Tôi, một doanh nhân có tên tuổi, có uy tín, có tiền của, mà lại đi lừa đảo bạn bè thân của mình? Những người không biết được thực chất của vụ án, không biết được bản chất sự việc, sẽ nghĩ ra sao, sẽ đánh giá thế nào về con người tôi?”.

Điểm những diễn biến chính tại phiên sơ thẩm xét xử bầu Kiên ảnh 2
 

Bầu Kiên cho rằng mình bị áp đặt tội trốn thuế
Theo cáo trạng, Nguyễn Đức Kiên đã lợi dụng việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009 để chỉ đạo, hướng dẫn thuộc cấp của mình hợp thức hóa thu nhập của Công ty B&B (do bà Đặng Ngọc Lan vợ bị cáo Kiên làm TGĐ B&B) thành thu nhập của cá nhân, nhằm trốn thuế.
Tại tòa, bị cáo Kiên cho rằng “Khi luận tội, VKS nói đây là hợp đồng trá hình. VKS căn cứ vào đâu để nói đây là hợp đồng trá hình. Hợp đồng này được ký kết giữa hai bên: tôi, vợ tôi, em tôi ký vào hợp đồng, không ai nói rằng ai đã ép buộc ai, không ai nói rằng đây là tôi ký trong điều kiện không đủ năng lực hành vi…
Hợp đồng này được ký, nếu có thua thiệt xảy ra thì là em gái tôi chứ không phải là Công ty B&B. Phần thua thiệt xảy ra là cá nhân tôi chịu trách nhiệm vì tôi có nói với em tôi, em đầu tư, nhưng nếu chẳng may có rủi ro xảy ra thì anh sẽ giúp em…”
Tuy nhiên HĐXX cho rằng, tại cơ quan điều tra cũng như tại tòa, bà Nguyễn Thúy Hương khẳng định mình không phải nộp bất cứ khoản tiền ký quý nào. Người trực tiếp thực hiện lệnh mua bán do Nguyễn Đức Kiên điều hành. Toàn bộ lợi nhuận được Kiên chuyển vào tài khoản bà Hương đã mở sẵn.
Nguyễn Đức Kiên khai dạy em gái kinh doanh là không có cơ sở. HĐXX khẳng định hợp đồng ủy thác đã nói chỉ là hình thức, là hợp đồng “khống”. Hợp đồng không hợp pháp, hoạt động kinh doanh thực chất là của công ty B&B, điều này vi phạm Điều 7 Luật Quản lý thuế. Việc không kê khai thuế thuộc trách nhiệm của B&B chứ không thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế. Chi cục thuế Đống Đa và thanh tra thuế khẳng định trong năm 2009- 2010, B&B làm ăn có lãi. Sau khi kiểm tra, tổng số thuế phải truy thu và tiền phạt là hơn 440 triệu. HĐXX thấy có đủ căn cứ kết luận, Nguyễn Đức Kiên đã phạm tội trốn thuế với số tiền trên 25 tỷ đồng.
Ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền tại NH khác là sai
Về hành vi ủy thác ủy thác số tiền gần 719 tỷ đồng cho nhân viên ACB gửi tiết kiệm vào VietinBank, bản án sơ thẩm nhận định, trước thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, hoạt động ủy thác và nhận ủy thác được thực hiện theo Quyết định 742 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Nội dung quyết định này chỉ điều chỉnh việc ủy thác và nhận ủy thác cho vay vốn của tổ chức tín dụng, không cho phép các tổ chức tín dụng được ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền tại các NH khác. Như vậy, chủ trương về việc ACB ủy quyền cho nhân viên đi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng là hoàn toàn sai.
Về trách nhiệm dân sự, số tiền 718 tỷ đã được giải quyết trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như nên HĐXX không xem xét.
Ngoài ra, bầu Kiên và các cựu lãnh đạo ACB còn bị buộc tội về hành vi đầu tư mua cổ phiếu ACB trái quy định, tiếp tục gây thiệt hại cho Ngân hàng này trên 687 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, đại diện ACB khẳng định số tiền này không mất nên HĐXX không xem xét giải quyết trong vụ án, tách ra giải quyết trong một vụ án khác khi có yêu cầu khởi kiện của các cổ đông Ngân hàng ACB.
Trước đó, Nguyễn Đức Kiên, trong phần tranh luận lại, cho biết thêm, ngày 8-9-2011, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã có cuộc họp với đại diện các NH liên quan đến hoạt động ủy thác gửi tiền.
“Tại cuộc họp, tôi đã phát biểu về thực trạng các Ngân hàng đang ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền ở NH khác… Ông Thống đốc đã kết luận: Do trong thời gian qua, NHNN có ban hành một số chính sách không phù hợp với quy luật thị trường, gây khó khăn cho các NH trong hoạt động. NHNN đã ý thức được việc này và đang tích cực đưa ra quy định mới để giúp các NH hoạt động tốt hơn. Vì lẽ đó, NHNN không truy cứu các NH trong việc các NH đã cho gửi tiền hoặc nhận tiền trong thời gian qua”- bầu Kiên cho biết.
 

Bóp méo quy luật thị trường vì lợi ích nhóm

Đánh giá chung về tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, bản án sơ thẩm nhận định: Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước, gây ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.

Bằng thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt, các bị cáo đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật nói chung và pháp luật vể NH nói riêng. Các bị cáo đã thực hiện hành vi kinh doanh không đúng quy định của pháp luật về cạnh tranh lành mạnh, tạo ra dòng tiền ảo. Dòng tiền này chạy từ NH này qua NH khác, làm tăng trưởng tín dụng ảo, sinh lợi nhuận ảo, tăng trưởng giá trị cổ phiếu ảo. Tiền mặt được NH huy động từ người dân lại được giao cho nhân viên đi gửi ở NH khác để hưởng chênh lệch lãi suất.

“Sự cạnh tranh không lành mạnh và không dựa trên quy luật thông thường khiến quy luật thị trường bị bóp méo nhằm phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân”- HĐXX nhận định.

Trong hành vi đầu tư mua cổ phiếu, các bị cáo đã tự ý nâng giá cổ phiếu bằng việc đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu của mình. Mặt khác, lợi dụng việc có cổ phần lớn trong NH, các bị cáo, đặc biệt là Nguyễn Đức Kiên đã kiếm tiền một cách dễ dàng từ các NH để đầu tư vào các công ty sân sau do bị cáo làm Chủ tịch, từ đó thực hiện kinh doanh trái phép bằng cách dùng các công ty này phát hành trái phiếu rồi bán cho NH.

“Hành vi của các bị cáo đã gây lũng đoạn thị trường tài chính tiền tệ trong nước, gây ảnh hưởng xấu đến chính sách quản lý thị trường tiền tệ trong nước. Nếu không có sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ thì hậu quả xấu đã có thể xảy ra nên cần phải có mức án thật nghiêm khắc để bảo đảm tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung”- HĐXX sơ thẩm kết luận. 

 

Mức án sơ thẩm dành cho các bị cáo:

1. Nguyễn Đức Kiên (SN 1964), Phó chủ tịch HĐ sáng lập ACB:

20 tháng tù tội kinh doanh trái phép;  6 năm 6 tháng về Tội trốn thuế, phạt số tiền trốn thuế là trên 75 tỷ đồng để sung quỹ nhà nước; 20 năm tù về tội lừa đảo; phạt 100 triệu đồng sung quỹ Nhà nước; 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu qủa nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt 30 năm tù.

Nhóm  bị cáo đồng phạm tội cố ý làm trái:

2. Lý Xuân Hải (SN 1965), Tổng giám đốc ACB: 8 năm tù.

3.Lê Vũ Kỳ (SN 1956), Phó chủ tịch HĐQT ACB: 5 năm tù.

4.Trịnh Kim Quang (SN 1954), Phó chủ tịch HĐQT ACB: 4 năm tù.

5.Phạm Trung Cang (SN 1954), Phó chủ tịch HĐQT ACB: 3 năm tù.

6.Huỳnh Quang Tuấn (SN 1958), Phó TGĐ ACB: 2 năm tù.

Ngoài ra, Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo là cựu lãnh đạo ACB còn phải chịu hình phạt bổ sung, cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến hoạt động NH trong 5 năm sau khi hết hạn tù.

Hai bị cáo đồng phạm trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là Trần Ngọc Thanh  (5 năm 6 tháng tù) và Nguyễn Thị Hải Yến (5 năm tù) không kháng cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm