Tuyên phạt bầu Kiên 30 năm tù và khởi tố thêm 2 vụ án hình sự

8h15 sáng nay, ngày 9-6, HĐXX bắt đầu tuyên án Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm trong vụ án kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tái sản và cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng. 

Vụ án có số lượng bút lục hồ sơ nhiều kỷ lục. Ảnh: TN

Trong buổi sáng, Hội đồng xét xử đã phải mất khá nhiều thời gian để luân phiên đọc lại bản cáo trạng của vụ án.

Kinh doanh trái phép: Không thành khẩn khai báo, phải xử lý nghiêm

HĐXX nhận định: Lời khai của Nguyễn Đức Kiên tại cơ quan cũng như tại tòa, thừa nhận đã dùng tiền của 6 công ty do bị cáo làm Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch HĐTV mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn vào các Ngân hàng, DN khác nhằm mục đích sinh lợi.

Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của 6 công ty, ngành nghề kinh doanh của những công ty này là mua bán vàng bạc, đá quý, đại lý thu đổi ngoại tệ, quản lý tài sản hữu hình và vô hình của DN, đầu tư xây dựng kinh doanh sân golf, nhà hàng, khách sạn, kinh doanh bất động sản… Như vậy, việc mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn của các công ty này không đúng với nội dung đăng ký kinh doanh.

Việc thành lập các công ty này chủ yếu nhằm mục đích góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu, phát hành trái phiếu… Ý kiến trả lời của đại diện Bộ KHĐT là không phù hợp với quy định tại NĐ 88/2006/NĐ-CP (về đăng ký kinh doanh). Hành vi của bị cáo đã thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu của tội kinh doanh trái phép quy định tại điều 159 BLHS. Cạnh đó, HĐXX nhận thấy việc phát hành trái phiếu của các công ty của Nguyễn Đức Kiên có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Việc này có dấu hiệu giúp sức của NH ACB.

HĐXX xét thấy cần khởi tố vụ án về hành vi này, nếu có vi phạm cần xử lý theo quy định của pháp luật.

Về hành vi kinh doanh vàng trái phép của công ty Thiên Nam, Tại tòa, Nguyễn Đức Kiên cho rằng công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng mà chỉ kinh doanh giá vàng.

HĐXX nhận định, kinh doanh vàng, giá vàng hay vàng trạng thái đều là hoạt động kinh doanh có điều kiện.

Căn cứ vào lời khai của bị cáo và những người có liên quan có đủ căn cứ kết luận, Nguyễn Đức Kiên phạm tội kinh doanh trái phép. Nguyễn Đức Kiên là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Tại phiên tòa bị cáo không thành khẩn khai báo và nhận tội nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc.

Tuyên phạt bầu Kiên 30 năm tù và khởi tố thêm 2 vụ án hình sự ảnh 2
 Các bị cáo đúng nghe tuyên án sáng nay. Ảnh: TN

Tội trốn thuế: Sẽ xử lý thêm vợ và em gái bầu Kiên

HĐXX cho rằng, tại cơ quan điều tra cũng như tại tòa, bà Nguyễn Thúy Hương khẳng định mình không phải nộp bất cứ khoản tiền ký quý nào. Người trực tiếp thực hiện lệnh mua bán do Nguyễn Đức Kiên điều hành. Toàn bộ lợi nhuận được Kiên chuyển vào tài khoản bà Hương đã mở sẵn.

Nguyễn Đức Kiên khai dạy em gái kinh doanh là không có cơ sở. HĐXX khẳng định hợp đồng ủy thác nói trên chỉ là hình thức, là hợp đồng “khống”. Hợp đồng nói trên là không hợp pháp, hoạt động kinh doanh thực chất là của công ty B&B, điều này vi phạm Điều 7 Luật Quản lý thuế. Việc không kê khai thuế thuộc trách nhiệm của B&B chứ không thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế. Chi cục thuế Đống Đa và thanh tra thuế khẳng định trong năm 2009- 2010, B&B làm ăn có lãi. Sau khi kiểm tra, tổng số thuế phải truy thu và tiền phạt là hơn 440 triệu. HĐXX thấy có đủ căn cứ kết luận, Nguyễn Đức Kiên đã phạm tội trốn thuế với số tiền trên 25 tỷ đồng.

Các bị cáo lần lượt xin được ngồi nghe HĐXX tuyên án, chỉ còn mỗi bị cáo Lý xuân Hải đứng. Ảnh: TN

Việc VKSNDTC truy tố Nguyễn Đức Kiên về hành vi trốn thuế là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nguyễn Đức Kiên vừa là người chủ mưu, vừa là người thực hành . Căn cứ tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo, hậu quả gây ra đến nay chưa được khắc phục, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc với bị cáo.

Bà Nguyễn Thúy Hương và bà Đặng Ngọc Lan (TGĐ B&B, vợ bị cáo Kiên) giúp sức tích cực cho Kiên thực hiện hành vi trốn thuế, cần kiến nghị cơ quan tố tụng tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Về hình phạt bổ sung, cần phạt tiền gấp ba lần số thuế đã trốn, tương đương trên 75 tỷ.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: VKS đã truy tố đúng người đúng tội

HĐXX nhận định: Tại cơ quan điều tra, ông Trần Đình Long và Trần Tuấn Dương (Chủ tịch HĐQT và TGĐ Tập đoàn Hòa Phát) khẳng định không biết số cổ phiếu nói trên đã bị thế chấp để thực hiện một nghĩa vụ khác. Hai ông cũng khẳng định không có việc hoán đổi cổ phiếu, đây là những việc mua bán độc lập. Mặt khác, Công ty TNHH MTV là công ty độc lập, có con dấu riêng, quyền và nghĩa vụ không liên quan đến Tập đoàn Hòa Phát.

Do đó, tội phạm đã hoàn thành từ khi Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát chuyển tiền vào tài khoản của ACBI. Việc VKSNDTC truy tố bị cáo Kiên và các đồng phạm là đúng người, đúng tội.

Tại tòa, Nguyễn Đức Kiên đã không thành khẩn nhận tội nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc. HĐXX nhận thấy cần phạt tiền 100 triệu xung công quỹ nhà nước.

Đối với hai đồng phạm Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến: HĐXX cho rằng hai bị cáo này chỉ là người làm công ăn lương, nhận thức pháp luật hạn chế nên có thể xem xét giảm một phần hình phạt.

Về trách nhiệm dân sự, Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đã nhận được số tiền 264 tỷ đồng, không có yêu cầu gì khác nên HĐXX không xem xét.

Tuyên phạt bầu Kiên 30 năm tù và khởi tố thêm 2 vụ án hình sự ảnh 4 Hình ành mệt mỏi của bầu Kiên sáng nay tại tòa nghe tuyên án. Ảnh: TN

Tội cố ý làm trái quy định của nhà nước: cho nhân viên đi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng là hoàn toàn sai.

Theo HĐXX, tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận có tham gia cuộc họp Thường trực HĐQT bàn về chủ trương ủy thác nhưng cho rằng hoạt động này là không trái pháp luật. Tuy nhiên, HĐXX nhận thấy, theo khoản 2 điều 90 Luật tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng không được thực hiện bất cứ hoạt động nào ngoài giấy phép được cấp… Ngân hàng thương mại không được ủy thác cho cá nhân đi gửi ủy thác tại NH khác. Trước thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực (cũng là thời điểm Thường trực HĐQT ACB ra nghị quyết về việc ủy thác), hoạt động ủy thác và nhận ủy thác được thực hiện theo quyết định 742 (nội dung quyết định này không cho phép các tổ chức tín dụng được ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền tại các NH khác)

 HĐXX khẳng định, việc ủy thác trước khi có Luật tổ chức tín dụng là không đúng quy định của pháp luật. Điều đó có nghĩa, Thường trực HĐQT ra biên bản cuộc họp về việc đồng ý cho ACB ủy quyền cho nhân viên đi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng là hoàn toàn sai. Đặc biệt, khi Luật các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực, thì việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức tín dụng, trong đó có ACB càng phải được thực hiện nghiêm túc hơn nữa. Các thành viên Thường trực HĐQT biết việc ủy thác cần phải chờ hướng dẫn của NHNN nhưng vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương ủy thác.

Quan điểm của các luật sư và bị cáo cho rằng ACB chưa mất số tiền 718 tỷ vì VietinBank phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền này cho các cá nhân đã gửi tiền.

 HĐXX nhận thấy sau khi ACB chuyển tiền cho các cá nhân đi gửi tiền, số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Việc các nhân viên ACB không quan tâm đến việc gửi tiền đã tạo điều kiện để Huỳnh Thị Huyền Như dùng thủ đoạn chiếm đoạt số tiền nói trên. Cho dù VietinBank hay Huyền Như phải chịu trách nhiệm trong việc hoàn trả số tiền nói trên thì hiện tại ACB vẫn chưa thu hồi được số tiền này. 

Việc VKSNDTC truy tố Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo khác về tội cố ý làm trái là có căn cứ. 

Việc ACB ủy thác cho các cá nhân gửi tiền với lãi suất vượt trần là vi phạm quy định tại Thông tư số 02 về lãi suất tiền gửi. Về trách nhiệm dân sự, số tiền 718 tỷ đã được giải quyết tại vụ án Huỳnh Thị Huyền Như nên HĐXX không xem xét. 

Huỳnh Thị Bảo Ngọc là người trực tiếp liên hệ với Huyền Như về việc mở tài khoản, thỏa thuận lãi suất vượt trần… Để Huyền Như chiếm đoạt được số tiền lớn như vậy có sự giúp sức của Bảo Ngọc. Bản thân Ngọc đã được hưởng lợi hơn 3 tỷ đồng, xét thấy Ngọc có dấu hiệu đồng phạm với Huỳnh Thị Huyền Như trong vụ án lừa đảo. Xét thấy cần phải khởi tố vụ án, kiến nghị VKSNDTC điều tra làm rõ. 

Hành vi đầu tư mua cổ phiếu ACB trái quy định, tiếp tục gây thiệt hại cho Ngân hàng này trên 687 tỷ đồng. Theo HĐXX, Thường trực HĐQT ACB đã giao cho Nguyễn Đức Kiên (với tư cách là Chủ tịch Hội đồng đầu tư của ACB) chỉ đạo công ty ACBS (là công ty chứng khoán do ACB sở hữu 100% vốn) mua cổ phiếu của chính ACB. Khi tiến hành thực hiện, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo công ty chứng khoán ACBS ký hợp đồng hợp tác đầu tư với hai công ty ACI và ACI HN để mua cổ phiếu của ACB. 

Để Công ty ACBS có tiền mua cổ phiếu, NH ACB đã cho KienLongBank vay liên NH 1.000 tỷ và cho VietBank vay 500 tỷ để hai NH này cho ACBS vay lại 1.500 tỷ thông qua hình thức mua trái phiếu của ACBS. 

Nhận định về hành vi cố ý làm trái của các bị cáo, HĐXX cho rằng, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật nói chung và pháp luật ngân hàng nói riêng, khiến quy luật thị trường bị bóp méo, tiền chạy từ NH này sang NH khác, tạo lợi nhuận ảo, tăng trưởng tín dụng ảo…

Tòa Tuyên án:

1. Nguyễn Đức Kiên (SN 1964), Phó chủ tịch HĐ sáng lập ACB:

- 20 tháng tù tội kinh doanh trái phép; 

- 6 năm 6 tháng về Tội trốn thuế, phạt từ 75 tỷ đồng sung quỹ. 

- 20 năm tù về tội lừa đảo; phạt 100 triệu đồng sung quỹ Nhà nước 

- 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu qủa nghiêm trọng, cấm bị cáo giữ các chức vụ điều hành tổ chức tín dụng từ 5 năm sau khi mãn hạn tù. 

Tổng hợp hình phạt 30 năm tù (VKS cũng đề nghị tổng hợp 30 năm tù).

2. Lê Vũ Kỳ (SN 1956), Phó chủ tịch HĐQT ACB: 5 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến hoạt động NH trong 5 năm sau khi hết hạn tù  (VKS đề nghị 7-8 năm)

3. Lý Xuân Hải (SN 1965), Tổng giám đốc ACB: 8 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến hoạt động NH trong 5 năm sau khi hết hạn tù (VKS đề nghị 12-14 năm).

4. Trịnh Kim Quang (SN 1954), Phó chủ tịch HĐQT ACB: 4 năm tù. cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến hoạt động NH trong 5 năm sau khi hết hạn tù (VKS đề nghị 6-7 năm).

5. Phạm Trung Cang (SN 1954), Phó chủ tịch HĐQT ACB: 3 năm tù (VKS đề nghị 3 năm tù treo).

6. Huỳnh Quang Tuấn (SN 1958), Phó TGĐ ACB: 2 năm tù. Nhóm bị cáo đồng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (VKS đề nghị 3 năm tù treo).

7. Trần Ngọc Thanh (SN 1952), Tổng giám đốc ACBI: 5 năm 6 tháng tù (VKS đề nghị 9-10 năm).

8. Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969), kế toán trưởng ACBI: 5 năm tù (VKS đề nghị 7-8 năm tù).

Quyết định khởi tố vụ án:

HĐXX nhận định có dấu hiệu phạm tội kinh doanh trái phép tại Ngân hàng ACB, NH Việt Nam Thương tín (VietBank), do đó quyết định khởi tố vụ án hình sự tại hai ngân hàng này.

HĐXX quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội chiếm đoạt tài sản đối với Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Phó phòng quản lý quỹ NH ACB) vì nhận thấy hành vi có dấu hiệu đồng phạm với Huỳnh Thị Huyền Như trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

THU NGUYỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm