Bé trai 6 tuổi đứt rời chân trái sau va chạm với container trước cổng trường

(PLO)- Sau va chạm với container khi đang băng qua đường khi tan học, bệnh nhi 6 tuổi bị đứt rời chân trái, buộc phải cắt cụt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-3, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhi 6 tuổi (Thái Nguyên) bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, đứt rời 1/3 dưới chân trái do va chạm với container khi chạy qua đường, ngay trước cổng trường học.

Sau khi được sơ cứu và băng ép vết thương tại bệnh viện địa phương, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị vào giờ thứ 6 sau tai nạn.

Tại bệnh viện, các bác sĩ nhận thấy chân trái của trẻ bị tổn thương phức tạp, đứt rời cẳng chân trái, mất nhiều máu, da xanh, niêm mạc nhợt. Ngay trong đêm, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định vừa truyền máu vừa phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi.

Là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi, bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng - Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết sau va chạm với container, phần tổn thương ở trẻ quá lớn, dập nát quá nặng nên không thể bảo toàn được toàn bộ chân trái, chỉ có thể cố gắng bảo tồn phần chân còn lại dài nhất cho trẻ.

va chạm với container.jpg
Sau va chạm với container, trẻ bị đứt rời 1/3 dưới chân trái, buộc phải cắt cụt. Ảnh: BVCC

Trong quá trình phẫu thuật, sau khi khâu cầm máu, thắt các động mạch và thần kinh, bơm rửa sạch và cắt lọc vết thương, các bác sĩ nhận định phần xương bánh chè và khớp gối của trẻ có thể bảo tồn được.

Do đó, ekip đã quyết định cắt cụt 1/3 trên cẳng chân, tận dụng phần tổn thương còn lại để tạo hình mỏm cụt, đặt sonde dẫn lưu mở rộng các đường dẫn lưu của da nhằm bảo tồn khớp gối và phần chân còn lại dài và sinh lý nhất, để sau khi vết thương ổn định, trẻ có thể lắp chân giả và vận động tốt hơn.

Sau phẫu thuật, bệnh nhi được hồi sức tích cực, kiểm soát các rối loạn huyết động, chống nhiễm trùng, làm sạch vết thương, loại bỏ dịch máu ứ đọng, tổ chức hoại tử, giảm phù nề, tăng cường nuôi dưỡng tại chỗ cho phần vạt da được tạo hình.

Hiện tại, sau hơn một tuần điều trị, bệnh nhi tỉnh táo, không sốt, mỏm cụt khô và vẫn đang tiếp tục được theo dõi định kỳ. Dự kiến sau vài tuần, trẻ sẽ được tư vấn tập phục hồi chức năng và lắp chân giả.

Mẹ của bệnh nhi chia sẻ: “Đây là một bài học lớn đối với gia đình cũng như với tất cả mọi người. Mong các phụ huynh sẽ giám sát chặt chẽ, dắt tay con khi qua đường. Phương tiện tham gia giao thông cần đi đúng làn đường và các trường học cần có điểm đỗ xe đúng nơi quy định, không nên để phương tiện đậu tràn lan hai bên lề đường gây cản trở giao thông, khuất tầm nhìn khiến lái xe không kịp phản ứng, dẫn đến tình huống đáng tiếc như của con tôi”.

Theo các bác sĩ, câu chuyện trẻ va chạm với container ở trên chỉ là một trong nhiều trường hợp trẻ phải gánh chịu hậu quả nặng nề cả về thể chất và tinh thần do các chấn thương vì tai nạn giao thông.

Các bác sĩ khuyến nghị nhà trường nên phối hợp với địa phương và lực lượng chức năng bố trí địa điểm đỗ xe cho phụ huynh, phân bổ nhân lực thường xuyên để phân luồng giao thông vào giờ tan học. Đồng thời, người dân cần nâng cao ý thức, đi đúng làn đường và tốc độ được quy định đối với khu vực gần trường học, dừng đỗ và quay đầu xe đúng nơi quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm