VĂN MINH BỆNH VIỆN - BÀI CUỐI:

Bệnh nhân - bệnh viện mối quan hệ hợp tác

Loạt bài Văn minh bệnh viện đã nêu một số hiện tượng bức xúc trong các bệnh viện hiện nay như: mở tivi tràn lan, thủ tục hành chính rườm rà, thu phí người nuôi bệnh... Qua các bài viết, chúng tôi đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía các bệnh viện và ngành y tế.

Sẽ chấn chỉnh giờ, nội dung chương trình tivi

Việc xem tivi bất chấp giờ theo nội quy của bệnh viện là do bệnh nhân không tự giác, bệnh viện kiểm soát chưa tốt. Qua phản ánh của Pháp Luật TP.HCM, bệnh viện sẽ chấn chỉnh lại giờ giấc, kể cả nội dung chương trình. Nếu bệnh viện lắp được trạm trung tâm thì tới giờ quy định sẽ tắt đồng loạt. Còn bây giờ làm thủ công, tới giờ giới nghiêm là điều dưỡng phải đi từng phòng tắt, nhiều khi thu remote nhưng bệnh nhân vẫn bật lên do ý thức chưa cao, gây phiền toái cho người khác.

Ở nước ngoài, một phòng có sáu bệnh nhân, người ta lắp sáu tivi, mỗi bệnh nhân một cái, không ai làm phiền ai. Còn ở Việt Nam, điều kiện chưa cho phép nên gắn chung, người bệnh tự thỏa thuận với nhau để xem, nếu không nhất trí, nhân viên bệnh viện sẽ can thiệp. Mục đích lắp tivi là đem lại sự hài lòng chứ không phải phiền toái cho người bệnh. Trong quá trình tổ chức, nếu mang lại phiền toái là phản tác dụng.

Khuôn viên sạch đẹp của BV Nhi đồng 2.

Với những phòng săn sóc tích cực, trước đây sử dụng cho mục đích khác nên lắp tivi, sắp tới sẽ lắp thêm camera để y, bác sĩ kiểm soát cho phù hợp.

Những nơi công cộng, để tránh thời gian nhàn rỗi, tạo bệnh viện như một khách sạn, bệnh viện thân thiện thì cần có tivi. Mục đích chính lắp tivi không phải để bệnh nhân coi phim, ca nhạc, đá banh… mà để xem các chương trình hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân nhưng đến nay chưa thực hiện được. Thời gian tới, bệnh viện sẽ đưa ra những chương trình hướng dẫn người bệnh để họ hiểu xét nghiệm là thế nào, lấy máu ra sao, trước khi mổ bệnh nhân cần phải nhịn ăn bao nhiêu tiếng… Tùy vào từng bệnh lý, ở từng khoa bệnh viện sẽ xây dựng các chương trình khác nhau. Bệnh viện đã thuê diễn viên chuyên nghiệp đóng cho bệnh nhân hiểu cụ thể về quy trình khám chữa bệnh của bệnh viện.

Tiến sĩNGUYỄN HOÀNG BẮC, Phó Giám đốc BV Đại học Y dược TP.HCM

Không được thu tiền người nuôi bệnh thuê

Lực lượng chăm sóc người bệnh có hai dạng. Dạng thứ nhất là người nhà bệnh nhân hoặc người quen biết được nhờ vả để chăm sóc. Dạng thứ hai là những người được đào tạo kiến thức y tế trình độ sơ cấp để phục vụ trong bệnh viện. Lực lượng này đã góp phần cùng với ngành y tế chăm sóc người bệnh do yêu cầu ngày càng cao.

Tuy nhiên, việc thu tiền của người chăm sóc, người nuôi bệnh thuê là chưa phù hợp với quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 14 năm 2005 về thu một phần viện phí và Thông tư 03 bổ sung một số danh mục kỹ thuật chưa được quy định tại Thông tư 14. Người nuôi bệnh thuê được xem là người nhà bệnh nhân theo giao dịch dân sự của hai bên. Các bệnh viện tự đặt ra thu phí là không cần thiết và chủ trương của ngành y tế là chưa cho phép thu. Nếu đơn vị nào đã thu thì phải rút kinh nghiệm, dù việc thu phí này là để đưa vào ngân sách. Chưa có thống kê xã hội học nào nói đến chi phí cho người nuôi bệnh tại bệnh viện nhưng ước tính chi phí này chiếm 20% chi phí trong bệnh viện.

Về vấn đề thu ứng tiền nhiều lần, theo ngành y tế là không cho phép các bệnh viện thu tiền khi bệnh nhân vào cấp cứu. Tuy nhiên, việc ứng nhiều lần là phù hợp vì không phải ai cũng đủ tiền để ứng một lần. Trường hợp những người bệnh đau đi không được, già yếu, không cần thiết phải bắt họ đóng tiền khi đang điều trị mà chờ họ ổn định, lúc xuất viện mới đóng.

Bác sĩPHAN VĂN NGHIỆM, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM

Đang xác minh có hay không “cò” nuôi bệnh

Vấn đề “cò” nuôi bệnh trong bệnh viện như Pháp Luật TP.HCM phản ánh, lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu trưởng khoa Nội 1 tường trình sự việc. Theo đó, khoa Nội 1 nói không gây khó khăn gì cho nhân viên Công ty Nhân Ái mà chỉ yêu cầu có giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, đóng tiền điện, nước sinh hoạt. Tuy nhiên, nhân viên công ty này không chịu. Trưởng khoa Nội 1 cũng cho biết không dẫn ai đến nhận bệnh cả. Tuy nhiên, bệnh viện chỉ mới xác minh ở trong bệnh viện, vài ngày tới bệnh viện sẽ tiếp tục làm việc với Công ty Nhân Ái và thân nhân bệnh nhân trong sự việc.

Bác sĩĐINH QUANG KHANH, Phó Giám đốc BV Điều dưỡng-Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM

Bệnh nhân, bệnh viện cùng làm

Từ năm 2005, BV Nhi đồng 1 đã xây dựng và phấn đấu thực hiện năm tiêu chí bệnh viện văn minh, thân thiện. Tuy nhiên, tình trạng quá tải đã trở nên áp lực cho các bác sĩ, nhân viên bệnh viện. Dù có cố gắng nhưng chưa được bệnh nhân hưởng ứng nên môi trường chưa thật sạch. Thời gian hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân bị xem nhẹ. Ở nước ngoài, một bác sĩ khám 10-15 người/buổi, còn ở ta bác sĩ khám 100-120 người/buổi nên thông tin từ bác sĩ đến bệnh nhân rất ít. Do đó, bệnh viện đã tăng cường các hoạt động hướng dẫn thông tin bệnh nhân thông tin thuốc qua các bàn hướng dẫn, website và các số điện thoại tư vấn.

Văn minh bệnh viện cần sự đồng thuận của mọi người, từ lãnh đạo cán bộ bệnh viện đến bệnh nhân, thân nhân người bệnh cùng phải ý thức, cùng lo. Muốn vậy, cần phải làm rõ trách nhiệm của từng người và nhà quản lý phải tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho mọi người thực hiện.

Bác sĩTĂNG CHÍ THƯỢNG, Giám đốc BV Nhi đồng 1 TP.HCM

Năm tiêu chí thân thiện của BV Nhi đồng 1

Thứ nhất: Bệnh viện phải sạch và đẹp là môi trường chuẩn mực về sức khỏe. Sạch là tất cả các khoa, buồng bệnh phải lau đúng nguyên tắc. Việc lắp các labo rửa tay, nhất là ở trong khoa Cấp cứu cũng phải đúng chuẩn, cần gạt nước phải dùng bằng cùi chỏ hoặc chân… Trong khuôn viên bệnh viện luôn trồng cây xanh. Đối với bệnh viện nhi, cần tận dụng những khoảng tường trống để vẽ tranh. Điều đặc biệt là môi trường bệnh viện không khói thuốc lá. Xã hội hóa nước thải, nhà đầu tư chịu mọi trách nhiệm xử lý.

Thứ hai: Cơ sở hạ tầng bệnh viện phải cải tạo, nâng cấp liên tục đảm bảo cho các hoạt động điều trị người bệnh. Phòng ốc không được để thấm và nguy cơ xảy ra cháy nổ.

Thứ ba: Thủ tục hành chính càng gọn càng tốt. Thủ tục hành chính rườm rà để bệnh nhân đợi lâu thì không phải là văn minh. Bệnh viện phải đầu tư công nghệ, một bệnh viện văn minh thì không thể thiếu công nghệ. Nhưng đây là một nỗ lực và phải có lộ trình xây dựng lâu dài. Năm vừa qua, BV Nhi đồng 1 đã thay ngầm toàn bộ cáp quang làm cho tốc độ đường truyền nhanh, bền vững.

Trước đây, một bệnh nhân xuất viện thì phải lật từng trang trong hồ sơ bệnh án để tính viện phí, còn bây giờ chỉ cần “enter” một cái là có hết tất cả. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp giám sát chặt chẽ trong điều trị.

Thứ tư: Kiến thức. Y, bác sĩ phải cập nhật liên tục kiến thức công nghệ. Một bệnh viện xây dựng to đùng nhưng kiến thức kém, công nghệ lạc hậu thì không thể là văn minh được. Thư viện số của BV Nhi đồng 1 đã đóng tiền cho tất cả các địa chỉ web y học đáng tin cậy, khi cần thiết các bác sĩ có thể cập nhật ngay.

Thứ năm: Văn minh trong giao tiếp. Văn minh trong giao tiếp gắn chặt với quản lý về chất lượng. Chuyển đổi suy nghĩ của nhân viên, xem bệnh nhân là khách hàng chứ không phải xin-cho.

DUY TÍNH ghi
Email In [+]Cỡ chữ[-]

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới