Những ngày này, không khí TP.HCM đang ngột ngạt, oi bức do thời tiết nắng nóng. Mất 2 tiếng chạy xe máy từ Trung tâm TP.HCM, chúng tôi mới đến được Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, một trong những nơi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 của TP.HCM.
Nhớ những ngày đầu, bệnh viện dã chiến Củ Chi luôn tấp nập người ra vào chuẩn bị thiết bị máy móc, tu sửa cơ sở vật chất để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân và người cách ly.
Giờ đây các khu cách ly và điều trị đều vắng hoe do số người mắc bệnh và được cách ly đã về gần hết. Giữa khuôn viên của bệnh viện, cây phượng đỏ đã thắm sắc tự khi nào, cánh phượng rụng đầy gốc. Thỉnh thoảng, dàn đồng ca ve sầu lại cất lên râm ran, cộng hưởng thêm cho cái nóngnực ngày hè.
Tại khu hành chính, các bác sĩ, điều dưỡng đang tập trung với công việc của mình. Trên dãy bàn đơn sơ, những đôi mắt dán vào màn hình, tiếng lóc cóc gõ bàn phím lâu lâu lại bị tiếng ve át đi. Một bác sĩ khác đang chăm chú xem từng hồ sơ bệnh án của bệnh nhân.
Ở một góc bàn khác, chúng tôi thấy một số quà tặng, cuốn sổ nhật ký xinh xắn, hình ảnh kỷ niệm trong khu cách ly được đóng khung trang trọng.
BS Trần Nguyễn Hoàng Tú, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV dã chiến Củ Chi cho chúng tôi hay đó là nhắn gửi của các bệnh nhân và người được cách ly trước khi ra về.
Chữ viết không bày tỏ hết tình cảm, một nhóm 4 bạn trẻ được xuất viện đầu tiên ở BV dã chiến còn sáng tạo vẽ lại nhật ký sinh hoạt của chính mình và tương tác với các nhân viên khi được điều trị tại nơi đây.
Theo BS Tú, BV dã chiến Củ Chi chịu trách nhiệm điều trị các bệnh nhân COVID-19 đa phần là nhẹ, có ít triệu chứng như ho, sốt. Những trường hợp nặng đòi hỏi chăm sóc bởi phương tiện kỹ thuật tốt hơn sẽ được chuyển vào BV Bệnh Nhiệt đới TP để điều trị tiếp. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa BV dã chiến Củ Chi bớt gánh lo. BV còn phải chăm sóc sức khỏe an toàn cho người ở trong khu cách ly. Có những thời điểm khu cách ly đón cả 100 người, kíp làm việc phải thức trắng đêm để lo lắng chỗ ở, chú ý sức khỏe cho họ.
Ngoài ra, có một trường hợp có bệnh lý nền tim mạch, tăng huyết áp, suy tim độ 3, 4, từng đặt máy tạo nhịp, bị rung nhĩ. Trong đêm, bệnh nhân đột nhiên lên cơn phù phổi cấp vào lúc 23 giờ 30 phút. Trong tua trực lúc này, các bác sĩ phải gấp rút hội chẩn các chuyên khoa tim mạch, hồi sức qua điện thoại để xử lý hạ huyết áp, giúp cải thiện tình trạng suy hô hấp cho bệnh nhân. Qua sáng hôm sau, bệnh nhân đủ ngày cách ly và có kết quả xét nghiệm âm tính nên BV dã chiến Củ Chi đã chuyển bệnh nhân qua BV Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.
BS Tú chia sẻ, trải qua những tháng ngày chống dịch gian nan, điều quý giá nhất bản thân mình và nhân viên của BV dã chiến Củ Chi là tình cảm quý mến của người dân và các bệnh nhân, người được cách ly.
Để phòng ngừa khả năng lây nhiễm bệnh và lây nhiễm chéo, nhân viên ở BV Dã chiến Củ Chi ngoài thời gian thăm khám, lấy mạch huyết áp nhiệt độ của người bệnh, các bác sĩ phải liên tục trả lời thắc mắc qua điện thoại, viber, zalo với các bệnh nhân.
Tình nguyện viên khai thác thông tin dịch tễ từ người bệnh và người ở khu cách ly của BV, anh Lâm Vanda, thực tập tại BV Nhân dân Gia Định chia sẻ trường hợp một phụ nữ người Ai-len bị đau bụng cấp tính sau khi ăn món ăn Việt Nam. Để loại trừ các nguyên nhân khác như viêm ruột thừa, các xét nghiệm lấy máu, siêu âm bụng cần thiết phải được thực hiện. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc này, người phụ nữ ban đầu đặt nhiều thắc mắc và lo lắng. BS Lâm Vanda phải liên tục gọi điện thoại giải thích, thuyết phục người bệnh hợp tác.
Theo chị Hương, trong số các bác sĩ, điều dưỡng được tăng cường lên BV dã chiến Củ Chi công tác, có một số bạn lo lắng khi đối mặt nguy cơ lây nhiễm bệnh và sự kỳ thị. Chị Hương nhiều lần chia sẻ, trấn an các bạn tập trung làm cho tốt công việc thì không có gì phải lo sợ cả. “Tôi luôn nói với các bạn bản thân mình phải hiểu nếu mình làm không tốt thì nguy cơ lây cho người khác càng cao hơn. Chỉ cần một cán bộ y tế bị lây nhiễm bệnh do quản lý không chặt chẽ thì cả BV cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhất là những người làm công tác quản lý, lãnh đạo của BV cũng không kém áp lực, nỗi lo đi cả vào trong giấc mơ”, chị Hương nói.
Chị Hương trải lòng tâm niệm khi làm nghề của chị: “Tôi không mong muốn được khen thưởng mà chỉ mong mình hoàn thành tốt được nhiệm vụ, đạt được mong muốn mà không xảy ra sự cố, mọi người đều an toàn mới là thành công”.
Chị Hương chia sẻ thực tế BV vẫn còn đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 và một số bệnh nhân tái dương tính nên tinh thần của chị và các đồng nghiệp vẫn luôn luôn cảnh giác. Mỗi sáng chị vẫn đi lòng vòng kiểm tra các phòng ốc và làm công việc như hai tháng qua mình đã làm với tinh thần sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân mới.
Tuy nhiên, vẫn có những bệnh nhân phải quay trở lại do tái dương tính với virus khiến hai chị cũng buồn lây với bệnh nhân. Một ca bệnh ở lâu nhất lên đến một tháng là du học sinh người Pháp, ngày nào cũng mong muốn kết quả xét nghiệm âm tính để mau chóng trở về. Vừa qua, BV mua bánh kem và tổ chức sinh nhật 21 tuổi cho một bệnh nhân tái dương đang nằm viện. Cả bệnh nhân và nhân viên đều xúc động, nhân viên BV vừa là người thân vừa là thầy thuốc.