Chủ đề của buổi khảo sát là việc thực hiện BHYT theo hộ gia đình và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn huyện Củ Chi ngày 21-7.
Theo ông Nghĩa, vào cuối năm 2013, đầu năm 2014 tại BV đã có gần 50 bác sĩ (BS) chuyển về các bệnh viện khác làm việc. Trong số đó phần nhiều là bác sĩ có trình độ sau đại học CKI, CKII và 50% là người ở Củ Chi. Nguyên nhân bác sĩ bỏ đi là do thu nhập tại BV hạn chế (BS thu nhập cao nhất 10-12 triêu đồng, thấp là sáu triệu đồng).
"Trước khi cho đi đào tạo sau đại học giữa BV và BS có cam kết nhưng khi về BS vẫn xin nghỉ và bồi hoàn học phí, không có cơ chế để ràng buộc họ", ông Nghĩa nói.
BS CKII Nguyễn Minh Thành, Giám đốc BV đa khoa khu vực Củ Chi, cho biết tại BV, BS nào có điều kiện đi học BV đều cho đi và hỗ trợ kinh phí. Mỗi năm, BV chi cho công tác đào tạo từ 500 triệu đến một tỷ đồng.
Theo BS Thành, do mất nhân lực nên BV khó khăn trong việc phân công công tác. Việc giữ được hơn 200 BS là cố gắng của BV nhưng cũng rất khó khăn. Dù số BS ra đi nhiều nhưng BV không mất kỹ thuật nào mà còn phát triển chuyên sâu hơn. Thí dụ như trước đây chỉ mổ chấn thương sọ não, nay mổ cả bệnh lý não...
"Thu hút BS đã khó, giữ BS càng khó. Do vậy để giữ chân BS, ngoài thu nhập, BV hỗ trợ cho BS mỗi người một triệu đồng/tháng", BS Thành nói.
Bà Tô Thị Bích Châu, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP, đề nghị BV tiếp tục làm công tác tư tưởng và chính sách giữ chân BS. Đặc biệt là cố gắng đào tạo nguồn nhân lực là người tại Củ Chi.