Các bị cáo tại phiên tòa
Liên quan đến vụ án, cùng tội danh còn có 6 bị cáo khác lãnh mức án từ 11 tháng 13 ngày cho đến bảy năm tù. Một bị cáo bị tuyên phạt một năm án treo về tội không tố giác tội phạm.
Đây là vụ án đầu trong ba vụ án về các đường dây giả danh công an để lừa đảo qua điện thoại được đưa ra xét xử trong cả nước.
HĐXX đã bác quan điểm bào chữa của luật sư một số bị cáo cho rằng thân chủ mình không phạm tội lừa đảo. Theo luật sư, các bị cáo này chỉ là những người dân ở nông thôn bán thẻ ATM, thẻ này bị bán lòng vòng đến tay người mình không biết. Do vậy họ bị truy tố đưa ra xét xử đồng phạm lừa đảo là không thoả đáng, vì họ không cùng mục đích, động cơ.
Đối đáp tại tòa, viện khẳng định việc lừa đảo này là cả một dây chuyền, có những người không trực tiếp thực hiện hành vi lừa nhưng biết và cung cấp phương tiện cho người khác phạm tội nên không thể suy luận như luật sư. Tòa cũng đồng tình rằng các bị cáo này khi cung cấp thẻ ATM là biết rõ mục đích việc lừa đảo. Trong đó, cặp vợ chồng hờ Wu Tung I và Hiền là chủ mưu mắt xích quan trọng của đường dây.
Theo hồ sơ, chiều 10-3-2014, bà Nguyễn Thị C. nhận được điện thoại của một người phụ nữ tự xưng là nhân viên tổng đài điện thoại VNPT thông báo còn nợ số tiền cước gần 9 triệu đồng. Sau đó, người này nối máy cho bà C. gặp một người đàn ông tự xưng là "trung úy Nguyễn Trung Hiếu, cán bộ Công an TP Hà Nội".
Qua điện thoại, “trung úy” Hiếu thông báo cho bà C. là ngoài việc nợ cước, bà còn liên quan đến đường dây rửa tiền do công an TP Hà Nội đang điều tra. Qua khai thác thông tin, biết bà C đang có 569 triệu đồng gửi tại Ngân hàng Phương Nam, Hiếu cho biết nếu muốn chứng minh số tiền trên không phải là tiền liên quan đến tội phạm rửa tiền thì phải rút và gửi hết vào tài khoản của Công an TP Hà Nội để kiểm tra. Trong vòng 24 giờ nếu là “tiền sạch” thì Công an sẽ hoàn trả lại cho bà C.
Tưởng thật, bà C. đã chuyển tổng cộng 550 triệu đồng vào bốn tài khoản Ngân hàng Sacombank theo yêu cầu. Khi tiền vào, nhóm này đã sử dụng thẻ ATM có số tài khoản nêu trên rút hết tiền. Với phương thức và thủ đoạn nêu trên, nhiều nạn nhân đã bị chiếm đoạt tiền.
Điều tra xác định các số tài sản khoản thẻ ATM nêu trên đều do Khánh ở Vĩnh Long cung cấp cho vợ chồng Wu Tung I và Hiền. Để có số lượng lớn thẻ, Khánh đã liên hệ với các bị cáo khác làm thẻ bán. Tổng cộng, Wu Tung I và đồng bọn đã sử dụng thẻ ATM nêu trên làm phương tiện chuyển hơn 6,4 tỉ đồng lừa đảo của 33 người bị hại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Quá trình điều tra, Wu Tung I khai có tiền án về các tội mua bán trái phép chất ma túy, tội nguy hiểm nơi công cộng, xâm hại tình dục và là đối tượng đang bị Cảnh sát Đài Loan truy nã nên trốn sang Việt Nam.