Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau phiên xử nguyên giám đốc bệnh viện tâm thần tỉnh Tiền Giang tham ô hơn 3 tỉ đồng, ông Trương Văn Sang, Phó Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang đã nói: “Để khách quan có thể đưa bị cáo lên tuyến trên giám định tâm thần”
Bị cáo Thật lăn lộn trên sàn tại tòa. Ảnh: H.Nam
Ông Sang cho biết thêm, đây là vụ tham ô tài sản tài sản với số tiền thất thoát đặc biệt lớn nên việc liên tục hoãn phiên tòa sẽ ít nhiều gây bức xúc trong dư luận. Ông nói: “Theo Điều 311 BLTTHS nếu có lý do chính đáng thì HĐXX vẫn có thể cho hoãn phiên tòa nhiều lần được. Lúc đầu, công an dẫn giải bị cáo vào phòng xử bị cáo Trần Thị Thật hoàn toàn bình thường nhưng không hiểu sao, khi HĐXX vào hội ý thì bị cáo đột ngột (lăn ra khóc lóc- PV) trở nên như vậy. HĐXX buộc phải hoãn phiên tòa đưa bị cáo đi giám định xem thật giả ra sao để sau này không có cớ gì thắc mắc”.
Qua biểu hiện bị cáo khóc lóc và đòi lột áo ở tòa, cơ quan chức năng quyết định đưa bị cáo đi giám định bệnh tâm thần
Theo ông Sang, giám định tâm thần không giống với giám định tỉ lệ thương tật vì phải đi xác minh tiểu sử gia đình, trong quá trình bị cáo bị tạm giam… qua nhiều khâu xác minh nên có thể kéo dài thời gian đến một tháng.
Nếu kết luật giám định cho thấy bị cáo không có biểu hiện tâm thần thì khi xét xử, dù bị cáo cố ý biểu hiện la lối hay quá khích, Tòa vẫn sẽ tiến hành phiên xử. Trong trường hợp qua giám định, xác định bị cáo Thật bị bệnh tâm thần thì theo luật định sẽ phải tạm đình chỉ việc xét xử bị cáo Thật. Hai bị cáo còn lại của vụ án vẫn phải ra tòa bình thường vì các bị cáo này đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Trong quá trình xử án, nếu có tình tiết liên quan đến bị cáo Thật thì lúc đó HĐXX sẽ xem xét sau.
HOÀNG NAM- NGÂN NGA