Chiều 17-10, tại họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM, ông Trần Quốc Dũng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH, đã có thông tin về tình trạng "chăn dắt" trẻ em, người già ăn xin trên địa bàn TP.
Người lang thang, ăn xin có hành vi đối phó với lực lượng chức năng
Ông Trần Quốc Dũng cho biết tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn TP đã có những chuyển biến tích cực từ khi thực hiện Quyết định 812/2023 của UBND TP.HCM về quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác.
Tuy nhiên, ông Dũng nêu thực tế do tình hình kinh tế khó khăn, vẫn có lúc, có nơi còn xảy ra tình trạng người lang thang, xin ăn. Ngoài ra, nhiều người dân chưa có công ăn việc làm ổn định, nhiều hoàn cảnh có điều kiện khó khăn ở nhiều địa phương khác đến TP.HCM để kiếm sống, xin ăn.
Theo ông Dũng, các đối tượng thường tập trung ở khu vực gần các cơ sở tôn giáo, bến xe, cơ sở kinh doanh xăng - dầu, chợ truyền thống…
“Các đối tượng có hành vi đối phó với lực lượng chức năng như giả dạng bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su... đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương trong công tác xử lý” - ông Dũng nói.
Ông Dũng thông tin trong chín tháng đầu năm 2024, Sở LĐ-TB&XH đã tiếp nhận 1.314 trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn và các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác.
Trong đó có 83 trẻ em mang quốc tịch Việt Nam, 190 người cao tuổi, có 157 người Campuchia (có 91 trẻ em người Campuchia); 884 người khuyết tật hoặc người trong độ tuổi lao động.
Theo ông Dũng, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của cha, mẹ, nếu trường hợp vi phạm quyền trẻ em sẽ được xem xét xử lý theo quy định tùy vào mức độ hành vi vi phạm mà người thực hiện bị xem xét xử lý trách nhiệm hành chính.
Cụ thể, phạt tiền 10 triệu-15 triệu đồng và nộp lại số lợi bất hợp pháp khi có hành vi ép buộc trẻ em đi xin ăn, sử dụng trẻ em để xin ăn hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Ông Dũng cho biết hiện Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Sở TT&TT, Sở VH-TT, Sở GTVT thành lập kênh tổng đài 1022 để kịp thời tiếp nhận phản ánh của người dân để xử lý người lang thang, xin ăn. Đồng thời, Sở cũng tuyên truyền bằng các áp phích, pano để người dân cùng đồng thuận với công tác tập trung người lang thang, xin ăn.
“Sở LĐ-TB&XH cũng tham mưu UBND TP ban hành kế hoạch thực kiểm tra sáu địa phương gồm quận 6, 7, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình và TP Thủ Đức về thực hiện Quyết định số 812/2023” - ông Dũng thông tin.
Đối tượng chăn dắt là người thân, thậm chí là cha mẹ ruột
Theo văn bản của Công an TP.HCM gửi Trung tâm báo chí TP.HCM chiều 17-10, Công an TP.HCM đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung rà soát, xác minh xử lý đối với các trường hợp nghi vấn hoạt động “chăn dắt”.
Qua đó, Công an TP.HCM đã lập danh sách quản lý đối với tám trường hợp thuộc diện nghi vấn “chăn dắt” và hiện đang tiếp tục tổ chức xác minh, làm rõ để xử lý theo đúng quy định.
Văn bản của Công an TP.HCM nêu rõ trong quá trình xử lý đối tượng chăn dắt người ăn xin, khó khăn thường gặp phải là đối tượng chăn dắt là người thân, thậm chí là cha mẹ ruột của trẻ.
Ngoài ra, các đối tượng chăn dắt có hướng dẫn về nội dung, cách thức cho trẻ, người ăn xin để đối phó khi lực lượng chức năng phát hiện, như giả dạng bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su… dẫn đến khó khăn cho công tác củng cố hồ sơ, chứng cứ.
Công an TP.HCM đã phối hợp Sở LĐ-TB&XH thường xuyên rà soát các địa bàn có đông người Campuchia sinh sống, như khu vực nhà trọ ở Quốc lộ 1A (phường Tân Tạo, quận Tân Bình); cư xá đường sắt (phường 1, quận 3); nhà trọ ở đường Nguyễn Văn Luông (phường 10, quận 6).
Qua đó, phát hiện số người Campuchia sống lang thang, ăn xin và đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội để quản lý trong thời gian bàn giao cho Cơ quan ngoại giao Campuchia đưa về nước hoặc thi hành quyết định xử phạt trục xuất.
Trong thời gian tới, Công an TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra lưu trú, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các trường hợp tái phạm theo đúng quy định.
Xử lý 83 trường hợp ăn xin là người Campuchia
Tính từ giữa tháng 6, Công an các địa phương đã mở cao điểm phối hợp tăng cường công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và thu gom gần 1.000 trường hợp.
Trong đó, riêng đối với các trường hợp ăn xin là người nước ngoài (người Campuchia), Công an TP đã phối hợp Trung tâm hỗ trợ xã hội quản lý 143 trường hợp, xử lý 83 trường hợp (ra quyết định xử phạt, trục xuất 37 trường hợp trên 16 tuổi, bàn giao 46 trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi cho phía Campuchia)
Qua xử lý các trường hợp sống lang thang, ăn xin là người Campuchia, Công an TP nhận thấy hầu hết số này là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người già có hoàn cảnh khó khăn sống tại các tỉnh giáp ranh biên giới với Việt Nam (như tỉnh Svay Rieng, Prey Veng).
Các đối tượng đã lợi dụng Hiệp định chung về quy chế biên giới giữa Việt Nam - Campuchia để dễ dàng nhập cảnh trở lại qua các cửa khẩu hoặc qua các đường tiểu ngạch vào Việt Nam dù trước đó đã bị cơ quan chức năng Việt Nam trục xuất.