Bị cáo Nguyễn Cao Trí: Lo giải quyết khủng hoảng nên dẫn đến sai lầm

(PLO)- Ông Nguyễn Cao Trí cho rằng các giao dịch mua bán cổ phần với bà Trương Mỹ Lan đều là thật và đã có những quyết định sai lầm trong lúc khủng hoảng.

Ngày 25-3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan. Phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư (LS).

“Nỗ lực giải quyết khủng hoảng dẫn đến sai lầm”

Vụ án này, bị cáo Nguyễn Cao Trí bị VKS đề nghị mức án 10-11 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cáo trạng xác định từ năm 2017 đến 2020, Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí thỏa thuận mua bán cổ phần tại ba dự án: Cổ phần tại Công ty cổ phần Cao su Công nghiệp; cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh và thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Trong thời gian này, bà Lan đã nhiều lần chuyển tiền cho Nguyễn Cao Trí thông qua Hồ Quốc Minh (đại diện cho bà Lan đứng tên các cổ phần). Sau khi bà Lan bị khởi tố, bắt tạm giam, Nguyễn Cao Trí gặp Minh để thanh lý các hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư để xóa bỏ nghĩa vụ nợ nhằm chiếm đoạt số tiền 1.000 tỉ đồng đã nhận của bà Lan.

Tại tòa, cả bị cáo Nguyễn Cao Trí và LS của mình đều cho rằng mức án VKS đề nghị đối với thân chủ quá nghiêm khắc. Trong suốt quá trình làm việc từ cơ quan điều tra đến khi đưa ra xét xử tại tòa, bị cáo Nguyễn Cao Trí đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Đến thời điểm hiện tại, số tiền mặt đã nộp và các bất động sản đang bị kê biên đã đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án.

Theo cáo buộc, sau khi Trương Mỹ Lan bị khởi tố, bắt tạm giam, Nguyễn Cao Trí đã thanh lý các hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng ủy thác đầu tư để xóa bỏ nghĩa vụ nợ nhằm chiếm đoạt 1.000 tỉ đồng của bà Lan.

Lý giải về việc thanh lý hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và hợp đồng hợp tác đầu tư, LS của bị cáo Nguyễn Cao Trí cho biết cần xem xét lại bối cảnh, hoàn cảnh thời điểm đó vì bị cáo Trí đang đứng trước nguy cơ phải trả gấp đôi số tiền cho bị cáo Lan. Ngay từ đầu, hai bên giao kết mua bán 10% cổ phần tại Công ty Văn Lang là nhằm để kết chuyển toàn bộ dư nợ của ông Trí đối với bà Lan từ mua bán cổ phần của ba dự án trước đó, bản chất không có chuyện bị cáo Trí nhận 1.000 tỉ đồng để bán 10% cổ phần tại Công ty Văn Lang.

Bản thân bị cáo Nguyễn Cao Trí cho biết trong vụ này là người duy nhất không liên quan gì đến hoạt động của Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB. Nếu so sánh, thiệt hại chỉ là con số nhỏ so với thiệt hại của vụ án. Cạnh đó, hiện nay bản thân các công ty trong hệ thống cũng đang bị đối tác chiếm giữ hơn 1.500 tỉ đồng.

“Bị cáo thừa nhận mình đã phạm sai lầm. Khi Trương Mỹ Lan bị khởi tố, bị cáo rất bối rối và lo lắng vì sợ hệ thống của mình liên quan đến chị Lan. Trong trạng thái lo lắng thái quá để giải quyết khủng hoảng, bị cáo đã có những quyết định sai lầm. Có thể nói hành vi của bị cáo xuất phát từ nỗ lực giải quyết khủng hoảng dẫn đến sai lầm” - bị cáo Trí nói.

Ngoài ra, LS còn trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Trí (không có tình tiết tăng nặng) để từ đó kiến nghị HĐXX áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt, miễn hình phạt đối với bị cáo này theo quy định tại Điều 59 Bộ luật Hình sự.

“Chỉ là nhân viên mà mức án đề nghị ngang ngửa sếp”

Các bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) và Đặng Phương Hoài Tâm (cựu trưởng văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng bị VKS đề nghị 19-20 năm tù. LS bào chữa và bản thân các bị cáo này đều cho rằng mức án là quá cao so với người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo nhưng mức án đề nghị nặng tương tự các bị cáo khác là sếp của mình.

LS của bị cáo Phương Anh cho rằng về thiệt hại của vụ án không phải nguyên nhân trực tiếp từ bị cáo Phương Anh bởi vì mọi người đều cho rằng Ngân hàng SCB trước và sau khi hợp nhất đều thuộc gia tộc của Trương Mỹ Lan. Số tiền quanh đi quẩn lại vẫn nằm trong ngân hàng. Phần thiệt hại là tiền được giải ngân từ trước, sau này bị cáo chỉ hợp thức hóa.

Còn LS bào chữa cho bị cáo Tâm thì cho biết bị cáo Trương Mỹ Lan chọn Tâm phụ trách văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vì cần người có tuổi để quản lý các nhân viên trẻ. Bị cáo Tâm chỉ căn cứ chỉ đạo của bà Lan để phân phó cho các nhân viên cấp dưới theo quy mô, nhiệm vụ; không chủ động mở các công ty và không kêu gọi mở các công ty và chỉ chấp hành đúng quy định ban hành của HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Tâm cho rằng bản thân chỉ quản lý tài sản công ty, theo dõi dư nợ tài sản mang thế chấp, hoàn toàn không theo dõi các công ty vay. Về việc giải quỹ, bị cáo Tâm không biết gì từ quá trình bắt đầu đến khi kết thúc.

“Bị cáo thực chất là nhân viên, không hiểu mình phạm tội gì mà đề nghị mức án ngang ngửa các sếp. Bị cáo là nhân viên, chỉ muốn đi làm lo cho con. Bị cáo làm sai thì bị cáo chịu nhưng mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt” - bị cáo Tâm khóc trình bày.

Người môi giới thẩm định giá cho SCB nộp 1,3 tỉ đồng

Theo cáo trạng, Trần Văn Nhị có mối quan hệ quen biết nên được Trần Thị Mỹ Dung, phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB, nhờ tìm kiếm các công ty thẩm định giá để thẩm định giá tài sản đảm bảo cho Ngân hàng SCB. Sau đó, bị cáo này đã liên hệ, thỏa thuận với công ty định giá của bị cáo Trần Thị Kim Ngân phát hành hai chứng thư thẩm định giá ghi lùi ngày, nâng khống giá trị tài sản để Ngân hàng SCB đưa vào hợp thức hóa hồ sơ thế chấp, hồ sơ vay vốn, giải ngân cho 65 khoản vay, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 110.064 tỉ đồng.

Từ đó, VKS đã đề nghị mức án 4-5 năm tù về tội vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Tại tòa, LS bào chữa cho bị cáo Nhị cho rằng thân chủ không có thẩm quyền, chức năng phát hành chứng thư thẩm định giá, cũng không có chức vụ trong các công ty thẩm định giá để tác động đến kết quả. Ngoài ra, bị cáo Nhị đã khắc phục 1,3 tỉ đồng hậu quả nên đề nghị xem xét lại vai trò, nhân thân và hoàn cảnh gia đình để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới