Bi kịch từ bàn nhậu

Theo cáo trạng, khoảng 19 giờ 30 phút ngày 27/12/2014, ông Đỗ Phước Minh cùng 4 người bạn ngồi uống bia tại một quán nhậu trên đường Nguyễn Văn Luông (quận 6, TP.HCM).

Uống được khoảng 4 chai thì ông Lưu Toàn (ngụ phường 11, quận 6) đến, ngồi xuống bàn của nhóm ông Minh, ông Toàn lớn tiếng: “Tao xỉn rồi đó, thằng nào cà chớn tao đập chai lên đầu”.

Mọi người trong bàn nhậu im lặng, ông Minh nói: “Anh Toàn xỉn rồi, mời anh qua bàn khác ngồi”. Ông Toàn không chịu đi và cứ ngồi nhắc đi nhắc lại điệp khúc: “Thằng nào cà chớn tao đập chai vô đầu”.

Bị cáo (áo màu vàng) và bị hại ở phiên tòa.

Bực mình, ông Minh bỏ đi vào nhà vệ sinh. Lúc đi ngang qua nhà bếp nhìn thấy con dao thái lan mũi nhọn nằm trên thớt, ông Minh llấy con dao, giấu vào người rồi quay ra. Hai bên lời qua tiếng lại thêm vài câu, ông Toàn xô bàn làm ông Minh ngã xuống đất. Ông Minh đứng dậy, rút dao đâm thẳng vào sườn trái của ông Toàn. Mọi người lao vào can, giật dao ông Minh lại và đưa ông Ông Toàn đi cấp cứu.

Định thần lại, ông Minh về nhà, kể hết chuyện cho vợ con nghe rồi đến công an phường 11, quận 6 đầu thú. Ông Minh bị truy tố về tội cố ý gây thương tích.

Vụ án không có gì phức tạp, lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại và các nhân chứng. Ấy vậy mà không khí phiên tòa lại hết sức nặng nề. HĐXX cũng chạnh lòng: Phải chi vụ án này là thanh niên mới lớn, còn nông nổi, không biết suy nghĩ đã đành. Đằng này, hai ông đã lớn tuổi hết rồi, chưa từng có hiềm khích gì xảy ra.

Trong chuyện này cũng là một phần lỗi của ông Toàn, nhậu say rồi đi kiếm chuyện, may là được cấp cứu kịp mới giữ được tính mạng, chứ trễ chút thôi thì chắc ông cũng đã chết rồi. Còn ông Minh, đúng là ông Toàn có lỗi trước, nhưng cái lỗi này không đến mức ông phải đâm người ta như thế. Ông già yếu thế này, vào tù thì phải làm sao! Ông Minh thương tật đến 63%, tòa có thương ông cũng không thể làm sai pháp luật được.

Ông Minh nức nở, kéo tay áo quệt vội dòng nước mắt. Ông kể về hoàn cảnh gia đình hết sức bi đát. Bản thân ông vốn bị lãng một tai, bị viêm đại tràng, thoát vị đĩa đệm và viêm loét dạ dày có nguy cơ chuyển sang ung thư. Vì không làm được việc nặng nên tiền lương mỗi ngày làm thuê của ông chỉ được 125 ngàn đồng.

Khổ nữa là vợ ông còn bị u xơ tử cung, vừa mới mổ xong. Thêm một người con bị tai nạn nghề nghiệp, đứt mất một ngón tay cũng đang điều trị. Sự cố xảy ra, ông phải bán nhà mới có tiền lo viện phí cho ông Toàn. Giờ cả gia đình phải thuê nhà trọ để ở. Cơ quan điều tra cho ông tại ngoại, lòng ông ngổn ngang trăm mối nhưng vẫn phải cố đi làm được ngày nào hay ngày nấy...

Sau nghị án, Tòa tuyên phạt bị cáo phải chịu 5 năm 6 tháng tù giam. Tuyên án xong, Chủ tọa nán lạn nhìn bị cáo, nén tiếng thở dài rồi giải thích thêm: "Đây là mức án thấp nhất theo đề nghị của đại diện VKS sau khi đã áp dụng hết mọi tình tiết giảm nhẹ của bị cáo. Vì tính nguy hiểm của hành vi và bị hại bị thương tật quá nặng, nên không thể chuyển khung hình phạt nhẹ hơn và càng không thể áp dụng chế định án treo được, ông có hiểu không!".

Mọi người ngồi thừ lại, người thân của cả hai bên âu sầu buồn bã không ai muốn về. Bị cáo quay lại, đôi mắt đỏ hoe nhìn bị hại trách: "Sao ông không xin thêm cho tui? Ông nói ít vậy tòa tưởng ông còn hận tui.....".

Bị hại lí nhí, lắc đầu:"Đâu có đâu, tui có xin mà, tại .... tui run quá không nói được nhiều, hồi nào giờ có ra tới tòa đâu. Tui tưởng viết đơn bãi nại cho ông là được rồi. Giờ phải làm sao đây ông?".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều