Bị kiện đòi lối đi chung sau 27 năm được cấp sổ hồng

(PLO)- Sau 27 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người hàng xóm bất ngờ làm đơn khởi kiện đòi đường đi chung.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-1, TAND huyện Krông Ana (Đắk Lắk) mở phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp lối đi giữa nguyên đơn là hộ bà Nguyễn Thị Tâm (66 tuổi, ngụ thị trấn Buôn Trấp) và bị đơn là gia đình ông Phạm Tặng (75 tuổi, ngụ xã Bình Hòa, huyện Krông Ana).

Theo đơn khởi kiện, đầu năm 1989, bà Tâm sinh sống tại một thửa đất tiếp giáp phần cuối đất của gia đình ông Tặng và phần đất của ông Nguyễn Công Trứ (em trai bà Tâm).

Ở giữa lô đất của ông Tặng và ông Trứ có một con đường rộng 3m, dài 50m kéo dài đến tận phần đất của bà Tâm.

Năm 1995, sau khi được UBND huyện Krông Ana cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng), ông Tặng đã lấn chiếm phần đất này khiến con đường chung không còn nữa.

đất.JPG
Hiện trạng lô đất của ông Tặng (phần trồng cây cau, hướng mũi tên màu xanh) tiếp giáp với đất ông Trứ (bên phải, hướng mũi tên màu đỏ) và đất của bà Tâm nằm ở phía xa (dấu X màu đỏ). Ảnh: VŨ LONG

Bà Tâm nói với HĐXX, trước khi làm đơn khởi kiện, bà có nhiều lần phản ánh và đề nghị ông Tặng trả lại đường, nhưng không được chấp thuận. Bà cũng thừa nhận không có đơn phản ánh để đề nghị chính quyền địa phương giải quyết.

Đến năm 2022 (sau 27 năm kể từ ngày ông Tặng được cấp sổ hồng), khi biết ông Tặng bán phần đất này, bà Tâm mới làm đơn khởi kiện ra tòa để đòi lại con đường.

Bà Tâm yêu cầu ông Tặng trả lại con đường, nhưng, lúc thì bà nói đường rộng hơn 2m, lúc thì nói rộng 3m.

“Thế bà yêu cầu đòi lại đường rộng bao nhiêu mét”- chủ tọa phiên tòa hỏi. Đáp lại, bà Tâm cho biết: “Từ 2 đến 3 m”.

Về phần mình, trả lời HĐXX, ông Phạm Tặng cho biết, năm 2007 gia đình ông Trứ xây dựng bờ tường ngăn cách với phần đất của gia đình.

“Trải qua 36 năm sinh sống ở xã Bình Hòa, chẳng có ai khiếu nại, khởi kiện đòi đường đi. Mà thực tế, chẳng có con đường nào đi qua phần đất của gia đình tôi và của ông Trứ dẫn ra vườn bà Tâm” – ông Phạm Tặng nói trước HĐXX.

Ông Phạm Tặng cũng viện dẫn các văn bản liên quan. Đó là tại các buổi làm việc hòa giải giữa gia đình ông với bà Tâm, lãnh đạo UBND xã Bình Hòa (2 lần hòa giải), cũng như trích lục trên bản đồ giải thửa, sổ hồng của hai gia đình (của ông Tặng và đất ông Trứ-PV) đều xác định: không có thể hiện có con đường đi qua đất của ông Phạm Tặng để đi vào đất của bà Nguyễn Thị Tâm.

Trong khi đó, đại diện VKSND huyện Krông Ana tại phiên tòa căn cứ một số quy định và lời khai của những nhân chứng khẳng định có con đường dẫn vào đất nhà bà Tâm; qua đó, đề nghị chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tâm.

Chủ tọa phiên tòa cho rằng, do tính chất phức tạp của vụ kiện, cần có thời gian để đánh giá lại các chứng cứ để khách quan. HĐXX quyết định nghị án kéo dài.

Dự kiến, HĐXX sẽ tuyên án vào chiều 31-1.

Bị kiện hủy kèo mua đất vì bỗng xuất hiện tranh chấp lối đi

Liên quan đến vụ án trên, tháng 4-2022, gia đình ông Phạm Tặng làm thủ tục sang nhượng hơn 4.000 m2 đất (lô đất đang tranh chấp với bà Tâm) cho bà Nguyễn Thị Tem (41 tuổi, ngụ thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana).

Bà Tem đã hai lần đặt cọc và được tạo lập thành một bản hợp đồng có sự ký nhận của các bên.

Sau đó, bà Nguyễn Thị Tâm khởi kiện ra tòa tranh chấp lối đi chung như đã nêu trên.

Vì lý do này, bà Tem không đồng ý tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng với ông Tặng nữa. Đồng thời, khởi kiện yêu cầu gia đình ông Tặng trả lại tiền đặt cọc.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX TAND huyện Krông Ana đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tem.

Tuy nhiên sau đó, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm quyết định huỷ án sơ thẩm vì lý do cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng, bị đơn cung cấp chứng cứ mới mà cấp phúc thẩm chưa thể xác minh, đánh giá được...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm