Bị kiện vì… lẳng lặng bán đấu giá

Theo bản án có hiệu lực pháp luật, vợ chồng ông Phạm Đức Hãnh (thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước) phải trả cho ngân hàng số nợ gần 350 triệu đồng. Tháng 3-2009, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Lộc Ninh đã kê biên thửa đất hơn 100 m2 (có nhà ở) của ông Hãnh để THA. Do các bên không thỏa thuận được nên Chi cục THA Lộc Ninh đã ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tỉnh (gọi tắt là trung tâm). Ngày 3-7-2009, một người dân đã trúng đấu giá thửa đất với giá 470 triệu đồng và đã nộp tiền mua tài sản.

Ông Hãnh khởi kiện yêu cầu hủy kết quả đấu giá vì ông không được thông báo về các lần tổ chức bán đấu giá. Tuy nhiên, xử sơ thẩm hồi tháng 3-2013, TAND huyện Lộc Ninh đã bác yêu cầu của ông.

Xử phúc thẩm cuối tháng 11, TAND tỉnh Bình Phước đã hủy bản án này để giải quyết lại. Tòa phúc thẩm nhận định bản án của TAND huyện Lộc Ninh chưa đảm bảo tính khách quan, cũng như việc thu thập chứng cứ không đầy đủ. Chi cục THADS huyện Lộc Ninh và trung tâm đã có nhiều sai sót, vi phạm trong việc áp dụng pháp luật và trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản.

Cụ thể, để thực hiện việc bán đấu giá mà trung tâm lại áp dụng Quy chế bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất (ban hành kèm theo Quyết định 23 năm 2006 của UBND tỉnh Bình Phước) là không đúng. Ngoài ra theo quy định, trước khi mở cuộc bán đấu giá đất, chấp hành viên phải thông báo bằng văn bản cho VKS cùng cấp, người phải THA, người được THA về loại đất, diện tích đất, tình trạng đất bán đấu giá, giá khởi điểm và thời điểm mở cuộc bán đấu giá… Nhưng trong vụ này, ông Hãnh - người phải THA đã không nhận được các nội dung thông báo trên, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông. Ngoài ra, chấp hành viên cũng không thông báo cho VKS, người được THA về việc bán đấu giá.

Tòa phúc thẩm cho rằng những sai sót của cơ quan THA và trung tâm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của vợ chồng ông Hãnh, không đảm bảo tính khách quan và căn cứ pháp lý của kết quả bán đấu giá tài sản.

Người phải THA không biết để mua lại nhà

Một vụ tương tự xảy ra ở Đồng Nai cũng khiến đương sự phải mệt mỏi và đương sự (cả người phải THA và người được THA) cũng vất vả vì cách giải quyết không đúng quy định của các cơ quan thực thi pháp luật.

Số là vợ chồng ông Phạm Ngọc Chương (phường Tân Biên, TP Biên Hòa, Đồng Nai) có nghĩa vụ phải trả cho bà Nguyễn Thị Thùy Trang số nợ gần 800 triệu đồng. Tháng 4-2007, Chi cục THADS TP Biên Hòa đã kê biên căn nhà của ông Chương để THA. Sau đó, chi cục ký hợp đồng bán đấu giá căn nhà với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tỉnh (trung tâm) với giá khởi điểm hơn 1,6 tỉ đồng. Do không có người đăng ký mua nên tài sản được định giá lại.

Ngày 22-4-2010, trung tâm tổ chức bán đấu giá tài sản theo thủ tục đặc biệt (hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà chỉ có một người đăng ký mua theo khoản 1 Điều 19 Nghị định số 05 năm 2005). Người trúng đấu giá là bà Trang, với giá 1,1 tỉ đồng. Gần năm tháng sau, chi cục đã cưỡng chế giao nhà ông Chương cho bà Trang.

Ông Chương khởi kiện yêu cầu hủy kết quả đấu giá vì cho rằng trung tâm bán đấu giá theo thủ tục đặc biệt nhưng không thông báo dành quyền ưu tiên cho ông được mua lại tài sản. Tuy nhiên, TAND TP Biên Hòa đã bác yêu cầu của ông. Bản án này sau đó bị TAND tỉnh Đồng Nai tuyên hủy để xử lại.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới