Có thể vì đây là vấn đề gần gũi với nhiều người như nhận xét của bạn đọc Lê Văn Cải (Bà Rịa-Vũng Tàu) nên bài “Bị tạm giữ bằng lái, có được chạy tiếp?” (Pháp Luật TP.HCMngày 20-7) nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc.
Đa số nói bảo hiểm phải đền
Bài viết xuất phát từ việc chủ xe bị Công ty Bảo hiểm B. từ chối thanh toán. Do đó, các ý kiến tập trung bàn về tính đúng, sai của việc này. Quy tắc do công ty đưa ra là “loại trừ bảo hiểm trong trường hợp tại thời điểm xảy ra tai nạn, lái xe không có giấy phép lái xe (GPLX) hợp lệ”. Các ý kiến cho rằng “công ty bảo hiểm sai” đang ở thế áp đảo.
TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích: “Phải hiểu lái xe không có GPLX hợp lệ là lái xe không có GPLX hoặc có GPLX nhưng không có quyền điều khiển xe (bị tước quyền này), GPLX hết hạn theo quy định. Trong khi đó, tài xế T. có mang GPLX, đủ điều kiện để lái xe nhưng không thể xuất trình vì bị CSGT tạm giữ”. Để bảo vệ thêm lý lẽ “công ty bảo hiểm phải bồi thường”, TS Tiến còn suy rộng ra “nếu một người đang điều khiển ô tô nhưng bị cướp tài sản (trong đó có GPLX) và bị tai nạn mà không được bồi thường là không thỏa đáng”.
Đồng tình, bạn đọc Nguyễn Thị Mỹ Tiên (quynh… @gmail.com) cho rằng: “Do tài xế T. không bị tước GPLX nên vẫn được quyền lái xe”. Bạn đọc Nguyễn Công Sáng (congsang… @yahoo.com) nhận xét: “GPLX đang bị tạm giữ thì làm sao có mà mang theo người? Rõ ràng tài xế ở trong tình trạng bất khả kháng nên không bị coi là có lỗi”.
Nhiều ý kiến cho rằng tài xế vẫn được tiếp tục lái xe trong trường hợp bị CSGT tạm giữ GPLX để đảm bảo việc nộp phạt. Ảnh minh họa: HTD
Cần có văn bản thống nhất
Với câu hỏi: “Sau khi bị tạm giữ GPLX, cá nhân có quyền lái xe chạy tiếp hay không?”, số đông bạn đọc cũng cho rằng “được”.
Bạn đọc Huỳnh Quang Diệp (đường 30-4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) lập luận: “Quy định phải mang theo GPLX khi điều khiển phương tiện trong Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 chỉ áp dụng cho những người tham gia giao thông trong điều kiện bình thường. Trường hợp bị CSGT tạm giữ GPLX để đảm bảo việc nộp phạt vi phạm giao thông nên không thể có GPLX để mang theo người thì tài xế vẫn được tiếp tục lái xe”.
Bạn đọc nminhhang111@... lưu ý: Quy định cho CSGT tạm giữ GPLX để đảm bảo việc nộp phạt vi phạm giao thông theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính là làm trái với Luật GTĐB. Vì khi bị tạm giữ GPLX, làm sao mọi người có thể kè kè GPLX theo người như yêu cầu của luật? Các rắc rối phát sinh từ sự chệch choạc này do lỗi của pháp luật chứ không phải do lỗi của cá nhân. Vì thế, cá nhân phải được quyền điều khiển xe”.
Bạn đọc Lê Văn Cải lo ngại nếu thực hiện răm rắp Luật GTĐB, e rằng có hàng chục, hàng trăm chiếc xe đủ loại phải nằm lại trên đường để chờ chủ xe điều động người có GPLX hợp lệ đến lái xe đi nơi khác hoặc lực lượng chức năng tổ chức giải tỏa phương tiện. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là đối với các xe chở hàng tươi sống.
Từ ý kiến của luật sư Tô Ngọc Minh Tuấn trong bài “Biên bản giữ bằng lái không thể thay GPLX” (Pháp Luật TP.HCM ngày 21-7), bạn đọc Cải so sánh: “Nhiều nước trên thế giới không cần thổi còi, dừng phương tiện, lập biên bản, tạm giữ giấy tờ liên quan mà pháp luật giao thông của họ vẫn nghiêm, người vi phạm vẫn tự giác nộp phạt. Vậy nên các cơ quan chức năng phải thay đổi gấp cách phát hiện, xử lý vi phạm, cách đóng phạt. Được vậy, các địa phương sẽ giảm được hàng triệu lần phương tiện đi đóng phạt và giảm được nhiều chi phí khác”.
Góp thêm giải pháp, bạn đọc Châu Bình (wattnadanh… @gmail.com) nêu: “Nếu cố gắng làm đúng theo luật thì sau khi bị tạm giữ GPLX, mọi người phải kêu xe khác kéo về nhà và như vậy sẽ rất lộn xộn. Các cơ quan chức năng cần ra văn bản quy định rõ tài xế được tiếp tục lưu thông trong bao lâu”. Luật sư ĐNV đề xuất: “Hai bộ Công an, GTVT nên phối hợp ban hành văn bản cho phép các tài xế được tiếp tục điều khiển xe trong một thời gian nhất định. Bấy giờ, người lái xe và CSGT đều có cơ sở pháp lý thực hiện, tránh được những rắc rối không đáng có như bị từ chối trả bảo hiểm chẳng hạn”.
T.TÂM tổng hợp