Trao đổi với Pháp Luật TPHCM nhân đầu xuân Quý Mão 2023, Uỷ viên Bộ Chính trị Bí thư Thành uỷ Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng cho biết thời gian qua, ông và Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã đoàn kết, chung lòng cho sự phát triển của Thủ đô.
Bản thân ông thì luôn đau đáu là làm sao vực dậy các vùng trũng ở khu vực phía Tây, Tây Nam, đồng thời giữ được bản sắc văn hoá của Hà Nội. Ông và Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã đoàn kết lựa chọn những việc mang tính chất căn cơ, dài hơi cho sự phát triển của Thủ đô để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo…
Năm bản lề và những nhiệm vụ căn cơ cho phát triển Thủ đô
. Phóng viên: Thưa Bí thư, năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, thành phố đã chuẩn bị gì để tiếp tục giữ vững đà phát triển khi các dự báo cho thấy tình hình chung sẽ rất khó khăn, thách thức?
+ Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Năm 2023 dự báo sẽ rất khó khăn, nhất là trước nguy cơ lạm phát cao, suy thoái kinh tế, diễn biến dịch bệnh, tình hình chính trị thế giới…
Ông Đinh Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị Bí thư Thành uỷ Hà Nội
Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy là toàn thành phố phải phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có, tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp.
Quan trọng nhất là phải tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, ủng hộ của nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhất là những nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó.
Thành phố phấn đấu hoàn thành 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong đó cố gắng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 7% trở lên; kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 4,5%...
Cùng với đó, thành phố sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa tạo sức bật mới cho sự phát triển của Thủ đô trước mắt và lâu dài. Đó là hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đồng thời sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm. Sớm đưa đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội vào vận hành, triển khai cải tạo xây dựng chung cư cũ, xử lý các dự án chậm tiến độ… Đặc biệt là hoàn thành giải phóng mặt bằng, khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô.
. Ông vừa nói đến những nhiệm vụ lớn, khó và có tính chất lâu dài đối với sự phát triển của Thủ đô, vậy cụ thể đó là gì?
+ Việc mang tính chất sự vụ là chuyện đương nhiên phải làm không phải bàn. Còn tập trung làm những việc tạo căn cơ cho sự phát triển của Thủ đô là nhận thức chung của chúng tôi và rất thuận trong đội ngũ cán bộ Thủ đô.
Ông Đinh Tiến Dũng khảo sát dự án đường Vành đai 4 tại nút Yên Nghĩa - Hà Đông
Suốt hai năm qua, ngoài việc phòng chống dịch thì thành phố cũng triển khai những việc có tính dài hơi. Đầu tiên là tổng kết Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị khoá XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 và kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 15 cho giai đoạn phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tiếp đó là Thành uỷ, HĐND, UBND TP cùng bàn để lựa chọn ra một số việc tồn tại từ lâu cần làm. Ví dụ đề án cải tạo chung cư cũ năm qua đã lập xong đề án, nhưng do dịch COVID-19 nên chưa triển khai được. Năm nay nhất định phải làm, vì nhiều toà nhà đã rất xuống cấp, cũ nát, sinh hoạt của người dân gặp khó khăn…
Rồi tổng kết, đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô. Nhiều ý tưởng của Luật đến nay vẫn còn nguyên giá trị, nhưng tại sao 10 năm qua thực hiện không được. Luật nói phải di dời các cơ sở trường học, bệnh viện, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô, quỹ đất sau di dời ưu tiên làm công trình công cộng. Nhưng đến nay thì đã di dời được bao nhiêu cái, và bao nhiêu cái được làm công trình công cộng?
Thực tiễn những năm qua các cơ quan Trung ương bố trí nguồn lực còn hạn chế cho việc di dời trường học, bệnh viện, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô.
Tôi nhớ, năm 2004, khi mới lên làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng, tôi được cử lên Hoà Lạc khởi công Đại học Quốc gia. Gần 20 năm qua, dù đã làm đảm nhận nhiều vị trí, về Hà Nội làm Bí thư Thành uỷ tôi vẫn thấy Đại học Quốc gia xây dựng không được bao nhiêu.
Chính vì vậy vừa qua thành phố đề xuất 9 nhóm giải pháp để sửa đổi Luật Thủ đô, trong đó có cơ chế tạo nguồn lực cho thành phố thực hiện việc này. Tôi tin, nếu được giao thì Hà Nội sẽ giải phóng được mặt bằng, hỗ trợ kinh phí di dời các cơ sở ra khỏi nội thành và thu về quỹ đất làm các công trình công cộng cho thành phố.
Hà Nội cũng tập trung các việc lớn mang tính chất căn cơ, dài hạn khác như tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền. Hiện nay toàn thành phố đã rà soát, phân cấp được khoảng 700/1.900 thủ tục hành chính các cấp, trong đó có 1.154 thủ tục của các sở ngành.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các lãnh đạo thành phố Hà Nội kiểm tra thực địa Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại điểm nút giao dự án Vành đai 4 với quốc lộ 6, địa bàn phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Ảnh: THÀNH VIỆT
TP Hà Nội cũng đã rà soát, thống kê được 712 dự án ngoài ngân sách chậm triển khai, đã huỷ luôn 100 dự án “giao đất trên giấy, chưa làm gì”. Các dự án còn lại đang được tháo gỡ từng cái một, nếu một phần các dự án này triển khai được, sẽ tạo nguồn lực rất lớn cho thành phố phát triển trong giai đoạn tới.
Phát triển vùng trũng nhưng giữ được hồn thiêng Thăng Long
. TP Hà Nội phải làm gì để giữ được nét văn hoá truyền thống trước cơn bão đô thị hoá mạnh mẽ hiện nay?
+ Hồi tôi vừa về làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội có tiếp ông Bộ trưởng ngoại giao Singapore. Ông ấy nói với tôi rằng là sang Hà Nội nhiều lần, lần nào sang cũng thấy Hà Nội vô cùng phát triển. Nhưng mỗi lần sang thì những gì xa xưa của Hà Nội cứ dần mất đi. Họ nói thế đấy và tôi rất ngấm, suy nghĩ trăn trở mãi.
Tôi yêu cầu các anh em là làm như thế nào cứ làm nhưng dứt khoát phải giữ được bản sắc văn hoá của Thủ đô 1.000 năm văn hiến, giữ được hồn cốt của các làng quê bao quanh nội đô
Đến năm 2022, thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2022, Thành uỷ Hà Nội là cấp tỉnh uỷ đầu tiên trên cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề phát triển công nghiệp văn hoá. Trong đó nhấn mạnh khơi mở nguồn lực văn hóa nghìn năm của Thăng Long – Hà Nội, đặt văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, đưa văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho Thủ đô phát triển.
Ông Đinh Tiến Dũng thăm hỏi người dân tại khu chung cư Khương Thượng - quận Đống Đa. Ảnh: THÀNH VIỆT |
Cùng với đó, từ nay đến năm 2025, Thành uỷ Hà Nội cũng lựa chọn 3 lĩnh vực y tế, giáo dục và di tích văn hoá lịch sử để tập trung đầu tư. Đây là những lĩnh vực rất cấp thiết, là tiềm năng, lợi thế, động lực phát triển mới của Thủ đô.
Tôi lấy ví dụ Hà Nội đang thực hiện một quy hoạch rất quan trọng là điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Xây dựng. Tôi có yêu cầu các anh em là làm như thế nào cứ làm nhưng dứt khoát phải giữ được bản sắc văn hoá của Thủ đô 1.000 năm văn hiến, giữ được hồn cốt làng quê.
Nông thôn của Hà Nội rất nhiều thứ gắn với lịch sử, văn hoá. Làng nghề, lễ hội, đình chùa, miếu mạo… đều ở đấy cả. Văn hoá truyền thống mới là nét đặc sắc của Hà Nội trên bản đồ thế giới, mới là điều hấp dẫn du khách đến với thành phố.
Hà Nội đang bước vào giai đoạn đô thị hoá mạnh mẽ, do vậy vấn đề quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng phải có cách làm hợp lý, cẩn trọng nếu không văn hoá, bản sắc sẽ mất hết.
Chính vì vậy trong nhiều cuộc làm việc tôi đều lưu ý các anh em ở quận, huyện ba việc. Thứ nhất khi làm đường xá phải giữ được làng xã, thứ hai phải giữ được ao hồ, thứ ba phải xây trường học. Hai năm qua, huyện Đông Anh thực hiện điều này rất tốt. Huyện đã cơ bản làm đường bao quanh các làng xã, ao hồ được kè hết, và trở thành huyện xếp hạng thứ nhất về trường chuẩn Quốc gia của thành phố.
. Một trong những dự án đặc biệt quan trọng mà Hà Nội đang thực hiện đó là đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô. Xin ông chia sẻ thêm về quá trình TP triển khai dự án này?
+ Khi còn làm Bộ trưởng Tài chính tôi có tham dự một cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo Hà Nội. Tại cuộc làm việc đó, tôi có phát biểu đúng một câu là muốn Thủ đô phát triển thì phải làm Vành đai 4 càng nhanh càng tốt.
Sau đó tôi được phân công về nhận nhiệm vụ làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Bối cảnh lúc đó cả thành phố đang gồng mình chống dịch, nhưng tôi cũng vẫn hối thúc anh em làm việc này. Sau đó, dự án đã được Bộ Chính trị nêu rõ trong Nghị quyết 15, được Quốc hội thông qua chủ trương, xác định cụ thể tiến độ hoàn thành cơ bản năm 2026, đưa vào vận hành năm 2027.
Ông Đinh Tiến Dũng và đoàn công tác kiểm tra thực địa cải tạo chung cư cũ tại Đống Đa. Ảnh: THÀNH VIỆT |
Quá trình chuẩn bị dự án từ tháng 4-2021, đến khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là tháng 6-2022 mất hơn một năm để chuẩn bị thủ tục, trình các cấp thẩm quyền. Điều này cho thấy các cấp ở Trung ương đặc biệt quan tâm và thấy rõ tính cấp thiết, tầm quan trọng, vai trò của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đối với sự phát triển của Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và các tỉnh lân cận.
Tôi lấy ví dụ, các đồng chí ở Vĩnh Phúc nói với tôi, tỉnh này chỉ cần làm mấy km đường kết nối vào đường song hành của vành đai 4 thôi là có cả nghìn ha đất làm đô thị, công nghiệp. Hay như Bắc Giang, không cần đầu tư nhiều, chỉ cần làm cầu đấu thông với dự án là có thể liên kết giao thông nhanh với cả vùng. Vì vậy có thể nói dự án này chính là hành động cụ thể, chìa khóa để giải bài toán kết nối liên vùng đặt ra lâu nay.
Do dự án rất cấp thiết, quan trọng, liên quan đến ba tỉnh thành vì vậy sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương, Hà Nội đã đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án do tôi trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo, các Phó trưởng ban gồm các đồng chí Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh và Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên. Các thành viên ban chỉ đạo có lãnh đạo các bộ ngành, tỉnh thành.
Mô hình ban chỉ đạo cấp vùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền đã đã thúc đẩy hệ thống chính trị vào cuộc toàn diện, nhất là tăng cường sự phối hợp của cả ba địa phương trong triển khai dự án.
Điều này cũng đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận là cách làm chủ động, sáng tạo của các địa phương khi về kiểm tra thực địa dự án tại nút giao đại lộ Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội) vào ngày 27-1 (mùng 6 Tết) mới đây. Đặc biệt việc cả ba đồng chí Bí thư Tỉnh, Thành ủy làm Trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng của mỗi tỉnh đã giúp thúc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng là then chốt, quyết định tiến độ các dự án giao thông.
Cho đến nay nhiều hạng mục của dự án đều đạt tiến độ đề ra, riêng công tác giải phóng mặt bằng, nhiều nơi như huyện Mê Linh, Sóc Sơn (Hà Nội)... đã hoàn thành 100% việc di dời mồ mả, sẵn sàng bàn giao đất sạch để dự án khởi công...
Một trong những cái ít người để ý mà tôi thì rất tâm huyết đó là sự phát triển đồng đều của Thủ đô. Hà Nội hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh và 3 xã của tỉnh Hoà Bình đến nay đã 15 năm nhưng khu vực Hà Tây cũ, đặc biệt là phía Tây Nam vẫn là “vùng trũng” của thành phố.
Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 của Hà Nội là 5.325 USD (khoảng 130 triệu đồng), nhưng của các huyện Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hoà… chỉ vào khoảng 53-54 triệu đồng, chưa bằng một nửa mức bình quân của thành phố. Nơi đây còn là vùng xả lũ, rốn lũ của Hà Nội nhưng người dân lại thiếu nước sản xuất, nước sạch sinh hoạt cũng mới được 25-26%.
Chính vì vậy khi mở đường Vành đai 4 ngoài thúc đẩy tính liên kết vùng, sẽ mởi ra cơ hội phát triển cho các khu vực trũng của Thủ đô...
Xin cảm ơn ông!
Tin, lắng nghe và trao đổi thẳng thắn với dân
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, nhiệm vụ đặt ra cho năm tới có thể nói là khá nhiều, lại đều có ý nghĩa quan trọng, khó khăn, thử thách. Nên đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm cao của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của nhân dân.
“Tôi tin tưởng và đề nghị các cấp, ngành, địa phương, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền vào cuộc thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động. Mỗi cán bộ chủ chốt các cấp thành phố phải gương mẫu, đi đầu bắt tay vào hành động một cách tâm huyết, trách nhiệm, đam mê với công việc và thể hiện một tình yêu dành cho Hà Nội Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện đúng nguyên tắc “dân là gốc”, có sự đồng hành của dân thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua.
Điều quan trọng là chúng ta phải tin dân thì dân mới tin chúng ta. Tin dân là phải thẳng thắn, chân thành gặp gỡ, trao đổi với dân, trước việc khó phải cùng dân bàn bạc giải quyết.
Bản thân tôi luôn đặt trọn niềm tin ở người dân Thủ đô và sẽ không ngừng cố gắng, nỗ lực để người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trước hết là Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Với sự đồng hành, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, của các doanh nghiệp và nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, chúng ta vững tin Hà Nội thân yêu sẽ tiếp tục đạt được những thành tích to lớn hơn nữa trong năm mới như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dặn dò”- ông nói.