Biến bãi rác thành công viên

(PLO)- Mô hình “biến bãi rác thành công viên” được triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua không chỉ mang lại nhiều mảng xanh mới cho TP.HCM mà còn tạo thêm không gian vui chơi, giải trí cho người dân.

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, các đô thị lớn như TP.HCM phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường và thiếu hụt không gian xanh.

Cùng với Chỉ thị 19 của Thành ủy TP.HCM, mô hình “biến bãi rác thành công viên” đã góp phần chuyển hóa nhiều điểm rác, bãi cỏ, đầm lầy thành các mảng xanh, điểm vui chơi, giải trí công cộng.

Từ những bãi rác khổng lồ, chợ tự phát ô nhiễm

Tìm đến tuyến đường Bình Long gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên trước hình ảnh hàng cây xanh mướt, thẳng tấp dọc bên đường.

Công trình cây xanh này chính là kết quả điển hình của chương trình “biến bãi rác thành công viên”, góp phần xanh hóa đô thị của tập thể khu phố 15 (phường Bình Hưng Hòa A).

Hàng cây xanh mướt dài hơn 300m trên tuyến đường Long Bình được cải tạo từ bãi rác. Ảnh: HỒNG THẮM

Ít ai ngờ rằng, khu vực xanh mát này từng là một "núi rác" khổng lồ, nơi rác thải bị đổ trộm mỗi ngày. Ông Nguyễn Văn Rem, Bí thư chi bộ khu phố 15, người tiên phong trong mô hình “biến bãi rác thành công viên”, chia sẻ rằng bãi rác tự phát trước đây có quy mô đáng kể với chiều dài lên đến 324m và chiều rộng 3m.

Cũng theo ông Rem, tháng 8-2020, khu vực này ngập tràn rác thải, kéo dài từ đầu đến cuối tuyến đường. Trước tình trạng đó, chi bộ khu phố 6 (nay là khu phố 15) đã nhận thấy sự cấp thiết phải hành động.

Trước khi được cải tạo thành hàng cây, nơi đây từng là bãi rác "khổng lồ" với chiều dài 324m và chiều rộng 3m. Ảnh: HỒNG THẮM

Thực hiện theo Chỉ thị 19 của TP.HCM, tập thể chi bộ khu phố đã lên ý tưởng dọn sạch tuyến đường, chuyển đổi bãi rác thành một vườn cây xanh mát. Giai đoạn đầu, cựu chiến binh và đoàn thanh niên đã tiên phong làm điểm, huy động xe chuyên dụng để thu gom toàn bộ rác thải và xới đất. Sau đó, công việc dọn rác, trồng cây được mở rộng với sự tham gia của nhiều người dân tích cực toàn khu phố.

“Thách thức lớn nhất trong quá trình này là thay đổi ý thức của người dân để họ không còn tiếp tục đổ trộm. Chính từ sự chung tay, ra quân của cả cộng đồng đã phần nào làm chuyển biến ý thức của họ, tình trạng đổ trộm rác gần như không còn” – ông Rem nói.

Toàn cảnh công viên Chợ Đường sau khi được cải tạo. Ảnh: HỒNG THẮM

Sinh sống nhiều năm trên đường Bình Long, bà Hoàng Thị Mai Lan, cho biết hằng tuần bà đều tham gia chương trình 15 phút dọn rác hai bên đường của khu phố. Từ khi bãi rác tự phát không còn, bà Lan và nhiều gia đình hai bên đường vô cùng phấn khởi vì môi trường sống xung quanh được cải thiện đáng kể.

“Không còn cảnh bịt mũi vì mùi hôi thối, nhà chúng tôi cũng không còn phải đóng cửa xuyên suốt như trước, không khí xung quanh trông lành hơn nhờ cây xanh” – bà Lan kể lại.

Công viên Chợ Đường được cải tạo từ khu chợ ô nhiễm, rác thải bủa vây. Ảnh: HỒNG THẮM

Nằm tại ngã ba đường Hà Huy Giáp (phường Thạnh Lộc, quận 12), công trình công viên Chợ Đường rộng gần 500m2 hiện đang là một vườn hỗn hợp với cây xanh, nhiều loại hoa tươi tốt và không ngừng phát triển.

Trước kia, khu đất công viên từng là nhà lồng chợ. Ảnh: HỒNG THẮM

Trước đây, khu đất này là nhà lồng chợ, theo thời gian, người dân buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, rác thải bủa vây. Hoạt động buôn bán diễn ra ngay bên đường khiến nơi đây trở thành điểm đen kẹt xe vào giờ cao điểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, làm xấu mỹ quan đô thị.

Sau thời gian dài vận động, 29 tiểu thương đã đồng ý bàn giao mặt bằng thực hiện công trình. Với kinh phí gần 400 triệu vận động từ nguồn xã hội hóa, công trình công viên mang tên Chợ Đường đã làm thay đổi diện mạo đô thị, biến nơi đây thành khuôn viên xanh mát với nhiều hoa và cây cảnh.

Khung cảnh buôn bán nhếch nhác bên trong nhà lồng. Ảnh: HỒNG THẮM

Công trình được thiết kế gắn liền với vùng đất cách mạng Chiến khu An Phú Đông – Vườn Cau đỏ anh hùng. Đây là kết quả của sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị quận, phường và nhân dân, qua đó góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần, vật chất cho người dân trên địa bàn.

Thêm gắn kết tình cảm người dân khu phố

Tương tự, tại phường Tam Bình (TP. Thủ Đức, TP.HCM), hưởng ứng và thực hiện phong trào “Sáng ngõ, rộng hẻm, thêm công viên sạch, đẹp, an toàn”, UBND phường Tam Bình đã vận động và thực hiện công trình “Công viên mũi tàu đường Tô Ngọc Vân, khu phố 4” tại phần đất 120m2 cuối trục đường Tô Ngọc Vân.

Tháng 3-2024, UBND phường Tam Bình đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng các hạng mục tại công trình công viên. Khác với hiện trạng bỏ hoang, nhếch nhác từ rác và cỏ, phần nền đất công viên đã được bê tông hóa, trồng hoa và cây xanh, lắp đặt các thiết bị dụng cụ thể dục – thể thao, ghế đá để phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn.

Công viên mũi tàu đường Tô Ngọc Vân được xây dựng với hạng mục cây xanh, dụng cụ thể thao, ghế đá. Ảnh: HỒNG THẮM

Để có được không gian xanh, sạch, đẹp như hiện nay, các đoàn thể tại phường Tam Bình đã hợp sức cùng với lực lượng cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và lực lượng vũ trang, nhân dân trên địa bàn ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom hơn 300 ký rác thải các loại.

Kinh phí xây dựng công viên được vận động 100% từ các mạnh thường quân và doanh nghiệp với số tiền gần 42 triệu đồng. Đến nay, công viên đã đi vào hoạt động hơn 8 tháng, đem đến không gian xanh mát, đồng thời cũng là nơi người dân lui đến vui chơi, tập thể dục, thể thao mỗi ngày.

Khu vui chơi giải trí thiếu nhi và thể dục thể thao kết hợp cùng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại khu phố 1. Ảnh: HỒNG THẮM

Còn tại khu phố 1 (phường 4, quận Phú Nhuận), khuôn viên tại số 750 Nguyễn Kiệm có diện tích khoảng 250m2 trước kia là khu đất trống bỏ hoang, động vật thường xuyên đến phóng uế, rác bủa vây, cỏ mọc um tùm, nhiều cây xanh trơ trọi không ai chăm sóc.

Từ mô hình “biến bãi rác thành công viên”, tập thể Chi bộ khu phố 1 đã vận động toàn thể nhân dân khu phố chung tay góp sức xây dựng, cải tạo thành Khu vui chơi giải trí thiếu nhi và thể dục thể thao kết hợp cùng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Từ khi được cải tạo, công trình trở thành điểm sinh hoạt chung của người dân khu phố. Ảnh: HỒNG THẮM

Ông Nguyễn Văn Đẳng, Bí thư Chi bộ khu phố 1, người trực tiếp vận động nhân dân làm công trình cho biết trước đây khu phố không có nơi sinh hoạt, muốn tổ chức hoạt động tập thể cho người dân, khu phố phải tìm mượn các nơi khác.

“Từ khi có công trình, mỗi buổi chiều, người dân khu phố thường tập trung đến đây trò chuyện, tập thể dục, trẻ em nô đùa. Chúng tôi cũng có không gian tổ chức các hoạt động như Tết Trung thu, Hội thi các trò chơi dân gian,… cho bà con khu phố vào các ngày lễ” – ông Đẳng chia sẻ.

Công trình kết hợp Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành điểm sinh hoạt ý nghĩa. Ảnh: HỒNG THẮM

Qua hai lần vận động trong dân với số tiền lên đến hơn 100 triệu đồng, công trình đến nay đã hoàn thiện và đi vào hoạt động gần 7 tháng. Người dân trong khu phố vô cùng phấn khởi vì giờ đây không chỉ môi trường sống được cải thiện, mà công trình còn trở thành nơi gắn kết cộng đồng, mang lại không gian sinh hoạt chung đầy ý nghĩa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới