UBND TP.HCM vừa có báo cáo HĐND TP.HCM về tình hình hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP giai đoạn 2020 - 2024.
Theo UBND TP.HCM, TP hiện có 35 bến bãi với tổng diện tích 19,12 ha; 120 tuyến xe buýt, 2.052 phương tiện, với hơn 13.000 chuyến/ngày, vận chuyển khoảng 250.000 lượt hành khách/ngày.
Phương tiện cá nhân tăng, nhu cầu xe buýt giảm
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, dân số TP.HCM khoảng hơn 10 triệu người, vận tải hành khách công cộng từ năm 2020 đến 2024 đáp ứng lần lượt 5,6%; 2,24%; 4,82%; 5,74%; 6,17% so với nhu cầu đi lại của người dân.
Song, mật độ mạng lưới tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP vẫn còn khá thấp, khả năng tiếp cận xe buýt của người dân TP chưa cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ. Tỉ lệ bao phủ, mật độ mạng lưới xe buýt TP.HCM không đồng đều, với xu hướng khu vực trung tâm có tỉ lệ cao nhưng khu vực ngoại ô tỉ lệ thấp.
Trong giai đoạn từ năm 2020-2024 có nhiều biến động làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện dự toán của xe buýt TP.HCM như ảnh hưởng dịch Covid-19 nên phải giảm số chuyến, tạm ngưng hoạt động trong năm 2021, sản lượng hành khách giảm mạnh qua các năm đến nay đang phục hồi nhưng vẫn còn chậm, doanh thu thực hiện chưa đạt như mức kỳ vọng;
Tình hình bất ổn thế giới cũng làm ảnh hưởng đến biến động giá nhiên liệu nên khó có thể dự báo trước nhu cầu kinh phí phù hợp cho xe buýt TP.HCM, TP cũng vẫn chưa có hệ thống vận tải hành khách khối lượng lớn (BRT, đường sắt đô thị…) và các giải pháp về kiểm soát sử dụng giao thông cá nhân.
Ngoài các vấn đề kể trên, nguyên nhân khiến việc phát triển xe buýt gặp nhiều khó khăn có thể kể đến như TP.HCM có dân cư và nhà ở riêng lẻ phân bố dàn trải, cấu trúc đô thị phân tán khiến người dân phụ thuộc vào các phương tiện giao thông cá nhân gây nhiều khó khăn cho việc hình thành hệ thống giao thông công cộng hiệu quả (do nhu cầu đi lại không tập trung, khó thu gom khách), UBND TP cho biết thêm.
Nhiều tuyến đường đô thị không đủ diện tích vỉa hè để có thể lắp đặt được nhà chờ xe buýt, nhiều tuyến đường không có vỉa hè hoặc vỉa hè bị lấn chiếm gây khó khăn cho người đi bộ…do đó việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách còn chưa được như mong muốn, đặc biệt là các khu vực trung tâm. "Điều này dẫn đến việc sở hữu và sử dụng phương tiện cá nhân trở nên phổ biến và nhu cầu sử dụng giao thông công cộng như xe buýt TP.HCM bị suy giảm", báo cáo của UBND TP nêu.
Bên cạnh đó, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh chỉ mới có 225,6 ha, đạt 19,7% yêu cầu của quy hoạch giao thông (1145,88 ha), ảnh hưởng đến việc sắp xếp, mở rộng các tuyến xe buýt TP.HCM.
"Tình hình bến bãi xe buýt vừa thiếu, vừa phân bố không đồng đều giữa các khu vực quận-huyện nên dẫn đến khó khăn trong việc bố trí hệ thống mạng lưới tuyến xe buýt TP.HCM, tăng tỉ lệ trùng lắp các tuyến xe buýt dẫn đến hiệu quả hoạt động mạng lưới chưa đạt hiệu quả mong muốn", báo cáo của UBND TP phân tích.
TP chứng kiến số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng qua các năm, tình trạng ùn tắc giao thông cũng khiến cho lộ trình của các tuyến xe buýt không được đảm bảo. Thời gian hành trình xe buýt TP.HCM kéo dài không đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách. Hoạt động của loại hình xe công nghệ phát triển theo chiều hướng tăng.
Các điều trên dẫn đến nhiều hành khách đã thay đổi phương thức đi lại phù hợp với nhu cầu và đã tác động không nhỏ đến hệ thống xe buýt TP.HCM.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM
Giải pháp vực dậy xe buýt TP.HCM
Bên cạnh những khó khăn nêu trên, thời gian qua, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực để vực dậy phương tiện giao thông công cộng này.
Từ năm 2002, TP đã ban hành những chủ trương, chính sách ưu tiên cho xe buýt TP.HCM như chính sách trợ giá, hỗ trợ lãi vay đầu tư phương tiện, phân cấp trong công tác quản lý,... tạo điều kiện thuận lợi cho xe buýt phát triển.
Kết quả là mạng lưới xe buýt TP.HCM đã tiếp cận đến 22/22 quận, huyện và TP trực thuộc 312/322 số xã, phường, thị trấn; tiếp cận 62 bệnh viện và 236 trường học giúp người lao động thu nhập thấp và học sinh, sinh viên đi lại dễ dàng, tiết kiệm; số lượt học sinh, sinh viên tăng từ 2,9 triệu lượt năm 2002 thành 71,2 triệu lượt năm 2014, tăng 25 lần;
Sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt từ năm 2023 đến năm 2024 đã có dấu hiệu phục hồi trở lại sau gần 3 năm chịu tác động của dịch Covid-19, năm 2021 là 40,91 triệu lượt, năm 2023 là 83,15 triệu lượt, 2024 ước đạt khoảng 87,1 triệu lượt.
Từ các thực tế trên, cho thấy vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt TP đang phục hồi và phát triển cả về mạng lưới tuyến và sản lượng hành khách sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, TP cần thiết có chính sách trợ giá để thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường; tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đặc biệt các đối tượng ưu tiên (gia đình chính sách, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, học sinh-sinh viên).
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật (đơn vị đầu tư buýt đường sông) nhận định để vận tải hành khách công cộng hoạt động hiệu quả trong bối cảnh người dân sử dụng phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng thì chính sách là yếu tố then chốt. TP phải tạo ra chính sách phù hợp trong xu hướng mới, có thể kể đến 2 giải pháp để giao thông công cộng phát triển, theo ông Toản.
Thứ nhất, TP phải đầu tư vào những khía cạnh thuộc lĩnh vực giao thông công cộng, đồng thời có ràng buộc, chế tài để thông qua đó giảm bớt phương tiện cá nhân.
Thứ hai, TP phải tập trung phát triển thêm hệ thống vận chuyển với năng lực chuyên chở lớn, với lộ trình ngắn nhất, thời gian sớm nhất, từ đó thu hút người dân vào các loại hình này.
Cuối cùng, ông Toản cho rằng TP.HCM đang đi đúng hướng khi tập trung phát triển đường sắt đô thị, thỏa mãn được yếu tố năng lực vận chuyển, thời gian di chuyển. Song, để hiện thực hóa vấn đề giảm phương tiện cá nhân, tăng cường vận tải hành khách công cộng thì cần nhiều chính sách quyết liệt hơn nữa.
Theo báo cáo UBND TP, thời gian tới TP.HCM sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ 27 nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát phương tiện cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.
Đơn cử như phát triển mạng lưới xe buýt theo kế hoạch trung hạn, hàng năm và được điều tiết, điều chỉnh theo nhu cầu thực tế; việc sử dụng ngân sách Nhà nước trợ giá cho xe buýt được xác định là nhiệm vụ ưu tiên, thường xuyên nhằm phục vụ an sinh xã hội, phát triển đô thị văn minh hiện đại;
"Phương tiện buýt sẽ từng bước chuẩn hóa chuyển sang phương tiện sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh (phấn đấu đến năm 2030, toàn bộ 100% phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh); Hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia loại hình này", UBND TP nêu giải pháp.
Đồng thời TP cũng đảm bảo tập trung ưu tiên nguồn lực trong công tác đầu tư xây dựng các bến bãi, hạ tầng trạm sạc (cho xe buýt điện) đúng theo tiến độ và yêu cầu của TP.