Biến phụ phẩm nông nghiệp thành sản phẩm giá trị cao

(PLO)- Một số doanh nghiệp tận dụng phụ phẩm nông nghiệp từ cây lúa, cây dừa tạo ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao như viên nén trấu, dầu cám gạo... Đây là mô hình kinh tế tuần hoàn cần nhân rộng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 12-11, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) phối hợp với Dự án Sáng tạo khởi nghiệp tổ chức tọa đàm Phá vỡ bí ẩn Kinh tế tuần hoàn” nhằm hướng đến Diễn đàn Mekong Connect 2022 sẽ được tổ chức tại Cần Thơ ngày 23, 24, 25-11.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết kinh tế tuần hoàn hiện nay đang được xem như công cụ, cách tiếp cận giúp DN hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Mô hình này tạo ra giá trị tái sinh về môi trường.

Áo, vớ được làm từ bã cà phê.

Áo, vớ được làm từ bã cà phê.

Ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, chia sẻ việc khai thác kinh tế tuần hoàn đã mang lại giá trị cao cho cây lúa.

Cụ thể, rơm được dùng để trồng nấm; trấu được ép viên để xuất khẩu. Tương tự, cám vàng chứa hàm lượng dầu lớn nên được chế biến dầu cám xuất khẩu, sản phẩm này được các đối tác Nhật quan tâm. Bã cám được dùng làm thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là bã bột gạo.

Theo ông Thiện, thời gian qua do ảnh hưởng dịch tả heo Châu Phi đàn heo không còn nhiều, bà con làng nghề bột gạo Sa Đéc không dám sản xuất vì bã bột gạo không có nơi tiêu thụ. Sau đó, công ty nghiên cứu và nhận thấy bã bột gạo mang lại giá trị khi dinh dưỡng bằng một nửa so với bã đậu nành.

“Trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam tương đương tiền nhập bã đậu nành về làm thức ăn chăn nuôi, tôi thấy thấy uổng quá nên vừa thu mua bã bột gạo vừa “la” lên. Sau đó, có nhiều đơn vị biết đến thì bã bột gạo ban đầu giá 900 đồng/kg nay lên 9.000 đồng/kg. Cung không đủ cầu, bà con mở rộng sản xuất, từ đó giúp ngành bột gạo tiếp tục phát triển” - ông Thiện kể.

Ông Phạm Đình Ngãi, CEO Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm), cho biết công ty tiếp cận tư duy kinh tế tuần hoàn ở góc độ tái sinh sản phẩm đặc trưng của quê hương phục vụ nhu cầu thị trường.

Theo ông Ngãi, nghiên cứu của thế giới cho thấy những cây họ cọ đều thu được mật trong khi đó Trà Vinh có 25 ngàn hecta dừa, là một vùng nguyên liệu lớn. Tuy nhiên, có nhiều huyện giáp biển, ngập mặn sâu, cây dừa giảm năng suất trái từ 30%-70%, dẫn đến thu nhập của người nông dân thấp.

Vì vậy, Sokfarm chuyển đổi những vùng ngập mặn thành vùng trồng dừa để thu mật, khác với mô hình trồng cây thu trái truyền thống.

“Trong 3 năm qua chúng tôi bền bỉ theo hướng đưa chế biến sâu vào sản xuất nên không chỉ làm đường từ mật hoa dừa mà áp dụng công nghệ sáng tạo nước tương từ hoa dừa, ít muối, không chất bảo quản. Ngành mật hoa dừa sẽ tạo chuỗi giá trị mới cho cây dừa Việt Nam”, ông Ngãi nói.

T.S Quân cho rằng, để các sản phẩm mà DN đang phát triển theo kinh tế tuần hoàn, hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng được thuận lợi là một thách thức.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, cho rằng ngoài bằng sự bình chọn tín nhiệm của thị trường thì sẽ ngày càng đưa những tiêu chuẩn mới nhất vào viêc bình chọn. Ví dụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, trách nhiệm với cộng đồng… trở thành những tiêu chuẩn quan trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm