UBND TP Quy Nhơn (Bình Định) vừa chỉ đạo các phường, xã tiếp tục duy trì mô hình “nâng cao năng lực quản lý và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng địa phương, xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại các xã, phường ven biển thuộc vịnh Quy Nhơn, tỉnh Bình Định” (viết tắt là dự án pha 1).
Giúp thay đổi thói quen của người dân ven biển
Theo ghi nhận tại làng chài Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), ngay lối vào chợ mới Nhơn Hải, khu “nhà rác xanh” của dự án pha 1 được bố trí gọn gàng để thu gom rác thải nhựa tái chế. Người dân địa phương gom rác thải nhựa, các vật dụng tái chế tập kết vào khu “nhà rác xanh” này. Trong các trụ sở thôn, điểm kinh doanh dịch vụ du lịch chạy dọc bờ kè Nhơn Hải cũng được bố trí các “nhà rác xanh”.
“Ban đầu nghe phân loại rác tại nguồn, bà con chúng tôi khó hình dung. Khi tham gia tập huấn, thấy trên màn hình về rác và các mối nguy với môi trường, chúng tôi hiểu là rác, đặc biệt là rác thải nhựa nguy hại quá. Ví dụ như mất cả trăm năm để một bao nylon phân hủy. Thấy vậy nên nhà tôi tự phân loại. Rác sinh hoạt hữu cơ thì mang ra chỗ thu gom, rác thải nhựa mang tới “nhà rác xanh” của xã” - ông Nguyễn Thành Triệu (ngụ thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn) nói.
Theo đại diện chính quyền xã Nhơn Hải: “Những năm trước đây, rác thải từ biển dội vào bờ, phủ đầy các ghềnh đá. Nay tình trạng này không còn nữa. Trong xã hình thành các tổ thu gom rác, bảo vệ môi trường, các tổ cộng đồng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nhờ vậy, xã biển Nhơn Hải sạch đẹp hơn, khách du lịch vì thế mà tới địa phương nhiều hơn” - ông Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết.
Với xã đảo Nhơn Châu, ông Hồ Nhật Lệ, Chủ tịch UBND xã, cho hay dự án pha 1 kết thúc hỗ trợ từ cuối tháng 10-2022. Tuy nhiên, hiện nay xã tiếp tục dùng các nguồn lực phù hợp để duy trì mô hình phân loại rác tại nguồn trong gia đình và một số điểm để tổ phụ nữ thu gom. Từ việc quản lý rác, bà con trên đảo chú ý hơn về môi trường xung quanh, nhiều gia đình bắt đầu xây dựng các mô hình vườn hoa nhỏ, vườn xanh, hàng rào xanh trên đảo...
“Khi mới làm mô hình, thuyết phục bà con tin rất khó. Tuy nhiên, khi nhìn thấy bãi cát ngập rác, mặt biển đầy rác, rác từ bãi trước ra bãi sau, cá tôm cũng ít dần, tự bà con thấy cần thay đổi. Hiện nay, xã vẫn duy trì và đẩy mạnh truyền thông để lan tỏa hơn nữa mô hình này” - ông Lệ thông tin thêm.
Nhờ tham gia vào dự án, tôi đã thay đổi và tiếp cận được với mô hình kinh doanh thân thiện. Qua đó thu hút được ngư dân tham gia liên kết phát triển được các sản phẩm đặc trưng, tạo ra nguồn thu nhập ổn định.
Bà MAI THỊ HƯƠNG, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh hải sản Hương Thanh, TP Quy Nhơn
Từ mô hình tới việc nhân rộng thực tế
Theo UBND TP Quy Nhơn, dự án pha 1 ra đời trong bối cảnh vịnh Quy Nhơn đang chịu tác động lớn từ sinh hoạt của cư dân ven biển, tác động của biến đổi khí hậu. Thông qua hỗ trợ từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP), UBND TP Quy Nhơn giao Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Quy Nhơn phối hợp với bốn địa phương Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu, Ghềnh Ráng thực hiện.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Quy Nhơn, qua hơn hai năm triển khai, đến nay các địa phương tham gia dự án tiếp tục duy trì các mô hình “bãi biển du lịch sạch không rác thải nhựa”, “nhà hàng thân thiện không sử dụng đồ nhựa một lần”, “kinh tế tuần hoàn”, “làm phân compost”, “phân loại rác thải tại nguồn”, “tổ phụ nữ mua bán ve chai” và “khu dân cư kiểu mẫu về thu gom, phân loại, rác thải nhựa”.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Quy Nhơn, thông tin: “Thành công nhất của dự án là giúp cộng đồng cư dân ven biển chung tay bảo vệ môi trường. Vui nhất là tiếp nối thành công của dự án này, TP Quy Nhơn được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tiếp tục hỗ trợ thực hiện các dự án khác về bảo vệ môi trường vùng biển”.
TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định (người trực tiếp xây dựng quy trình của dự án), cho biết vịnh Quy Nhơn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại một số địa phương ven biển. Điều này đã tác động tới tính đa dạng sinh học vịnh Quy Nhơn, làm ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản vùng ven biển. “Dự án bước đầu có được những kết quả tích cực. Đây là cơ sở để chúng tôi có thêm nhiều sáng kiến cùng cộng đồng cư dân ven biển bảo vệ môi trường” - ông Vinh nói.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho hay thành công lớn nhất của dự án này là thay đổi thói quen cho người dân. Với sự hỗ trợ từ phía UNDP, TP Quy Nhơn tiếp tục duy trì phát triển theo mô hình xanh, bền vững, bảo vệ được đa dạng sinh học vùng vịnh Quy Nhơn.•
Đã khởi động dự án pha 2
Theo TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, sau thành công của dự án pha 1, dự án Thí điểm các mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại TP Quy Nhơn” (dự án pha 2) cũng đã được khởi động. Với mục tiêu “hỗ trợ tỉnh Bình Định trong công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt và hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ đặt ra theo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025”, dự án này sẽ kế thừa các kết quả đạt được từ dự án pha 1. Từ đó triển khai và thử nghiệm các biện pháp can thiệp, bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho những người lao động phi chính thức trong thu gom, phân loại chất thải.