Cách nào để quản lý SIM điện thoại rác?

(PLO)- Đại diện các nhà mạng cho biết đã chấm dứt việc kích hoạt SIM mới tại các đại lý để ngăn chặn tình trạng SIM điện thoại rác tràn lan.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để ngăn chặn tình trạng SIM điện thoại rác (SIM kích hoạt sẵn) tràn lan, mới đây Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết các nhà mạng sẽ dừng bán SIM qua kênh đại lý không uy tín từ ngày 10-9 để giảm tình trạng SIM không chính chủ.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay SIM rác vẫn được bán tự do trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội lẫn các đại lý bán SIM truyền thống lâu nay.

SIM kích hoạt sẵn tăng giá

Khảo sát của PV tại một cửa hàng bán SIM các loại trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp, TP.HCM) sau ngày 10-9, SIM đã kích hoạt vẫn được cửa hàng này giới thiệu cho khách.

Mua-ban-sim-rac_21-9.jpg
Người dân nên mua SIM điện thoại ở các điểm giao dịch chính thức của nhà mạng để đảm bảo quyền lợi của mình. Ảnh: HUỲNH THƠ

Khi hỏi về việc liệu SIM kích hoạt sẵn này có bị khóa hay không, trước thông tin dừng bán SIM ở đại lý từ ngày 10-9, chủ cửa hàng cho biết đến nay cửa hàng vẫn chưa nhận được hướng dẫn nào từ các nhà mạng, hay phương án thu hồi nào. Các cửa hàng chỉ nhận được thông báo về việc khách hàng cần ra các điểm giao dịch của nhà mạng để kích hoạt thông tin thuê bao mới.

Chủ một cửa hàng bán SIM, điện thoại trên Quốc lộ 13 (TP Thủ Đức) cho biết sau thông tin dừng bán SIM ở đại lý ủy quyền, chỉ bán ở các đại lý uy tín, nhu cầu khách tới tìm mua SIM rác càng lớn. Từ đó, giá SIM rác cũng tăng 10.000-20.000 đồng/SIM tùy nhà mạng.

Chủ cửa hàng này cũng cho biết mọi người cần hiểu đúng việc cấm bán SIM tại đại lý từ ngày 10-9 là cấm đối với SIM kích hoạt sẵn. Còn việc bán phôi SIM của các nhà mạng vẫn diễn ra bình thường. Chỉ khác là việc kích hoạt SIM mới phải được thực hiện tại điểm giao dịch của các nhà mạng, các cửa hàng bán lẻ không kích hoạt SIM như trước.

Theo tìm hiểu của PV, trên một nhóm Facebook có tên “SIM rác - SIM lô” vẫn đăng tải các bài viết thông tin về dịch vụ cho thuê SIM, bán SIM đã kích hoạt với giá 5.000-10.000 đồng/SIM tùy nhà mạng. Thậm chí còn có nhóm nhận dịch vụ mở khóa SIM rác, mở spam ở nhà mạng với giá 300.000-500.000 đồng/SIM/lần.

Tương tự, trên các nền tảng thương mại điện tử, SIM kích hoạt sẵn vẫn được bán tràn lan với nhiều mức giá khác nhau.

Cắt quyền kích hoạt SIM của các đại lý

Trao đổi với PV, đại diện nhà mạng VinaPhone cho biết đã thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TT&TT để ngăn chặn tình trạng SIM rác. VinaPhone đã thông báo và thực hiện việc cắt quyền kích hoạt SIM của các đại lý.

Đại diện của MobiFone khẳng định đã thông báo dừng hợp đồng với các đại lý SIM. Khách hàng có thể mua SIM ở các đại lý nhưng phải đến các điểm giao dịch của MobiFone để kích hoạt SIM mới. Bên cạnh đó, MobiFone cũng triển khai sử dụng kênh có kiểm soát là Thế Giới Di Động, FPT Shop… để làm kênh phân phối SIM.

Đại diện của Viettel cho biết đã thông báo cho các đại lý SIM, thẻ và cắt quyền được kích hoạt thuê bao mới của các đại lý này. Bên cạnh đó, Viettel chọn hệ thống Thế Giới Di Động và Viettel Post là kênh chuỗi có kiểm soát làm kênh phân phối SIM.

Theo thống kê của Bộ TT&TT, đến nay bộ đã xử lý và lọc ra 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp sau khi đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau đó, có 7,15 triệu thuê bao đã tiến hành chuẩn hóa lại thông tin.

Đến nay, các doanh nghiệp viễn thông đã loại bỏ 12,5 triệu SIM không chính chủ trên hệ thống. Đây là các SIM mà chủ thuê bao không tiến hành cập nhật, chuẩn hóa lại thông tin dù đã quá hạn.

Lo lắng việc khó truy xuất nguồn gốc SIM

Ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, Chủ nhiệm bộ môn Thương mại điện tử Trường CĐ FPT Polytechnic, cho biết việc dừng bán SIM ở các đại lý ủy quyền sẽ chưa giải quyết triệt để được nạn SIM rác bởi nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, hiện nay lượng SIM rác còn khá nhiều trên thị trường vì đại lý lớn thường phân phối SIM đến các cá nhân (đại lý nhỏ hơn) để bán. Chính vì thế, sau ngày 10-9 vẫn còn hiện tượng các đại lý bán SIM kích hoạt sẵn. Từ đó, việc thu hồi SIM rác từ các đại lý sẽ khó, khó thu hết được số SIM rác đã phân phối.

Thứ hai, sẽ có các đầu mối lớn, cá nhân tích trữ lượng SIM lớn để bán hoặc sử dụng cho mục đích kinh doanh thì khó truy xuất được nguồn gốc cá nhân nào đang giữ SIM. Như vậy sẽ dẫn đến việc khó truy xuất nguồn gốc SIM.

Cũng theo ông Huy, để quản lý vấn đề mua bán SIM tại đại lý được minh bạch, rõ ràng, cơ quan quản lý nên yêu cầu đại lý cung cấp danh sách các cá nhân hoặc doanh nghiệp sở hữu lượng SIM lớn để nhà mạng có giải pháp xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm