Biết gì về sức mạnh của vũ khí tầm xa mới mà Mỹ sắp gửi cho Ukraine?

(PLO)- Mỹ vừa công bố gói viện trợ vũ khí trị giá hơn 2 tỉ USD cho Ukraine, trong đó có vũ khí tầm xa GLSDB, liệu nó mạnh tới đâu và có thể giúp quân Ukraine thế nào?

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi 3-2, chính quyền Washington dự kiến sẽ cung cấp gói viện trợ vũ khí trị giá gần 2,2 tỉ USD cho Ukraine, trong đó có loại bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB), loại vũ khí tầm xa được cho là quan trọng nhất trong gói viện trợ lần này, theo hãng tin Reuters.

GLSDB là một loại vũ khí do công ty Boeing (Mỹ) chế tạo, được cải tiến từ bom dẫn đường có đường kính nhỏ thả từ trên không GBU-39. Theo Reuters, với gói viện trợ lần này, Ukraine hy vọng có thể xoay chuyển được tình thế trên chiến trường.

Bom GLSDB được phóng từ hệ thống pháo phản lực. Ảnh: NI

GLSDB mạnh tới đâu?

GLSDB là sự kết hợp giữa bom đường kính nhỏ GBU-39 và tên lửa M26, có đường kính thân đạn là 155 mm. Ngoài ra, nó còn là loại tên lửa được dẫn đường và định vị bằng vệ tinh GPS, có khả năng kháng nhiễu điện tử (những tín hiệu điện gây rối loạn, gián đoạn các đường truyền, hay làm suy hao tín hiệu điện khiến xảy ra tình trạng lệch tín hiệu trong các hệ thống).

Về phương diện tác chiến, GLSDB có thể được dùng trong mọi điều kiện thời tiết, và có thể tấn công các mục tiêu như các công trình quân sự, xe tăng thiết giáp của kẻ thù.

Theo Reuters, điều đáng chú ý ở GLSDB là nó có thể được dùng kết hợp với các hệ thống pháo phản lực như tên lửa M-270 và M142 HIMARS mà Mỹ và các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã gửi cho Ukraine trước đây.

Theo thông tin từ Boeing, nguyên lý hoạt động của GLSDB cho phép nó có thể đạt được tầm bắn rất lớn. Cụ thể, sau khi bắn nó ra khỏi nòng, động cơ tên lửa của GLSDB sẽ được kích hoạt và quả đạn sẽ được tên lửa đẩy tiếp tục bay lên trên; tên lửa sau khi cháy hết nhiên liệu sẽ tự động tách ra khỏi quả đạn, lúc này cánh trên thân đạn mở ra, tiếp tục kéo dài thời gian ở trên không bằng cách lượn tới mục tiêu, do đó tầm bắn của tên lửa rất lớn, có thể đạt tới 160 km. Theo Reuters, khoảng cách này là lớn gấp đôi tầm bắn của tên lửa M142 HIMARS (80 km).

Với tầm bắn xa, GLSDB sẽ giúp được gì cho Ukraine?

Bom GLSDB được phóng từ bệ phóng của Hệ thống pháo phản lực cơ động cao. Ảnh: ZUMAPRESS.COM

Theo Reuters, hồi năm ngoái Ukraine từng nhiều lần đòi Mỹ viện trợ tên lửa tấn công lục quân (ATACMS) với tầm bắn lên tới 297 km, song chính quyền Washington đã từ chối lời kêu gọi trên từ Kiev.

Tuy nhiên, với GLSDB - loại vũ khí có tầm bắn xa lên tới 150 km (xa hơn tầm bắn của rất nhiều loại tên lửa thông thường hiện tại), thì theo Reuters, nó sẽ giúp quân Ukraine tạo ra nhiều bước đột phá và giành được lợi thế trên chiến trường.

Cụ thể, hồi mùa hè năm ngoái, tên lửa M142 HIMARS (có tầm bắn 80 km) mà phương Tây viện trợ cho Ukraine đã được đánh giá rất cao khi đã giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường. Theo đó, tên lửa M142 HIMARS của quân Ukraine đã nhắm trúng các mục tiêu quân sự của đối phương, gồm các kho đạn dược và các khu hậu cần của quân Nga.

Nay GLSDB tham chiến với phạm vi tấn công xa hơn thì theo các nhà phân tích của Reuters, nó có thể giúp quân Ukraine tạo ra nhiều bước đột phá hơn trên chiến trường. Cụ thể, từ tiền tuyến tỉnh Zaporizhia và tỉnh Kherson của Ukraine, quân Kiev có thể nhắm đến các mục tiêu ở bán đảo Crimea, thậm chí là các mục tiêu ở khu vực phía đông tỉnh Donbass giáp biên giới với Nga.

Điều này có thể khiến quân Nga phải di chuyển các khu vực dự trữ đạn dược, nhiên liệu và các căn cứ quân sự ra xa hơn, thậm chí có thể chuyển về sâu bên trong lãnh thổ của Nga, khiến binh lính Moscow gặp nhiều khó khăn và làm phức tạp thêm các kế hoạch tấn công mới của quân Nga.

Theo ông Andriy Zagorodnyuk - cựu Bộ trưởng Quốc phòng của Ukraine, loại vũ khí tầm xa mới mà Mỹ viện trợ cho Ukraine có thể làm chậm đáng kể các cuộc tấn công của Nga. Giống như HIMARS, nó sẽ mang lại nhiều tác động đáng kể, ảnh hưởng tới cục diện chiến trường trong thời gian tới.

Nga phản ứng thế nào về gói viện trợ vũ khí tầm xa từ phương Tây cho Ukraine?

Trước thông tin các nước phương Tây dự kiến gửi viện trợ vũ khí tầm xa cho Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói Moscow sẽ có động thái đáp trả thích đáng, đồng thời đề ra kế hoạch đối phó Ukraine khi nước này nhận được vũ khí tầm xa từ phương Tây, theo đài RT.

Ông Lavrov cho biết nếu Ukraine nhận được vũ khí tầm xa từ phương Tây thì mục tiêu của quân Nga sẽ là đẩy lùi lực lượng pháo binh của quân Ukraine ra khoảng cách xa, nhằm tránh các mối đe dọa đối với lãnh thổ của Nga. Ông Lavrov còn nói nhấn mạnh rằng tầm bắn của vũ khí phương Tây càng xa thì quân Nga càng phải đẩy quân Kiev ra xa hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới