VỤ 56 KHÁCH DU LỊCH VIỆT NAM BỎ TRỐN TẠI HÀN QUỐC

Biết là kiếm sống, nhưng rất đáng trách

Dư luận trong nước và tại Hàn Quốc trong những ngày qua đang rất bức xúc trước việc 56 khách du lịch của Việt Nam (VN) bỏ trốn tại đảo Jeju của Hàn Quốc để tìm việc làm. Có thể nói đây là việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của người VN tại nước này.

Góp phần tạo thêm hình ảnh xấu

Theo thống kê của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, hiện có gần 130.000 người VN đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc. Trong đó, trên 22.000 người VN đang cư trú bất hợp pháp (gồm những người nhập cảnh đến Hàn Quốc theo các chương trình khác như đi du lịch, thăm thân nhân và cả du học sinh bỏ trốn ra ngoài).

Đáng nói, kể từ đầu năm 2013 chính phủ Hàn Quốc đã tạm dừng việc tiếp nhận lao động mới của VN do tỉ lệ người lao động hết hạn hợp đồng không về nước tăng cao. Vậy mà số người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc làm việc thông qua các hình thức nhập cảnh khác ngoài visa lao động lại càng tăng lên. Điều này gây khó khăn lớn cho các cơ quan quản lý của hai nước trong việc vận động người cư trú bất hợp pháp về nước nhằm tái ký Thỏa thuận hợp tác lao động (EPS - MOU) để tạo điều kiện cho người lao động VN sang Hàn Quốc làm việc.

Mới đây, trước sức ép của dư luận trong nước về tình hình tội phạm là người nước ngoài tăng cao, chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành nhiều đợt truy quét người cư trú bất hợp pháp trên phạm vi cả nước. Họ áp dụng các biện pháp nhằm khuyến khích người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hồi hương. Trong bối cảnh ấy, việc 56 khách du lịch VN lợi dụng cơ chế miễn thị thực nhằm thu hút du lịch vào đảo Jeju để bỏ trốn càng tạo thêm hình ảnh rất xấu cho người VN tại quốc gia này.

Lao động VN sang Hàn Quốc trong chương trình Thỏa thuận hợp tác lao động EPS - MOU. Những người trong ảnh không liên quan đến vụ khách du lịch bỏ trốn trong bài. Ảnh: PT

Khả năng “mất cả chì lẫn chài”

Hẳn 56 vị khách du lịch kia đều đủ nhận thức để biết việc làm của họ là phi pháp, là vi phạm luật pháp sở tại. Thế nhưng để có một việc làm bất hợp pháp tại Jeju, họ đã bất chấp tất cả. Có thông tin cho rằng để được đi du lịch trá hình thế này, mỗi người phải đóng từ 10.000 đến 15.000 USD. Nếu bị trục xuất về nước coi như người lao động chui sẽ bị mất trắng.

GS Kim Kyu, Chủ tịch Hội Người Hàn tại TP.HCM, cho biết: “Về nguyên tắc, phía Hàn Quốc không đánh đồng việc du khách bỏ trốn với tình trạng bỏ trốn của người lao động. Nhưng rõ ràng việc làm trên của nhóm khách du lịch VN đã gây bức xúc trong dư luận Hàn Quốc và ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của người VN. Những hành vi như trên cần phải được xử lý một cách nghiêm minh”.

Cũng trong ngày hôm qua, Đại sứ quán VN tại Hàn Quốc đã thông báo công khai danh tính 32 khách du lịch VN hiện đang bỏ trốn tại đảo Jeju và yêu cầu những người này ra trình diện để được hưởng chính sách khoan hồng.

Người làm… kẻ phá

Kể từ năm 2012 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH nước ta đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách khuyến khích người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước để mở ra cơ hội tái ký Thỏa thuận hợp tác lao động (EPS - MOU). Kết quả là từ tỉ lệ bỏ trốn trên 50% vào đầu năm 2013 đến nay đã giảm xuống còn trên 30%. Nỗ lực này được phía Hàn Quốc ghi nhận và đánh giá cao. Có thể nói với những nỗ lực của cả hai bên, cơ hội tái ký EPS - MOU trong đầu năm 2016 là rất khả quan. Tuy vậy, với hàng loạt sự việc diễn ra gần đây và nhất là việc bỏ trốn tập thể của khách du lịch VN tại đảo Jeju chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc thỏa thuận, đàm phán trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm