Bình Thuận đạt 61,35/100 điểm về phòng chống tham nhũng, tiêu cực

(PLO)- Đề nghị các cơ quan tố tụng điều tra, truy tố , xét xử giải quyết dứt điểm các vụ án tham nhũng, các vụ dư luận xã hội quan tâm, các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-10, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công văn gửi các cơ quan thuộc UBND tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh; các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông Hồ Lâm, nguyên giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận bị Bộ Công an bắt giam hồi tháng 2-2022. Ảnh: PĐ

Ông Hồ Lâm, nguyên giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận bị Bộ Công an bắt giam hồi tháng 2-2022. Ảnh: PĐ

“Theo đó, ngày 31-8-2022, Thanh tra Chính phủ ban hành Công văn về việc thông báo điểm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2020 của UBND tỉnh Bình Thuận đạt 61.35/100 điểm. Tuy điểm đánh giá có cải thiện so với năm 2019 (56.28/100 điểm), nhưng công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, hiệu quả chưa cao”, công văn trên nêu.

Để công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả tích cực, cải thiện điểm số về đánh giá công tác này của tỉnh hàng năm và xét đề nghị của Thanh tra tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tự rà soát để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện công tác PCTN, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong thời gian qua.

Ngoài ra tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục các quy định pháp luật về PCTN phù hợp tình hình thực tế của đơn vị, địa phương và chỉ đạo của UBND tỉnh cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, trong đó chú ý tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác PCTN cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN.

Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật các nội dung công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Việc công khai phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử, niêm yết tại trụ sở; hình thức công khai, minh bạch phải đảm bảo chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời theo đúng trình tự, thủ tục theo các quy định pháp luật để người dân, doanh nghiệp biết, theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Hàng năm, xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, rà soát để ngăn chặn, xử lý tình trạng có xung đột lợi ích trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của CBCCVC thuộc phạm vi quản lý của mình.

Trường hợp phát hiện có dấu hiệu xảy ra xung đột lợi ích phải báo cáo, xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích. Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị, địa phương do mình quản lý.

Tùy tính chất, mức độ có hình thức xử lý kỷ luật theo quy định; tránh tình trạng xảy ra tham nhũng, tiêu cực nhưng chỉ phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm chung chung.

Chú ý hình thức xử lý vi phạm (nếu có) đối với các trường hợp được xác định có vi phạm pháp luật về PCTN theo quy định. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Xây dựng cơ bản, đầu tư công, quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường, quản lý tài chính, tài sản công…

Qua công tác thanh tra, kiểm tra chủ động rà soát để phát hiện những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách trong quản lý, kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, triệt tiêu các điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực…

Các cơ quan Công an, Viện KSND, TAND các cấp tỉnh, huyện và các cơ quan có liên quan tăng cường phối hợp để nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ ̣ điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực mới phát sinh cũng như các vụ việc còn tồn đọng, dư luận xã hội quan tâm. Nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo; đảm bảo việc xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội nhằm tạo tính răn đe; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm