Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận vừa có báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh.
Mất điểm vì giải quyết chậm
Theo đó, Sở TN&MT đã yêu cầu các phòng, đơn vị trực thuộc Sở tập trung chỉ đạo và triển khai việc nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính về đất đai.
Cụ thể phải đảm bảo tiến độ, không gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nếu trễ hẹn phải xin lỗi với dân; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ. "Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến đất đai", Sở TN&MT nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa tại huyện, xã nghiêm túc thực hiện việc công khai, niêm yết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai bằng nhiều hình thức. Qua đó để giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong việc tìm hiểu, tra cứu trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.
Ngoài ra, Sở TN&MT đã thực hiện luân chuyển công chức quản lý của chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai sáu địa phương: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong và Bắc Bình. Thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện luân chuyển đối với các địa phương còn lại.
Tuy nhiên công tác đo đạc chỉ đáp ứng 61,3% nhu cầu của người sử dụng đất (khoảng 9.505 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 38.7% chưa được đo đạc trong 9 tháng đầu năm 2023). Đây là một trong những nguyên nhân gây mất điểm trong chỉ số cải cách hành chính (PAR) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh.
Nhiều trường hợp người dân nhận được tin nhắn “Hồ sơ đã có kết quả giải quyết” nhưng khi đến nhận kết quả thì được thông báo là chưa có. Nguyên nhân do công chức, viên chức tham mưu giải quyết đã bấm nút kết thúc quá trình xử lý hồ sơ điện tử mặc dù hồ sơ giấy chưa hoàn thành.
"Tiến độ thực hiện dự án tổng thể vẫn còn rất chậm. Nguyên nhân là do thủ tục hành chính về đất đai là một trong số thủ tục hành chính có tính chất phức tạp, cần phải kiểm tra, xác minh qua nhiều bước theo quy định" - Sở TN&MT nêu.
Bên cạnh đó, số lượng hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai hằng năm rất lớn. Yêu cầu của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ngày càng cao, luôn đòi hỏi phải nhanh, kịp thời. Trong khi đó số lượng biên chế có hạn nên thường xảy ra tình trạng bị chậm thời gian trả kết quả, chất lượng công việc chưa đảm bảo theo yêu cầu, nhiệm vụ.
Xử lý nghiêm công chức tiêu cực, gây khó khăn
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận, tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích trái phép, chuyển nhượng đất, tranh chấp đất ở nhiều địa phương diễn biến phức tạp. Trong khi các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai còn một số bất cập, không đồng bộ, thay đổi qua từng thời kỳ. Vì vậy, khi áp dụng căn cứ pháp luật để giải quyết vụ việc giữa các ngành liên quan không đồng nhất.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra nhiều tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai của tỉnh. Cụ thể như cơ sở dữ liệu đất đai chưa hoàn chỉnh, vướng mắc về việc xác định giá đất cụ thể, ảnh hưởng đến thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Từ những tồn tại đó, tỉnh Bình Thuận đưa ra nhiều giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, có việc đổi mới lề lối làm việc, nâng cao tinh thần phục vụ, tác phong, thái độ ứng xử. Lấy sự hài lòng của người dân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ trong quá trình giải quyết thủ tục về đất đai.
Các sở chuyên môn sẽ tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham mưu giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp GCN lần đầu trên địa bàn tỉnh.
Nghiêm túc xử lý công chức, viên chức và người lao động gây khó khăn, tiêu cực trong công tác giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai.
Đáng chú ý, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra đột xuất việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai. Theo đó, sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong việc chậm khắc phục các tồn tại, hạn chế kéo dài, đồng thời khắc phục ngay tình trạng tiếp nhận hồ sơ nhưng chậm giải quyết hoặc giải quyết trễ hạn…
Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã có văn bản đề nghị chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh cùng người đứng đầu các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc và tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Ban Thường vụ đề nghị tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường...; quyết tâm, quyết liệt giải quyết thủ tục hành chính kịp thời, hiệu quả, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện; không đùn đẩy trách nhiệm, không để xảy ra tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, làm lãng phí nguồn lực, cơ hội của Nhà nước, xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Lãnh đạo thường xuyên động viên, khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật để tham mưu, đề xuất, thẩm định và quyết định; không để xảy ra tình trạng quy định pháp luật đã rõ nhưng tham mưu lòng vòng, không rõ nội dung, quan điểm hoặc đùn đẩy trách nhiệm sang bộ phận khác, cơ quan khác, làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.