Bộ Công an cảnh báo về biến tướng hợp đồng ‘sở hữu kỳ nghỉ du lịch’

(PLO)- Bộ Công an vừa lên tiếng cảnh báo về biến tướng của hoạt động mua bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch”

Theo Bộ Công an, hoạt động mua bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” (Timeshare) đã xuất hiện từ lâu và rất phổ biến trên thế giới.

Thời gian gần đây, mô hình này khá phát triển tại Việt Nam nhưng trong quá trình hoạt động, một số công ty đã lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, nhắm vào tâm lý thích được tặng quà… của người dân để lừa đảo, trục lợi.

Coi chừng mất tiền khi mua bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch

Được biết, “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là mô hình du lịch cung cấp dịch vụ mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc một số khách sạn, khu resort trong khoảng thời gian nhất định (thường là 7 ngày/1 năm) theo mùa hoặc liên tục trong nhiều năm liền tùy theo thỏa thuận ký kết giữa các bên.

Tại Việt Nam, mô hình này được giới thiệu như một giải pháp kích cầu du lịch với các ưu điểm so với du lịch thông thường, như: chi phí tiết kiệm hơn, chỉ vài trăm nghìn đồng/đêm nghỉ tại khách sạn cao cấp bất kỳ trong hệ thống bất động sản doanh nghiệp, tiết kiệm 70% so với việc mua kỳ nghỉ thông thường. Thậm chí khách hàng có quyền trao đổi, mua bán, cho thuê… khi không có nhu cầu sử dụng, coi đây là một kênh đầu tư sinh lợi nhuận.

Thời điểm hiện tại, nhu cầu nghỉ dưỡng, nghỉ mát của người dân tăng cao, một số doanh nghiệp, tư vấn viên bán sản phẩm du lịch chủ động gọi điện thoại chào mời, giới thiệu những chính sách khuyến mãi, chiết khấu hấp dẫn, tặng voucher ưu đãi… để lôi kéo người dân tham gia.

Bộ Công an khuyến cáo người dân cần thận trọng khi ký hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ du lịch". Ảnh Internet.

Nếu có ai đồng ý mua, họ sẽ nhanh chóng đưa hợp đồng cho khách hàng để ký. Do hợp đồng có số lượng lớn trang giấy A4, nên nhiều người không đọc kỹ hoặc không hiểu rõ, không biết mình bị “cài” nhiều điều khoản gây bất lợi mà vẫn đặt bút ký. Điều này gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định dấu hiệu tội phạm và bảo vệ nạn nhân khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại.

Lỗ hổng của pháp luật về loại hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ du lịch”

Theo Bộ Công an, thời gian qua cơ quan Công an nhận được nhiều đơn khiếu nại, tố giác một số công ty kinh doanh “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” về việc tham gia hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ nhưng không được hưởng đúng quyền lợi như đã cam kết hoặc quảng cáo, phát sinh thêm nhiều chi phí; khách hàng không thể bán lại cho người khác cũng như không thể đòi lại được tiền…

Trước tình hình trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ về các điều khoản liên quan đến quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp, giá trị hợp đồng, các loại chi phí liên quan, điều khoản chấm dứt hợp đồng và xử lý vi phạm.

Một rủi ro khác là hầu hết hợp đồng mua bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là loại hợp đồng không có trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu. Vì vậy, việc kiểm soát các hợp đồng kinh doanh loại này gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc mua bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” thường có thời hạn dài (có thể kéo dài hàng chục năm), khách hàng phải trả số tiền lớn (từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng) ngay từ đầu khi chưa biết rõ khả năng và hiệu quả sử dụng dịch vụ trong tương lai.

"Đáng chú ý, tại thời điểm ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, có thể các căn hộ, khách sạn nghỉ dưỡng mới chỉ nằm trên bàn giấy, chưa khởi công xây dựng. Hoặc bên bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” có thể không sở hữu bất kỳ khu dự án hoặc khách sạn nào mà chỉ là đơn vị trung gian hợp tác với chủ sở hữu dự án, khách sạn để bán dịch vụ cho khách hàng. Do đó, khi xảy ra vướng mắc, khiếu nại trong quá trình sử dụng dịch vụ, bên bán khó đảm bảo được quyền lợi cho khách hàng.

Chưa kể, đối với người đầu tư vào mô hình sở hữu kỳ nghỉ nhằm mục đích kiếm lời thì việc chuyển nhượng kỳ nghỉ phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường, cũng như các điều khoản liên quan đến chuyển nhượng được ký kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Nhiều khách hàng sau khi mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ không thể bán lại cho người khác do không có người mua hoặc chi phí chuyển nhượng quá cao" - Bộ Công an nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới