Giỗ tổ Hùng Vương năm nay người dân được nghỉ 3 ngày liền, dịp 30/4-1/5 là 5 ngày liên tiếp - với khoảng cách giữa hai đợt nghỉ lễ chỉ là một tuần - được cho là thời điểm thuận lợi để các hãng lữ hành kéo khách, vớt vát cho thời kỳ ế ẩm. Song đến nay, mặc dù đã giảm lãi, chịu lỗ bằng cách khuyến mãi kích cầu nhưng các hãng lữ hành vẫn "đói" khách.
Trao đổi với PV, ông Lương Duy Doanh - Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế Ngôi sao mới, than thở: "Thị trường du lịch năm nay nhìn chung vẫn ảm đảm, chưa có dấu hiệu khởi sắc. Du lịch đang bị ảnh hưởng nặng bởi khủng hoảng kinh tế, người dân thắt chặt chi tiêu, nhu cầu ăn chơi bị cắt giảm đi nhiều".
Mặc dù công ty đã giảm giá trực tiếp trên mỗi tour nhưng số lượng khách đăng ký đến thời điểm này vẫn chưa được như kỳ vọng, nếu không nói là giảm đáng kể. Một số tour nội địa hấp dẫn, hút khách vào dịp này lượng khách cũng giảm mạnh, ông Lương Duy Doanh cho hay.
Chịu chung cảnh "đói khách", giám đốc một công ty du lịch tại Hà Nội cũng nhận xét, mặc dù hàng không giảm giá ồ ạt, du lịch đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, vậy mà khách đăng ký mua tour vẫn giảm trên 20% so với đợt nghỉ lễ cùng kỳ năm trước.
Chỉ còn vài ngày nữa là bước vào hai đợt nghỉ lễ, tuy nhiên chưa có tour nào lấp đầy được khách. Tour nào hấp dẫn, hút khách cũng chỉ được khoảng 70-80% khách đăng ký, vị giám đốc này chia sẻ.
Ghi nhận tại nhiều công ty du lịch cho thấy, hầu hết khách đi tour đều giảm, nhất là khách đoàn. Tuy nhiên, họ kỳ vọng vào phân khúc khách lẻ sẽ mua tour nhiều hơn vào những ngày cuối cùng trước khi bước vào đợt nghỉ lễ liên tiếp.
Dồn tiền mua sữa, đổ xăng
Khác những năm trước, vào dịp nghỉ lễ, mọi người lại tất bật chuẩn bị cho những chuyến du lịch đó đây, năm nay phần lớn mọi người đều không hào hứng bởi phải chắt bóp chi tiêu. Ngay cả chuyện sinh hoạt hàng ngày, người dân còn phải thắt lưng buộc bụng thì chuyện đi du lịch trở nên xa xỉ.
Chị Hoàng Kim Liên ở Kim Mã Thượng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, đợt nghỉ lễ tới mọi người sẽ về quê thăm ông bà, họ hàng hoặc ở lại thành phố tụ tập bạn bè ăn uống đơn giản.
Chị Liên chia sẻ: "Từ giữa năm ngoái tới nay, anh xã đi làm bị nợ lương, nhà lại có thêm thành viên mới. Chi phí sinh hoạt tăng trong khi mọi chi tiêu chỉ trông cậy vào thu nhập của một người nên chuyện đi du lịch chưa được tính tới".
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, đánh giá, ba tháng đầu năm nay, sức mua của người dân quá yếu. Mức lưu chuyển hàng hóa chỉ tăng 1%, thay vì 8-10% như thời điểm này những năm trước.
"Kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn đình lạm. Người dân đều dồn tiền vào mua sữa cho con, đổ xăng xe, các mặt hàng chưa thiết yếu sẽ được người dân cắt giảm dần đi để cân bằng cuộc sống. Thị trường hàng hóa, dịch vụ sẽ gặp khó khăn hơn khi người dân thắt chặt chi tiêu, nhất là các dịch vụ vui chơi giải trí", ông Phú nói.
Thừa nhận chuyện này, ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho hay, mùa du lịch cao điểm đầu năm, lượng khách không những chẳng tăng mà còn giảm, nhất là khách quốc tế (giảm 10%).
Tình trạng này một phần do suy thoái kinh tế, người dân cắt giảm chi tiêu, hạn chế đi du lịch để dồn tiền mua sắm những mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu các hãng lữ hành đưa ra được các sản phẩm du lịch, dịch vụ thật sự tốt với mức giá ưu đãi, hợp lý thì người dân vẫn có thể bỏ tiền đi du lịch, ông Bình nói.
Theo Bảo Hân (VEF)