Bộ Công an thông tin các vụ AIC, Việt Á, Vạn Thịnh Phát

(PLO)- Với các vụ án đã khởi tố, cơ quan điều tra tiếp tục điều tra mở rộng, xử lý rốt ráo, truy bắt những người bỏ trốn trên nguyên tắc không có vùng cấm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 19-12, Bộ Công an tổ chức họp báo tình hình, kết quả công tác công an năm 2022; phương hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2023. Tại buổi họp, báo chí đặt câu hỏi về diễn tiến điều tra một số vụ án lớn trong thời gian qua.

Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục C03 Bộ Công an, thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: UYÊN TRANG

Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục C03 Bộ Công an, thông tin tại cuộc họp báo.
Ảnh: UYÊN TRANG

Khởi tố 27 bị can liên quan Vạn Thịnh Phát

Trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an, cho biết các diễn biến tố tụng của vụ án này đã được cơ quan điều tra cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử Bộ Công an.

Tính đến nay, công an đã khởi tố hai vụ án và 27 bị can liên quan đến vụ việc này. Hiện lực lượng chức năng đang tập trung xem xét, xử lý triệt để vụ án, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, thu hồi tài sản triệt để, đảm bảo quyền lợi cho các bị hại và người liên quan.

Trước đó, đầu tháng 10, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đang điều tra, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư, các công ty, đơn vị liên quan Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông.

Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Đồng thời, công an ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với bốn bị can về tội danh nêu trên.

Nhóm này gồm: Trương Mỹ Lan (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Trương Huệ Vân (tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor), Nguyễn Phương Hồng (trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Hồ Bửu Phương (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nguyên phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Theo công an, bốn bị can nêu trên có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của người dân trong các năm 2018-2019.

Trong vụ kit test Việt Á, cơ quan tố tụng đã khởi tố 102 bị can và đang mở rộng điều tra, củng cố chứng cứ, trong đó có các bị can như Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh...

Tiếp tục mở rộng vụ Việt Á, “chuyến bay giải cứu”

Đối với vụ án xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty CP Tiến bộ quốc tế - AIC, dù bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch AIC) và bảy người khác đang bỏ trốn nhưng cơ quan tố tụng vẫn đề nghị truy tố, truy tố và quyết định đưa vụ án ra xét xử. Báo chí hỏi việc không thu thập được lời khai của nhóm bị can này liệu có ảnh hưởng gì tới kết quả điều tra, xét xử?

Đại diện Cục C03 Bộ Công an cho hay hiện cơ quan chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp truy bắt đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn và nhóm bị can bỏ trốn.

Mới đây, Cơ quan điều tra Bộ Công an ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKS đề nghị truy tố, trong đó có tám người bỏ trốn. “Việc này đảm bảo theo quy định pháp luật và cũng cho thấy chất lượng điều tra đã được nâng lên, không chỉ dựa vào lời khai của bị can mà còn thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh” - đại diện C03 cho hay.

Với vụ án “chuyến bay giải cứu”, đại diện Bộ Công an cho biết đến nay cơ quan công an đã khởi tố 35 bị can. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra yêu cầu UBND một số tỉnh, TP rà soát các tài liệu liên quan; đến nay đã cơ bản có báo cáo.

Hiện cơ quan điều tra tiếp tục thu thập, củng cố tài liệu và hồ sơ theo quy định pháp luật. Các trường hợp nếu bị xử lý hình sự sẽ đều đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử Bộ Công an.

Với vụ kit test Việt Á, đến nay cơ quan tố tụng đã khởi tố 102 bị can. Vụ án này hiện được mở rộng điều tra một cách triệt để, bao gồm việc củng cố chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của một số bị can như Nguyễn Thanh Long (cựu bộ trưởng Bộ Y tế) và Chu Ngọc Anh (cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội).•

Bác bỏ tin 4.700 công an Hà Nội nghỉ việc vì “sức ép kỷ luật”

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết vừa qua trên mạng xã hội có thông tin giám đốc Công an Hà Nội kỷ luật cán bộ khắt khe, dẫn đến 4.700 người xin ra khỏi ngành, trong đó có hai cán bộ là trưởng Công an quận Hoàn Kiếm và trưởng Công an quận Đống Đa xin nghỉ hưu sớm.

Ông Trung bác bỏ thông tin này và khẳng định chủ trương siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác là việc làm thường xuyên, đây cũng là yêu cầu của Đảng. Từ khi về công tác tại Công an TP Hà Nội (từ tháng 8-2020), ông đã đưa ra rất nhiều giải pháp tăng cường quản lý kỷ cương, kỷ luật có tình có lý.

Theo Giám đốc Công an TP Hà Nội, trong hai năm qua Công an TP đã kỷ luật khoảng 170 cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra, hằng năm số lượng cán bộ công an xuất ngũ khoảng 150-160 người, đây là con số không có gì đột biến.

“Phần lớn số cán bộ, chiến sĩ công an xin xuất ngũ rơi vào các trường hợp trình độ, năng lực kém. Những người này nếu tiếp tục ở lại cũng sẽ phải ra khỏi ngành” - ông Trung nói.

Vẫn theo ông Trung, số cán bộ, chiến sĩ xin xuất ngũ còn vì điều kiện gia đình neo người… xin ra ngoài để có điều kiện, thời gian lo cho gia đình. Một lý do nữa là các cán bộ, chiến sĩ xin xuất ngũ vì gia đình có doanh nghiệp, có cửa hàng, muốn ra ngoài để có điều kiện làm ăn kinh tế.

“Các cán bộ, chiến sĩ xuất ngũ xin ra khỏi ngành và ra khỏi ngành vì kỷ luật không có liên quan đến nhau. Trưởng Công an quận Đống Đa làm đơn xin nghỉ là vì lý do sức khỏe, còn trưởng Công an quận Hoàn Kiếm vẫn làm việc, công tác bình thường” - ông Trung khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm