Bộ Công an thông tin vụ thổi giá kit test và vụ 'làm luật' ở cửa khẩu

Chiều 18-1, tại phiên họp thứ 7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 12-2021 của Quốc hội.

Khoá cửa, giữ chìa khoá gia đình có người bị cách ly

Báo cáo của Ban Dân nguyện cho hay cử tri băn khoăn về tình trạng hàng nghìn phương tiện vận chuyển hàng hóa nông sản trong thời gian qua ùn ứ nghiêm trọng tại các cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc. Việc này là do Trung Quốc tạm ngưng, đóng cửa để siết chặt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện một số quy định mới về xuất nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1-1-2022…

Phát biểu sau đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng gần đây nổi lên vấn đề bức xúc là việc nhận hối lộ ở cửa khẩu của một số cán bộ.

“Những người này lợi dụng tình trạng dịch bệnh, tình trạng ùn ứ hàng hoá, người nông dân đã rất khó khăn khi không xuất khẩu được, chi phí bị dồn cục ở đó rồi vậy mà họ còn nhẫn tâm nhận tiền hàng trăm triệu”- ông Tùng nói và đề nghị bổ sung thêm vào báo cáo nội dung này.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: quochoi.vn

Ông Hoàng Thanh Tùng cũng đề cập tới một vấn đề đáng chú ý khác là tình trạng mỗi địa phương thực hiện quy định về việc đón người dân ở các tỉnh về quê ăn tết khác nhau và khác quy định tại Nghị quyết 128.

Theo ông Tùng, quy định của Chính phủ nói rất rõ và yêu cầu thực hiện thống nhất: Nếu người tiêm đủ các mũi vaccine khi về tự kiểm tra sức khoẻ, tự theo dõi ở nhà, chỉ phải xét nghiệm vào ngày đầu tiên. Tiêm chưa đủ 2 mũi thì cách ly 7 ngày, sau đó tự theo dõi 7 ngày; chưa tiêm mũi nào thì phải cách ly ở nhà 14 ngày và thực hiện xét nghiệm 3 lần…

“Tuy nhiên thực tế thực hiện các địa phương, mỗi tỉnh một kiểu, mỗi nơi một kiểu, không có nơi nào thống nhất giống nơi nào”- ông Tùng bình luận.

Dẫn chứng, ông Tùng cho biết có nơi không cần biết người dân đã tiêm mấy mũi, nếu trở về từ vùng cam, đỏ đương nhiên phải cách ly 7 ngày, có nơi 14 ngày, có nơi yêu cầu xét nghiệm 3-4 lần.

“Thậm chí có nơi khóa cổng. Báo chí phản ánh ở Thanh Hóa có 30 hộ dân bị chính quyền cơ sở khóa cổng. Ở Thái Bình cũng có trường hợp đồng chí trưởng thôn tích cực quá, giữ khoá gia đình có người bị cách ly. Sau đó cũng không quan tâm xem họ sống thế nào trong nhà, họ phải nhờ hàng xóm mua thực phẩm, thức ăn”- ông Tùng nói thêm.

Chia sẻ việc các địa phương lo lắng cho việc phòng chống COVID, quan tâm để không lây lan dịch, tuy nhiên ông Tùng cho rằng các biện pháp thực hiện “hơi quá” so với quy định của Chính phủ và rất không thống nhất giữa các địa phương, gây tâm lý e ngại cho người dân chuẩn bị về quê ăn tết.

Ông Tùng cho biết ngày 17-1 vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản UBND các tỉnh nêu vấn đề này và yêu cầu thực hiện thống nhất. Tuy nhiên, ông Tùng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn để chỉ đạo vì đã sát tết và đây là vấn đề người dân rất quan tâm.

Đồng tình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu thực tiễn ở vùng Tây Bắc, dù đây là địa phương “an toàn cao” nhưng từ bản này sang bản kia vẫn có barie.

Đang mở rộng điều tra vụ án liên quan đến Công ty Việt Á và vụ bán “lốt” xe xuất khẩu

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho hay trong tháng 12 vừa qua, Bộ Công an và công an địa phương đã tập trung giải quyết các vấn đề nóng nổi lên, như phá chuyên án liên quan tới việc nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19; việc đưa và nhân hối lộ đối với công ty Việt Á xảy ra tại một số địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng. Ảnh: quochoi.vn

Ông Hùng thông tin thêm: Vụ việc Công ty Việt Á hiện nay đã khởi tố 19 bị can về tội đưa và nhận hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ…, liên quan tới Hải Dương, Bình Dương, Bộ Y tế, Bộ KH&CN.

“Chúng tôi đang tiếp tục đấu tranh mở rộng vụ án bởi xét thấy các đối tượng liên quan tới vụ án này rất nhiều”- ông Hùng nói và cho hay vụ việc làm rõ đến đâu thì tiếp tục công bố công khai cho công luận và điều chỉnh kịp thời các quy định liên quan tới mua bán, đấu thầu vật tư, thiết bị trong chống dịch.

Cũng theo Thứ trưởng Công an, trước tình trạng ùn ứ phương tiện xuất khẩu tiểu ngạch, nông sản, các lực lượng chức năng đã có điều chỉnh kịp thời, báo cáo tham mưu để giải quyết kịp thời hiện tượng này.

Công an Lạng Sơn đã chủ động lập chuyên án, khởi tố vụ án, bắt tạm giam ba người tại đội Quản lý trật tự đô thị về hành vi đưa, nhận hối lộ. Ông Hùng thông tin ba người này là nhân viên hợp đồng của đội trật tự đô thị chuyên phát vé “xếp lốt” xe xuất khẩu, đã nhận 200-300 triệu đồng/xe để bỏ qua thủ tục “xếp lốt”.

“Một xe như vậy trung bình chờ ở Lạng Sơn 13-14 ngày mới có thể xuất khẩu hàng được. Các đối tượng đã lợi dụng để xếp trước và đưa nhận hối lộ rất nghiêm trọng”- ông Hùng nói và thông tin cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng vụ án liên quan một số người khác. Bộ Công an sẽ công bố công khai với dư luận vào các phiên họp thường kỳ của Chính phủ.

Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến cũng cho biết VKS đang phối hợp với cơ quan điều tra, mở rộng và xử lý nhanh một số vụ việc nổi cộm dư luận quan tâm, đặc biệt là vụ Công ty Việt Á.

“Vụ án này đang trong tiến tình mở rộng điều tra với tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”- ông Tiến khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới