Bộ Công an: Tội phạm lĩnh vực xăng dầu diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương

(PLO)- Tội phạm tham nhũng xảy ra và tiềm ẩn ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Bộ Công an mới đây hoàn thiện dự thảo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022.

Một trong những nội dung được đề cập là tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Trong vụ án "chuyến bay giải cứu", nhiều bị can bị khởi tố và bắt tạm giam về tội nhận hối lộ. Ảnh: CA

Theo dự thảo, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, khắc phục sơ hở, thiếu sót để phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp...

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Cùng đó là đẩy mạnh thanh tra hành chính, kiểm tra chuyên ngành nhằm chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, góp phần phòng ngừa tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu.

Đặc biệt, cơ quan tố tụng tập trung điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xác minh, làm rõ các sai phạm có tác dụng lan tỏa, mang tính chất cảnh tỉnh trong những lĩnh vực nhạy cảm.

Từ tháng 10-2021 đến hết tháng 7-2022, lực lượng chức năng phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (giảm 38,61% so với báo cáo năm 2021), 396 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng 33,33%).

Thực tế công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp. Tội phạm tham nhũng xảy ra và tiềm ẩn ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Tội phạm kinh tế nổi lên các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp , hoạt động đấu thầu , đấu giá tài sản, đấu giá, mua sắm công, cổ phần hóa, đất đai , tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng , thuế , lợi dụng chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh...

Điển hình là các vụ án liên quan đến Trịnh Văn Quyết (chủ tịch Tập đoàn FLC), Nguyễn Thành Nhân (chủ tịch Tập đoàn Louis Holdings), Đỗ Anh Dũng (chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Hoặc như vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, tính đến nay đã có 19 địa phương tiếp tục xác minh, khởi tố, điều tra làm rõ sai phạm…

Ngoài ra, các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới, gian lận xuất xứ; lợi dụng thương mại điện tử để trốn thuế, buôn bán hàng cấm, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ; trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong và sau dịch COVID-19 gia tăng...

Đáng chú ý là có sự chuyển hướng của buôn lậu từ phương thức truyền thống sang lợi dụng pháp nhân để hoạt động; tội phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương.

Trấn áp mạnh tội phạm có tổ chức

Vẫn theo dự thảo, năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tập trung xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng; khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận; tập trung điều tra các vụ án lớn, vụ án mới đảm bảo nghiêm minh theo quy định của pháp luật...

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Số vụ phạm tội về trật tự xã hội tuy giảm nhưng chưa bền vững; một số loại tội phạm gia tăng, trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn còn phức tạp...

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt hiệu quả cao.

Trong đó, tăng cường xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; chủ động nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực, trong nước từ sớm, từ xa; tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm có tổ chức liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp, tội phạm xâm phạm trẻ em, mua bán người, giết người do nguyên nhân xã hội…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới