Như PLO đã phản ánh, ngay sau khi nhận được quyết định xử phạt của Bộ Công Thương, ngày 5-9, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) đã có văn bản khẩn gửi Thủ tướng và Bộ Công Thương đề nghị xem xét dừng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.
Theo nguồn tin của PLO, mới đây, Bộ Công Thương đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đối với 5 doanh nghiệp. Cùng với xử phạt hành chính, các doanh nghiệp còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, trong đó có Saigon Petro.
Cụ thể, trong quyết định xử phạt hành chính, Bộ Công Thương nêu rõ, Saigon Petro đã có các hành vi vi phạm hành chính như gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối; không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định; duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định.
Các tình tiết tăng nặng gồm: Vi phạm nhiều lần đối với các hành vi vi phạm hành chính “Gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Các tình tiết giảm nhẹ với ba hành vi này: Công ty đã tự nguyện khai báo, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính. Công ty đã ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm và tự nguyện khắc phục hậu quả.
Saigon Petro bị xử phạt 250 triệu đồng. Ảnh: TÚ UYÊN |
Với ba hành vi trên, Saigon Petro bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 250 triệu đồng.
Saigon Petro cũng bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung với hành vi thứ hai (không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định) là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Thời hạn thực hiện hình thức xử phạt bổ sung là 1 tháng.
Ngày 5-9, Saigon Petro đã có văn bản khẩn gửi Thủ tướng và Bộ Công Thương đề nghị xem xét dừng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.
Theo doanh nghiệp này, nếu áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thì sẽ khiến công ty suy sụp.
Saigon Petro cho hay, lý do tước giấy phép là do công ty thiếu đại lý bán lẻ, trong khi tổng số cửa hàng thuộc sở hữu và đồng sở hữu là hơn 10 cửa hàng và tổng số thương nhân nhận quyền bán lẻ là 68 thương nhân.
“Do suy nghĩ sai lệch về quan điểm về đại lý bán lẻ và thương nhân nhận quyền trong năm 2021 về tính chất hoạt động như nhau, nên công ty đã sai sót trong quản lý hệ thống” - Saigon Petro lý giải.
Saigon Petro cho rằng, cơ quan chức năng cần xem xét dừng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.
Saigon Petro cho hay, ngày 1-11-2021, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu được ban hành và sửa đổi khoản 5 điều 7 Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Theo đó quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải có hệ thống phân phối xăng dầu: “Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân”.
“Với quy định này, Saigon Petro đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hệ thống phân phối, vì Saigon Petro luôn có trên 40 thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. Như vậy đến thời điểm hiện tại, Saigon Petro đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định” - Saigon Petro khẳng định.
Saigon Petro cho hay, trong thời gian qua, thị trường kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn cung, nhưng công ty luôn thực hiện tốt trong việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Tháng 8, lượng cung ứng của công ty tăng đột biến hơn 200% so với tháng 7, do thị trường có dấu hiệu khan hiếm nguồn cung dù công ty đang bị lỗ nặng.
Saigon Petro cho biết, việc Bộ Công Thương tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của công ty sẽ gây ra hàng loạt hậu quả.
5 doanh nghiệp xăng dầu bị xử phạt hành chính
Ngày 31-8, Thanh tra Bộ Công Thương đã có văn bản số 752 về việc thực hiện quyết định xử phạt hành chính đối với 5 doanh nghiệp xăng dầu: Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp; Công ty CP Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa; Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM - Saigon Petro ; Công ty cổ phần dầu khí Đông Phương.
Thanh tra Bộ đề nghị các đơn vị khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện đầy đủ các quy định của Quyết định xử phạt với các thủ tục: Ký xác nhận ngày, giờ nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Ban hành văn bản thông báo gửi đến các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để giám sát, xử lý việc thực hiện theo quy định.
Thực hiện bàn giao giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu cho Thanh tra Bộ Công Thương.