‘Bố già’ chưa thể là ‘bố già’

Những ai yêu mến phim điện ảnh hiển nhiên không thể không biết đến bộ phim The Godfather (tựa Việt: Bố già). The Godfather xếp thứ hai trong Danh sách 100 phim hay nhất của Viện phim Mỹ bình chọn nhân kỷ niệm 100 năm điện ảnh ra đời (năm 1998).

Phim điện ảnh The Godfather của đạo diễn lừng danh Francis F.Coppola được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mario Puzo.

Bố già của Việt Nam đang là phim ra rạp có doanh thu cao nhất (gần 250 tỷ và vẫn đang chiếu) lịch sử phim ra rạp Việt được làm từ web-drama (những tập phim ngắn phát miễn phí trên YouTube).

Diễn viên Trấn Thành đảm nhận nhiều vai trò trong bộ phim Bố già đang công chiếu tại rạp. Ảnh: ĐPCC

Doanh thu của phim Bố già làm nhiều nhà làm phim ao ước và ít nhiều đắn đo với lựa chọn của mình, nhất là những người thật sự đang làm phim điện ảnh. Phim chiếu tại rạp không có nghĩa đó là tác phẩm điện ảnh. Và bộ phim đang làm mưa làm gió ở rạp – Bố già với những thứ hàng đầu Việt Nam có phải là phim điện ảnh không?

Câu chuyện phim xúc động, thoại xúc động… không thể làm nên một phim điện ảnh. Rất tiếc là khán giả lại thích điều đó, khán giả chỉ cần câu chuyện đủ để khóc cười chứ không cần đó là phim điện ảnh hay thể loại gì.

Một khán giả sau khi xem Bố già nói rằng, Bố già là một tản văn đẹp, không phải tản văn hay; tản văn không phải là tiểu thuyết, truyện dài (những thể loại thường được dùng để chuyển thể làm kịch bản). Bố già là một tản văn đẹp và đôi chỗ sai chính tả…

Một cảnh trong Bố già. Ảnh: ĐPCC

Với hiện trạng điện ảnh Việt Nam hiện tại, khán giả, giới chuyên môn, truyền thông… hài lòng với Bố già như một tác phẩm điện ảnh thì cũng khó trách. Bởi người xem Việt ít khi quan tâm thể loại, họ thấy hay chỉ vì họ đồng cảm được ít nhiều trong chuyện phim; giới chuyên môn cũng lắm người chỉ mong phim ra rạp lời thật lời, vậy là đủ.

Diễn viên Trấn Thành (diễn viên chính, tham gia viết kịch bản, đạo diễn, nhà sản xuất Bố già) từng trả lời phỏng vấn: “Tôi thật sự rất muốn Bố già làm nên điều gì đó cho nền điện ảnh Việt”. Tâm huyết của diễn viên Trấn Thành đã phần nào thành hiện thực bởi điều Bố già làm rất được cho đến thời điểm này là ghi một dấu son doanh thu trong lịch sử phim nội địa chiếu rạp.

Dường như Bố già đang làm cho một số người làm nghề rơi vào chứng vĩ cuồng, khán giả rơi vào hội chứng đám đông. Bây giờ, ai chưa xem Bố già như… tụt hậu với thế giới bên ngoài, không đồng cảm với Bố già chẳng khác gì người nông cạn, Bố già đưa điện ảnh Việt lên tầm cao mới… Một người là chuyên gia bình luật trong lĩnh vực điện ảnh còn cho rằng, lâu lắm rồi trong hơn 20 năm theo dõi phim Việt Nam chiếu rạp anh mới xem được một bộ phim Việt nguyên bản trọn vẹn và chạm đến trái tim anh…

Tuy nhiên, nếu tỉnh táo để đặt câu hỏi, Bố già xem ở nhà có khác gì xem ở rạp không? thì không khó để có thể trả lời… Bố già có thể xem ở nhà, như web-drama, phim truyền hình, gameshow; chỉ khác khi xem ở rạp bởi Bố già được mang chiếu ở rạp. Khán giả ở rạp thiếu một bộ phim tầm thấp để vuốt ve cảm xúc cá nhân của họ bất kể thể loại phim gì. Như, một khán giả khi ra rạp đã nhận xét: Bố Già coi cũng được, có nội dung, một vài câu thoại có thể nhớ. Tuy nhiên để khen nức nở thì không thể!". 

Sự thành công của Bố già sẽ gây nhiều dư luận trái chiều. Trong ảnh: Trấn Thành trong phim Bố già. Ảnh: ĐPCC

Vậy nên, đừng vĩ cuồng gọi Bố già là phim điện ảnh, hãy gọi Bố già là phim chiếu rạp. Bố già không thể là Bố già (The Godfather) từ cách định nghĩa là phim điện ảnh cho đến tham vọng trở thành một “bố già” của nền điện ảnh Việt. Doanh thu cao (tiền nhiều) không thể tương đồng với vị thế trong nền điện ảnh nội địa lẫn quốc tế. Điện ảnh cũng như cuộc sống, không bao giờ vận hành chỉ với tiền.
Lịch sử: 12 phim Việt ra rạp vào tháng 4
Lịch sử: 12 phim Việt ra rạp vào tháng 4
(PLO)- Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt, 12 phim lên lịch ra rạp trong một tháng. Điều này không chỉ gây ngộp thở cho các nhà sản xuất, mà khán giả cũng ngộp thở trong chọn lựa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm