Chiều ngày 6-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Theo các ĐBQH, bên cạnh những kết quả đạt được, tuyến đường Hồ Chí Minh đã chậm tiến độ nhiều năm, trải qua 3 nhiệm kỳ vẫn chưa thông tuyến… Theo đó, các ĐB đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ thiệt hại trong việc chậm hoàn thành tuyến, đánh giá kỹ nguyên nhân, rút kinh nghiệm, đồng thời có giải pháp bố trí nguồn lực để phấn đấu thông toàn tuyến đường trong năm 2025…
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đường Hồ Chí Minh có vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng. Ba nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã ban hành 2 Nghị quyết liên quan đến dự án này, Chính phủ cũng “hết sức tập trung dể bố trí vốn và triển khai thực hiện”, các bộ ngành cũng tích cực, quyết liệt triển khai.
Trong đó, giai đoạn 2000- 2010, tiến độ dự án rất tốt. Nhưng giai đoạn 2011-2015 đang bố trí nguồn lực lớn thì xảy ra khủng khoảng kinh tế, theo đó dự án đã được dừng lại để kiểm soát lạm phát. Sau đó giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn lại tập trung cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông và các dự án khác, khiến dự án này chưa bố trí được vốn để làm. “Chúng ta không có đủ nguồn lực chứ tôi khẳng định Chính phủ, bộ ngành, các địa phương rất quan tâm đến dự án này” - ông nói và cho hay ngoài ra còn lý do khách quan khác là tuyến đường đi qua những địa hình, địa chất phức tạp khiến công tác thi công gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: QH |
Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng GTVT cho hay trách nhiệm chính thuộc về Bộ GTVT và một số bộ ngành liên quan trong công tác tham mưu cho Chính phủ, tham mưu cho Quốc hội để rà soát bố trí vốn; trách nhiệm của các địa phương; trách nhiệm giám sát của Quốc hội… “Chúng tôi khẳng định Bộ GTVT vẫn là cơ quan tham mưu chính nên chúng tôi phải chịu trách nhiệm” - ông Thể nói và khẳng định Chính phủ đã rút kinh nghiệm từ những bài học này cho những dự án trọng điểm quốc gia hiện nay và giai đoạn sắp tới.
“Các vị yên tâm, các cao tốc hiện nay thực hiện theo Luật đầu tư công, phải bố trí đủ nguồn lực, đủ vốn mới triển khai. Với sự quyết liệt của CP và địa phương, chúng tôi nghĩ giai đoạn hiện sắp tới, dự án đường Hồ Chí Minh nói riêng và các dự án nói chung sẽ thực hiện tốt” - ông nói.
Theo đó, ông cho biết hiện nay đã bố trí 4.450 tỷ để làm các đoạn Chợ Chu- ngã ba Trung Sơn; Rạch Sỏi- Bến Nhất - Gò Quao-Vĩnh Thuận. “Chúng tôi kiến nghị các địa phương cùng ngành giao thông quyết liệt triển khai để hoàn thành trước 2025. Địa phương giúp chúng tôi GPMB, thời gian ngắn và mặt bằng không xong thì chúng ta không làm được” - ông Thể nói.
Bộ trưởng Thể cũng nêu một số khó khăn của các tuyến hiện tại cần phải tập trung tháo gỡ sớm. Cụ thể, đoạn Rạch Sỏi- Bến Nhất - Gò Quao-Vĩnh Thuận đi qua vùng đất yếu, phải bố trí vốn sớm để làm.
Đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT lập hồ sơ ngay trong 2022, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư, trong đó có những nguồn có thể có được trong năm 2022 và giai đoạn sắp tới để đầu tư.
“Chúng tôi hy vọng 2023 có điều kiện chúng ta khởi công luôn, không phải hai làn xe mà khởi công đường cao tốc để dự án bền vững, bảo đảm quy hoạch phát triển đường cao tốc” - ông Thể nói.
Bộ trưởng GTVT cũng cho rằng đã đến lúc nghiên cứu đầu tư đường Hồ Chí Minh theo đúng quy hoạch. Theo đó, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ dự kiến xây dựng 1 kế hoạch để trong giai đoạn 2026-2030 cố gắng tập trung nguồn lực cho đường HCM...
“Đặc biệt chúng tôi tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, sẽ quan tâm đặc biệt đến những con đường ngang kết nối với đường cao tốc, kết nối với đường Hồ Chí Mính với những đường bộ khác để phát huy đồng bộ” - ông Thể nhán mạnh và đề nghị các bộ, ngành địa phương tập trung triển khai các đoạn đường nêu trên.