Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ra nghị quyết về một số nhiệm vụ và giải pháp đối với các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo đó, nhận định chủ trương huy động nguồn lực xã hội, trong đó có hình thức hợp đồng BOT là đúng đắn, giúp giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quá trình triển khai thực hiện các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT còn tồn tại nhiều hạn chế cần được khắc phục. Cụ thể, văn bản quy phạm pháp luật chưa được ban hành kịp thời, đầy đủ, đồng bộ. Bên cạnh đó tính pháp lý chưa cao, văn bản có hiệu lực pháp luật cao nhất mới chỉ là nghị định. Đặc biệt một số quy định chưa rõ ràng, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Việc lựa chọn dự án đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư chưa hợp lý. Đa số các dự án tập trung trong lĩnh vực đường bộ theo phương thức cải tạo, nâng cấp tuyến đường độc đạo hiện hữu nên chưa bảo đảm quyền lựa chọn của người tham gia giao thông.
Quá trình triển khai các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT còn tồn tại nhiều hạn chế cần được khắc phục. Ảnh minh họa: HD
Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn bất cập, thiếu minh bạch, công tác thiết kế, dự toán còn sai sót và chưa chặt chẽ làm tăng giá trị dự toán công trình. Hầu hết các dự án đều chỉ định thầu nhưng nhiều nhà đầu tư, nhà thầu nguồn lực hạn chế dẫn đến công trình thất thoát và giảm hiệu quả đầu tư.
Các quy định của pháp luật và thực tế triển khai về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ, vị trí đặt trạm thu phí còn chưa hợp lý dẫn đến việc một số dự án gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nguyên nhân các hạn chế, yếu kém do công tác kiểm tra, thanh tra chưa thường xuyên, chưa kịp thời, chế tài xử lý các vi phạm chưa nghiêm. Trong khi Chính phủ và các cơ quan chức năng chưa chủ động tổng kết, đánh giá và kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nhưng đã cho phép triển khai đầu tư nhiều dự án giao thông theo hình thức này.
Bộ GTVT chịu trách nhiệm chính đối với những hạn chế, vi phạm của các dự án do Bộ quyết định đầu tư. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc ban hành thông tư hướng dẫn việc thu phí (giá thu phí, thỏa thuận vị trí đặt trạm và quy trình giám sát thu phí) chưa hợp lý.
Để khắc phục những hạn chế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung tổng kết việc triển khai thực hiện các mô hình đầu tư theo hình thức ppp.
Triển khai các phương án xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm. Tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2018.
Chỉ đạo Bộ GTVT và các cơ quan liên quan quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ trong phạm vi cả nước. Lựa chọn đầu tư các dự án giao thông theo thứ tự ưu tiên phù hợp với từng hình thức đầu tư dựa trên lợi thế, đặc điểm của từng vùng...
Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.
Việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa chỉ định thầu. Quy định và thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch các thông tin về dự án để thuận tiện cho người dân giám sát.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu có giải pháp huy động vốn nước ngoài, sớm quyết toán các dự án đã hoàn thành, hoàn thiện rà soát vị trí đặt trạm, có chính sách miễn, giảm giá tại các trạm, từ năm 2019 triển khai đồng bộ giá dịch vụ không dừng trên tất cả dự án BOT.