Bộ GTVT rà soát giảm phí 54 trạm BOT

Trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam, khẳng định trong tổng số 54 dự án BOT, đơn vị đã thực hiện rà soát hơn 10 trạm, Bộ GTVT rà soát được 5-6 trạm. Đối với các dự án còn lại, theo ông Huyện đơn vị đang đàm phán với nhà đầu tư với mục tiêu báo cáo Bộ GTVT trước 30-10.

"Các dự án được rà soát trên tinh thần giảm phí, nhất là người dân xung quanh khu vực trạm thu phí. Tuy nhiên, cũng có những dự án sau khi rà soát lưu lượng xe qua lại trạm quá thấp nên đơn vị chưa thể thực hiện giảm phí hoặc giảm ít...", ông Huyện nói.

Tài xế trả tiền lẻ trên quốc lộ 5 (Hưng Yên), nhằm phản đối mức phí cao. Ảnh: V.L

Theo Tổng Cục đường bộ Việt Nam, mức giảm cho các trạm ở mức từ 5-25%, tùy thuộc vào kết quả rà soát và đàm phán. "Để có mức giảm trên chúng tôi đã rất cố gắng trong quá trình đàm phán nhằm mang tới mục tiêu là hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư", ông Huyện nhấn mạnh và cho rằng nếu sau này lưu lượng xe qua lại trạm tăng thì Tổng Cục đường bộ sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT xem xét tiếp mức phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Theo Bộ GTVT, đến 31-7, Bộ GTVT đã xử lý bất cập về giá của bốn dự án với năm trạm. Cụ thể, dự án xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn từ quốc lộ 2 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng quốc lộ 32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà; Dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 1A đoạn tránh TP Hà Tĩnh, trạm Cầu Rác; Dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn Nam Bến Thuỷ đến tuyến tránh Hà Tĩnh.

 Chính thức giảm phí tại trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ 

Ngày 22-9, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT đã làm việc với chủ đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ về mức phí trên tuyến đường này.

Theo đó, hai bên đã thống nhất giảm phí 25% áp dụng cho tất cả xe đi tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ. Cụ thể, xe dưới chín chỗ đi hết tuyến dài 28 km được giảm từ 45.000 đồng/lượt còn 35.000 đồng/lượt. Thời gian giảm phí bắt đầu từ ngày 15-10. Việc giảm phí tuyến trên không tăng thời gian thu phí mà giữ nguyên.

Nguyên nhân giảm mức phí trên được Tổng cục Đường bộ đưa ra là do quá trình kiểm tra, đơn vị nhận thấy lưu lượng xe tại trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ tăng, doanh thu cao.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị Bộ GTVT giao các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT điều chỉnh phương án tài chính, điều chỉnh hợp đồng dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ cho phù hợp. 

Theo phương án Tổng cục Đường bộ Việt Nam trình Bộ GTVT, đến năm 2021 sẽ bắt đầu tăng giá vé trở lại với mức tăng 18% và sau đó ba năm tăng một lần, mỗi lần tăng 18%.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm