Cử tri tỉnh Đồng Nai và một số địa phương vừa qua đề nghị Bộ GTVT sớm bố trí nguồn lực để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường cao tốc, đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện di chuyển. Bởi lẽ hiện một số đoạn cao tốc chỉ có hai làn xe, không có làn dừng khẩn cấp mà chỉ có điểm dừng khẩn cấp, thiếu an toàn.
Trả lời về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có đường bộ cao tốc là rất lớn. Trong khi đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước lại hạn hẹp, nên buộc phải phân kỳ đầu tư. Đây cũng là kinh nghiệm của một số nước, qua đó vừa bảo đảm phù hợp quy hoạch, tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải giai đoạn trước mắt, vừa bảo đảm khả năng cân đối vốn và để sớm triển khai xây dựng được nhiều tuyến cao tốc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế việc phân kỳ đầu tư cao tốc hai làn xe vừa qua được áp dụng với một số tuyến có nhu cầu vận tải trong thời gian đầu chưa cao. Còn với các tuyến có nhu cầu vận tải cao như tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Dầu Giây - Phan Thiết, cầu Mỹ Thuận 2... đã được đầu tư ngay từ đầu theo quy mô hoàn chỉnh.
Bộ GTVT khẳng định các tuyến cao tốc được đưa vào khai thác trong thời gian qua đều đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu vận tải, phát huy hiệu quả rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết ùn tắc tại các đô thị lớn và góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, việc vận hành các tuyến cao tốc có quy mô phân kỳ đầu tư hai làn còn một số hạn chế. Chẳng hạn không bố trí dải phân cách giữa nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Với đường bốn làn xe với dải dừng xe khẩn cấp không liên tục có nguy cơ gây ùn tắc trong trường hợp xảy ra sự cố nếu không xử lý kịp thời. Tốc độ khai thác chưa cao.
Để khắc phục hạn chế trong vận hành, khai thác đường bộ cao tốc có quy mô hai làn xe, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án cao tốc rà soát, báo cáo phương án triển khai đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư để Bộ GTVT tổng hợp đề xuất, báo cáo Thủ tướng.
Thêm vào đó, Bộ GTVT cũng đang tiến hành xây dựng và sẽ ban hành Quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc trong quý I năm 2024. Theo đó sẽ quy định về quy mô đầu tư giai đoạn phân kỳ cần đáp ứng tối thiểu 4 làn xe hoàn chỉnh, bố trí đầy đủ làn dừng xe khẩn cấp và đầu tư đồng bộ các công trình phục vụ khai thác như hệ thống giám sát, điều hành giao thông, trạm dừng nghỉ... bảo đảm thuận lợi, an toàn, nâng cao tốc độ trong quá trình vận hành, khai thác.
Đối với các dự án cao tốc hai làn xe đã xây dựng, Bộ GTVT sẽ đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư mở rộng một số tuyến lên 4 làn xe và từ 4 làn xe lên 6 làn xe.
Ngoài ra, tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào tháng 5 tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Luật Đường bộ, trong đó có cơ chế cho phép mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường bộ cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT. Mục đích để huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông...