Bỏ hộ khẩu để đảm bảo quyền tự do cư trú

Quốc hội (QH) đang xem xét thông qua Luật Cư trú sửa đổi, trong đó có việc bỏ các điều kiện riêng để đăng ký thường trú vào TP trực thuộc trung ương (bỏ thời hạn tạm trú), đồng thời xem xét bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Xung quanh dự luật trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (ảnh, Đoàn đại biểu QH TP.HCM) nói: Vấn đề không phải chỉ là bỏ cái này, thay cái kia mà vấn đề là thay đổi cách thức quản lý, đồng thời có cách phát triển đồng đều giữa các địa phương vì cực chẳng đã người ta mới tha phương cầu thực...

Bài toán khó

. Phóng viên: QH đang xem xét dự luật cư trú sửa đổi, có nêu việc bỏ hộ khẩu, điều kiện riêng để đăng ký thường trú vào TP trực thuộc trung ương... vậy Nhà nước sẽ quản lý nhân khẩu thế nào, thưa ông?

+ Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Mục tiêu sửa đổi luật lần này phải nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội để cho các địa phương phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn cho quốc gia.

Vì vậy, vấn đề không phải chỉ là bỏ cái này, thay cái kia mà vấn đề là thay đổi cách thức quản lý.

Bỏ hộ khẩu, bỏ các điều kiện riêng nhưng phải đảm bảo lợi ích người dân sở tại ở các đô thị lớn lẫn người dân từ nơi khác đến có nhu cầu sinh sống, làm việc hay du lịch ở các đô thị đó phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Theo hiến pháp, công dân có quyền sinh sống ở bất cứ địa phương nào. Kinh nghiệm ở các đô thị lớn trên thế giới, người ta không quản lý bằng hộ khẩu nhưng không phải ai muốn vào đó sống thế nào cũng được, bởi vì có những quy định như về an ninh trật tự, an toàn xã hội mà ai đến đó cũng phải tuân theo.

Có một nguyên tắc phổ biến được ghi vào pháp luật của Việt Nam và thế giới: Mỗi người có quyền thụ hưởng quyền lợi của mình nhưng không được ảnh hưởng đến quyền lợi người khác và xã hội.

Tại sao khi đi du lịch đến những quốc gia khác, họ phải xét cấp thị thực? Đó là để quản lý việc cư trú, di trú, không để phát sinh những rối loạn xã hội, không làm thiệt hại cho ngân sách. Đến nước khác phải có người mời, bảo lãnh hoặc chứng minh tài chính và mua bảo hiểm là để nếu có tai nạn, bệnh tật thì không trở thành gánh nặng cho xã hội (public charge), thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

. Nếu không có “rào cản” về hộ khẩu, liệu các đô thị lớn có chịu nổi sức ép dân số và các vấn đề liên quan khác?

+ Có một quy luật chung ở nhiều nước, kể cả nước phát triển, là những người nghèo, thất nghiệp ở các vùng nông thôn, miền núi thường vào các đô thị lớn để kiếm sống. Từ đó xảy ra các vấn nạn như không nhà cửa, lấn chiếm lòng lề đường, ngủ nghê, tắm giặt, phóng uế ở những nơi công cộng hoặc sinh ra các khu nhà ổ chuột, rồi đi ăn xin, bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch.

Khi cuộc sống khốn khó, họ dễ bị lôi kéo vào con đường phạm pháp. Rồi khi bệnh tật hay tai nạn không có bảo hiểm, không được chăm sóc, chữa trị, chính quyền địa phương phải gánh.

Vấn nạn này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những cư dân sở tại, trong đó rất đông người đóng thuế có thu nhập trung bình hay thu nhập cao, thậm chí rất cao. Chưa kể ảnh hưởng đến nguồn thu về du lịch. Những vấn nạn trên đòi hỏi phải có giải pháp hợp lý, hài hòa, không thể thả nổi.

Việc bỏ hộ khẩu sẽ tạo công bằng hơn cho người lao động. Trong ảnh: Một gia đình công nhân thuê nhà ở tại quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thay đổi cách thức quản lý

. Kinh nghiệm quản lý cư trú, di trú ở các nước khác ra sao, thưa ông?

+ Ở các nước, họ không quản lý bằng hộ khẩu mà bằng nhiều cách như số an sinh xã hội, thẻ thuế, căn cước điện tử, hộ chiếu, bằng lái xe… tiện lợi hơn nhiều mà vẫn đảm bảo hết sức chặt chẽ.

Nhiều người Việt Nam có dịp sống hay học tập dài hạn ở các nước phát triển đều hết sức ấn tượng về cách quản lý của họ. Sau khi nhập cảnh hợp pháp, chúng ta có thể đi khắp nơi (ở EU có thể đi hơn 20 nước, ở Mỹ đi cả 50 tiểu bang), sinh hoạt tự do, hàng năm trời chẳng phải đăng ký tạm trú, cũng chẳng có viên cảnh sát nào xét giấy tờ, miễn anh không phạm pháp và còn trong hạn thị thực.

Ngược lại, họ quản lý an ninh trật tự rất chặt. Ở Manhattan (Mỹ), bán hàng rong ở lề đường, chèo kéo xin ăn ở công viên hay uống rượu, bia nơi công cộng có thể bị cảnh sát còng tay ngay lập tức.

Ở Berlin (đức), để khỏi vi phạm, người bán xúc xích rong phải đeo thùng xúc xích trên người, như một quầy hàng di động, không được đặt cái thùng xuống đất khi bán hàng và tất nhiên phải đeo cả túi đựng rác trên người.

. Vậy ông có ủng hộ bỏ hộ khẩu ở nước ta?

+ Hiện nay, người không có hộ khẩu ở TP.HCM hầu như không gặp khó khăn trong việc cư trú, sinh sống nếu anh có chỗ ở hợp pháp, ổn định.

Tôi ủng hộ bỏ hộ khẩu ở nước ta vì nó vẫn còn gây ra nhiều phiền toái, hạn chế quyền công dân, nhất là đối với lao động nghèo nhập cư.

Điều băn khoăn là làm sao thay hộ khẩu bằng phương thức quản lý hợp lý hơn, tiện lợi hơn cho người dân đi lại, sinh sống, học tập nhưng đồng thời phải có biện pháp không để gia tăng di dân và cư trú tự phát, kéo theo nhiều hệ lụy, khiến người sở tại không yên mà người nhập cư cũng không ổn.

Nói đi phải nói lại là một số địa phương đã buông lỏng hoặc thiếu trách nhiệm trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Điều này khiến người dân phải lang thang, kiếm sống ở nơi khác, bỏ bê con cái, gia đình ly tán. Tôi cho rằng nhiều người dân nông thôn, miền núi, hải đảo không muốn gì hơn là có thu nhập đủ sống để ở lại quê hương, thôn bản, trong gia đình, cộng đồng của mình, sống theo văn hóa, phong tục, tập quán của mình.

Cực chẳng đã người ta mới tha phương cầu thực. Đối với những người này, được sống tử tế tại quê nhà, chứ không phải được dễ dàng cư trú tại Hà Nội, TP.HCM hay các đô thị lớn mới là nhu cầu thực sự.

. Xin cám ơn ông.

23% dân số các TP lớn không đăng ký thường trú

Theo Bộ Công an, hiện số hộ, nhân khẩu đăng ký thường trú tại năm TP lớn là hơn 4,7 triệu hộ với hơn 18 triệu nhân khẩu.

Tổng số hộ đăng ký tạm trú tại năm TP là gần 1,5 triệu hộ với hơn 5,2 triệu nhân khẩu (chiếm tỉ lệ 22,375%/tổng số người đang tạm trú, thường trú).

Ngoài những người đăng ký thường trú, tạm trú còn có hơn 100.000 người không đăng ký thường trú, tạm trú nhưng thường xuyên sinh sống tại các TP trực thuộc trung ương, cụ thể: Hà Nội có hơn 56.000 người, Hải Phòng hơn 6.000 người, Đà Nẵng hơn 23.000 người, TP.HCM hơn 14.000 người, Cần Thơ hơn 4.000 người.

Nếu tính số người đăng ký tạm trú và không đăng ký thường trú, tạm trú nhưng thường xuyên sinh sống tại năm TP trực thuộc trung ương là gần 23% dân số tại các TP này và hầu hết họ là những người có thời gian học tập, lao động, cống hiến lâu dài tại năm TP trên.

Công an đã cung cấp số liệu về nhân, hộ khẩu giúp và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành có liên quan xây dựng các kế hoạch, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các chủ trương khác để đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội... 

Bỏ hộ khẩu sẽ tạo công bằng hơn cho người lao động

Bỏ hộ khẩu để đảm bảo quyền tự do cư trú ảnh 3
 

Về góc độ người lao động (NLĐ), tôi ủng hộ đề xuất của Chính phủ. Bởi xu hướng của NLĐ là đi đến những đô thị có thị trường lao động và điều kiện tốt. Đời sống của NLĐ có tốt thì người ta mới tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đó tốt hơn.

Nếu như những điều kiện riêng về đăng ký thường trú vào TP trực thuộc trung ương được loại bỏ thì những điều kiện con cái học hành, an cư lạc nghiệp... được mở rộng hơn và cơ hội để NLĐ đóng góp cho địa phương đó tốt hơn. Về mặt tâm lý, NLĐ cũng sẽ có năng suất lao động tốt hơn rất nhiều.

Khi những điều kiện riêng về đăng ký thường trú vào TP lớn được loại bỏ thì cơ hội của NLĐ được tham gia vào tất cả loại hình thị trường lao động sẽ là cơ hội công bằng như nhau. Ví dụ như một đoàn thể ở cấp TP.HCM thì người ta sẽ có xu hướng lựa chọn những bạn hoặc những cá nhân nào có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tổ chức công đoàn, sẽ lựa chọn cán bộ công đoàn từ cơ sở là các doanh nghiệp đi lên. Nhưng nếu như yêu cầu phải là hộ khẩu ở TP.HCM mới được là công chức của TP.HCM thì cơ hội để có cán bộ giỏi từ cơ sở tổ chức công đoàn sẽ bị thiệt thòi và chính NLĐ đó lại không tham gia đóng góp được.

Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Chính phủ về bỏ sổ hộ khẩu vì nó ràng buộc rất nhiều về mặt tâm lý, điều kiện và nó cũng rất địa phương chủ nghĩa đối với một số loại hình công việc nhất định. Hiến pháp cũng đã quy định người dân Việt Nam có quyền sinh sống, lao động, học tập ở bất cứ nơi 
nào trên đất nước Việt Nam mà người đó mong muốn.

Đại biểu TRẦN THỊ DIỆU THÚY, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM

Chú trọng phát triển các đô thị vệ tinh

Bỏ hộ khẩu để đảm bảo quyền tự do cư trú ảnh 4
 

Tôi đồng thuận với đề nghị của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về sự cần thiết sửa đổi Luật Cư trú.

Tuy nhiên, tôi đề nghị tiếp tục đánh giá tác động toàn diện trên các lĩnh vực, các cấp, các ngành, chuyên gia, nhất là chính quyền địa phương và đối tượng chịu sự  tác động một cách đầy đủ. Đồng thời 
quan tâm đến điều kiện, năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, chuyên ngành, công cụ quản lý thay thế ứng phó với thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động ngành nghề, dân nhập cư... Cạnh đó, việc tìm ra các giải pháp về quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh, phát triển kinh tế-xã hội là vô cùng bách thiết. Quan trọng nhất là phải có lộ trình thực hiện, điều kiện đảm bảo các yêu cầu về hạ tầng kinh tế-xã hội, an ninh trật tự.

Đối với TP Cần Thơ, một trong những TP trực thuộc trung ương, nếu bãi bỏ các điều kiện như trên thì điều tôi lo lắng nhất là việc đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, năng lực quản lý ở cộng đồng dân cư…

Ông NGUYỄN THANH XUÂN, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội
TP Cần Thơ

VIỆT HOA - HẢI DƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm