Chiều 22-4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 7 chương, 41 điều, có nhiều nội dung mới. Đáng chú ý, dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: quochoi.vn
Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan.
“Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân” - Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Như vậy, dự thảo đã bỏ các quy định về sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu…
Cạnh đó, trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Theo ông Tô Lâm, việc thay đổi phương thức quản lý cư trú mới dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.
Đáng chú ý, về điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương, Luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương so với đăng ký thường trú vào tỉnh. Việc quy định riêng này nhằm hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Công an, thực tế những năm qua cho thấy quy định này không thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các thành phố lớn, trong đó có các thành phố trực thuộc trung ương vẫn rất cao.
“Nhiều người dân mặc dù không có hộ khẩu tại đây nhưng vẫn sinh sống, làm việc. Tuy nhiên, họ và gia đình gặp nhiều khó khăn trong học tập, lao động, hưởng các dịch vụ xã hội” - Bộ trưởng Công an nói đồng thời thừa nhận việc quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc trung ương đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
“Chính phủ đã thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương” - ông Tô Lâm nói và cho biết dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội được thể hiện theo định hướng này.
Theo đó, việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo luật quy định bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở thủ đô.
Xóa đăng ký thường trú nếu vắng mặt liên tục 12 tháng… Dự thảo luật bổ sung bốn trường hợp cần xóa đăng ký thường trú; trong đó còn trường hợp có ý kiến khác nhau là: “Công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú”. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc bổ sung quy định bốn trường hợp trên để nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân và hộ gia đình trong đăng ký, quản lý cư trú, bảo đảm thực hiện nghiêm pháp luật về cư trú của công dân. Đồng thời, hạn chế tác động đến quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên khác trong hộ gia đình có người đi khỏi nơi thường trú lâu ngày không rõ lý do và không rõ hiện nay đang sinh sống ở đâu. Việc này còn giúp hạn chế tình trạng cư trú “ảo” (công dân có đăng ký nơi thường trú nhưng thực tế không sinh sống tại đó và cũng không thông báo cho cơ quan quản lý cư trú) Quy định này cũng giúp cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nắm bắt tình hình cư trú của dân cư trên địa bàn quản lý được chính xác, chặt chẽ hơn. “Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với người không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo, nếu công dân có khai báo thì sẽ không bị xóa đăng ký thường trú” - ông Tô Lâm nói. |