Chiều 22-4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).
Sẽ bỏ sổ hộ khẩu
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) gồm bảy chương, 41 điều, có nhiều nội dung mới. Đáng chú ý, dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú (bằng giấy) sẽ chuyển qua quản lý bằng dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan.
“Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân” - Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Như vậy, dự thảo đã bỏ các quy định về sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu…
Theo ông Tô Lâm, về điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương, Luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương có phần khác so với đăng ký thường trú vào tỉnh. Việc quy định riêng này nhằm hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn.
Tuy nhiên, theo ông Tô Lâm, thực tế những năm qua cho thấy quy định này không thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các thành phố lớn, trong đó có các thành phố trực thuộc trung ương vẫn rất cao.
“Nhiều người dân mặc dù không có hộ khẩu tại các TP, đô thị lớn nhưng vẫn sinh sống, làm việc tại đây. Tuy nhiên, họ và gia đình gặp nhiều khó khăn trong học tập, lao động, hưởng các dịch vụ xã hội” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp. Ảnh: VGP
Chờ qua dịch
Trong phần báo cáo thẩm tra, do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ hồ sơ dự án luật (mà Bộ trưởng Tô Lâm vừa trình ở trên) được gửi đến cơ quan thẩm tra còn chậm, chưa đúng thời hạn theo quy định. Bên cạnh đó, một số tài liệu trong hồ sơ chưa bao quát đầy đủ nội dung theo yêu cầu sửa đổi luật.
Đặc biệt, báo cáo tổng kết thi hành Luật Cư trú (năm 2013) chưa tổng kết thực tiễn thi hành trong thời gian qua. Từ đó, một số vấn đề lớn được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật như về điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc trung ương, quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú, về công tác quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú... chưa được đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện.
Về thời điểm trình QH thì nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng do hồ sơ dự án luật còn một số nội dung quan trọng cần được bổ sung hoàn thiện. Việc triển khai thi hành luật (sửa đổi, nếu được trình, thông qua) phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo kế hoạch là năm 2021), đồng thời việc cấp số định danh cá nhân cho tất cả công dân Việt Nam cũng khó có thể hoàn thành sớm. Từ đó, chưa nhất thiết phải trình QH thông qua dự án luật này ngay trong năm 2020.
Hơn nữa, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chương trình kỳ họp thứ 9 của QH có thể phải rút ngắn hơn so với kế hoạch dự kiến. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ họp thứ 11.
Không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của dân
Ngay trong chiều 22-4, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực QH Tòng Thị Phóng cho rằng hiện nay dòng dịch chuyển lao động, cư trú của chúng ta trong thời kỳ mới đã khác trước rất nhiều, tình trạng di cư lao động diễn ra phổ biến, lao động nông thôn dịch chuyển về đô thị… Do vậy, cần phải có phương thức quản lý mới kịp thời về cư trú.
Xét tình hình thực tế, năng lực quản lý của các địa phương, Phó Chủ tịch thường trực QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh các nội dung của Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ liên quan đến hàng chục luật khác, do vậy cần tiếp tục rà soát thật kỹ các nội dung trong dự án luật để đảm bảo tính đồng bộ.
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng dự án Luật Cư trú (sửa đổi) liên quan đến nhiều bộ luật, luật khác, cả về dân sự, kinh tế, hình sự, hành chính…, nhất là liên quan đến các thủ tục về sổ hộ khẩu nên cần cân nhắc kỹ lưỡng để không phát sinh vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng tính sống còn của dự án luật này liên quan đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân. Nhưng hiện có nhiều số định danh cá nhân chưa được cấp, cơ sở dữ liệu quốc gia chưa hoàn thành. Từ đó, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh chỉ khi chúng ta hoàn thành hai vấn đề này thì dự án luật mới có thể có hiệu lực.
Chủ tịch Quốc hội: Dân nghèo khổ với hộ khẩu Tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự ủng hộ trình dự án luật này tại kỳ họp thứ 9 để các đại biểu QH cho ý kiến. Chủ tịch QH cho rằng người dân của nước ta trước nay đã khổ sở với sổ hộ khẩu rất nhiều. Người nghèo tha hương lên thành phố nhưng con em không đi học được vì không có hộ khẩu. Theo Chủ tịch QH, việc quản lý theo mã số định danh sẽ giúp biết người dân đi đến đâu nhanh chóng, dễ theo dõi cho các cơ quan chức năng. Việc bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu để thay thế bằng quản lý theo mã số định danh cá nhân, cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú là phương thức tiến bộ, mà từ lâu nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng. Chủ tịch QH cho rằng việc thay đổi như vậy sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời nâng cao hiệu lực, năng lực quản lý nhà nước về dân cư. |