Chiều 22-4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).
Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: quochoi.vn
Thẩm tra dự án luật này, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nêu hàng loạt băn khoăn từ phía cơ quan thẩm tra.
Theo ông Tùng, sau hơn bốn năm thực hiện, đến nay mới có hơn 16 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân thông qua công tác cấp căn cước công dân. “Đề nghị cơ quan trình làm rõ tính khả thi của việc cấp số định danh cá nhân cho hơn 80 triệu công dân còn lại trong khoảng thời gian từ nay đến khi Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực là năm 2021” - ông Tùng nói.
Cơ quan thẩm tra cũng băn khoăn là theo Luật Căn cước công dân, chậm nhất từ ngày 1-1-2020 phải thực hiện thống nhất công tác quản lý công dân thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, đến nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và đã chậm tiến độ so với yêu cầu của luật.
Kế đến là khi bỏ sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở…) cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân (về hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng…).
Theo ông Tùng, qua rà soát sơ bộ, có 27 thủ tục hành chính trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá rõ hơn tác động đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính này cũng như giải pháp thay thế khi không còn sổ hộ khẩu để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước. Đồng thời, làm rõ lộ trình sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Mặt khác, trong quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân hiện nay, sổ hộ khẩu là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch dân sự như mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại... nhằm xác thực thông tin về nhân thân và nơi cư trú của bên sử dụng dịch vụ.
“Khi không còn sổ hộ khẩu sẽ dẫn đến khó khăn cho việc thực hiện các giao dịch này vì các bên không thể tự mình truy cập cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết” - ông Tùng nói và đề nghị nghiên cứu bổ sung trong dự thảo luật các quy định về tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú trong các cơ sở dữ liệu điện tử.