Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin chi tiết dự án Công ty Việt Á tham gia

Cổng thông tin điện tử Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hôm 24-12 lần đầu tiên thông tin chi tiết cùng một số tài liệu đính kém về nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia “nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng vi rút corona mới 2019 (2019-nCoV)”.

Bản tin được phát một tuần sau khi Bộ KH&CN rút bản tin đưa thông tin sai lệch về việc sản phẩm của đề tài khoa học này, bộ sinh phẩm RT-PCR, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận.

Bộ KH&CN phát thông tin chi tiết về công trình khoa học cấp quốc gia có liên quan đến Công ty CP Công nghệ Việt Á. 

Học viện Quân y chủ trì, Việt Á chỉ tham gia

Theo tin phát mới nhất này, tổng kinh phí cho nhiệm vụ này là 18,98 tỷ đồng hoàn toàn từ ngân sách. Chủ trì thực hiện nhiệm vụ là Học viện Quân y, trong đó chủ nhiệm là PGS Hồ Anh Sơn – Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự (Học viện Quân y).

17 thành viên tham gia nhiệm vụ gồm 13 nguời đến từ Học viện Quân y, 4 người đến từ Công ty CP Công nghệ Việt Á, trong đó có Tổng Giám đốc Phan Quốc Việt.

Bộ KH&CN cho biết hợp đồng triển khai nhiệm vụ KH&CN này được ký kết với thời gian thực hiện từ tháng 2-2020 đến tháng 7-2021. Thời gian thực hiện thực tế là đến tháng 10-2021, theo quyết định điều chỉnh do Bộ trưởng KH&CN ký tháng 6-2021.

Bản tin cho hay tháng 12 này, Bộ KH&CN dự kiến tổ chức đánh giá, nghiệm thu, tuy nhiên chưa có thông tin nào về việc này đã được tiến hành hay chưa.

Tự chấm điểm kết quả đề tài

Về phần đơn vị chủ trì đề tài là Học viện Quân y đã có báo cáo tự đánh giá. Theo đó, sản phẩm dạng 1 được mô tả như là kết quả của công trình nghiên cứu gồm:

(1) Bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc chủng 2019-nCoV: >1.000 test RT-PCR, có khả năng nhận dạng được chủng coronavirus, trong đó có SARS-CoV-2, độ ổn định >3 tháng;

(2) Bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV: ≥19.000 test real-time RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 có độ nhạy < 5 copies /phản ứng, độ đặc hiệu 100 %.

Cả hai sản phẩm này được Học viện Quân y tự đánh giá ở mức đạt, với cả ba tiêu chí số lượng, khối lượng, chất lượng. Đây là mức giữa của ba mức đánh giá xuất sắc, đạt, không đạt.

Sản phẩm dạng 2 của nhiệm vụ này là:

(1) Báo cáo đánh giá độ nhạy, độ đặc hiệu của các bộ sinh phẩm sàng lọc, phát hiện chủng 2019-nCoV.

(2) Quy trình chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc và real-time RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV.

(3) Hướng dẫn sử dụng và tiêu chuẩn cơ sở của bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc và real-time RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV.

Cả ba được đơn vị chủ trì nhiệm vụ tự đánh giá ở mức độ đạt.

Sản phẩm dạng 3 là 06 bài báo khoa học đã đăng trên tạp chí chuyên ngành có uy tín, trong đó có 01 bài báo Quốc tế Journal of Medical Virology, ISI (IF=2.021), 01 bài báo tiếng Anh (Asian Citation index, chấp nhận đăng), đăng ký 1-2 bài báo khoa học được chấp nhận đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước, có phản biện. Kết quả này, Học viện Quân y tự đánh giá là xuất sắc. Ngoài ra tự đánh giá là đạt với sản phẩm tham gia đào tạo thạc sĩ.

Về danh mục sản phẩn khoa học ứng dụng, chuyển giao, báo cáo tự đánh giá của Học viện Quân y cho biết bộ sinh phẩm xét nghiệm real-time RT-PCR đã được đưa vào ứng dụng ở Học viện Quân y và các đơn vị xét nghiệm trên toàn quốc, phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ 3-2020 đến nay. Còn bộ sinh phẩm RT-PCR để sàng lọc virus thì đã được triển khai ở Học viện Quân y.

Khẳng định kít Việt Á đã được Anh cấp chứng nhận tiêu chuẩn CE

Báo cáo của Học viện Quân y gửi Bộ KH&CN đánh giá công trình nghiên cứu này có tính mới về khoa học. Theo đó 2 bộ sinh phẩm có hàm lượng khoa học cao và có tính ứng dụng thực tiễn.

Minh chứng là cả hai đã được Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành bằng các quyết định ngày 4-3 và 4-12-2020; Viện Vệ sinh dịch tễ đã chứng nhận kiểm nghiệm ngày 18-8-2020; Bộ trưởng Y tế đã cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do ngày 20-4-2020, như một điều kiện để đi ra thị trường quốc tế.

Ngoài ra, cũng theo Học viện Quân y, kít xét nghiệm RT-PCR của công trình nghiên cứu, ứng dụng này đã được Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CE).

Sản phẩm của đề tài là bộ sinh phẩm đã được tối ưu hóa các thành phần, đóng gói thành kít dưới dạng “super mix”, sẵn sàng sử dụng, thuận tiện cho các cơ sở xét nghiệm.

Về hiệu quả của công trình khoa học này, báo cáo tự đánh giá của Học viện Quân y cho biết đề tài được triển khai vào lúc dịch COVID-19 có nguy cơ tràn vào Việt Nam, có thể bùng phát phức tạp nhưng Việt Nam mới chỉ được WHO hỗ trợ 50 bộ kít xét nghiệm. Kít nhập khẩu thì khan hiếm, trong khi một số loại cần nhiều thao tác khi xét nghiệm, dẫn tới khả năng sai sót. Bộ sinh phẩm “Made in Vietnam” giúp chẩn đoán nhanh, chính xác khi đi vào ứng dụng đã sát với nhu cầu thực tiễn, tạo sự yên tâm rất lớn cho lực lượng y tế.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của đề tài còn là cơ sở khoa học cho các nghiên cứu về sau về dữ liệu đặc điểm di truyền phân tử, sự tiến hóa của chủng SARS-CoV-2, phục vụ cho các nghiên cứu chế tạo vaccine, thuốc kháng virus trong đó có ứng viên vaccine Nano Covax hiện đang ở những bước cuối cùng xem xét đăng ký lưu hành.

Học viện Quân y cũng cho biết đến thời điểm làm báo cáo tự đánh giá, đã có 3 triệu kít xét nghiệm RT-PCR được sản xuất, phục vụ xét nghiệm sàng lọc tại 163 trung tâm, bệnh viện, cơ sở xét nghiệm trên cả nước. Ngoài ra, hơn 20 nước đã đàm phán mua bộ sinh phẩm này và đã xuất khẩu trên 500.000 kít.

Một cách tổng quát, Học viện Quân y tự đánh giá đã hoàn thành tiến độ thực hiện nhiệm vụ KH&CN ở mức nộp hồ sơ đúng hạn; kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN ở mức đạt.

Chủ nhiệm đề tài Hồ Anh Sơn (Học viện Quân y) và thành viên tham gia Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á) tại buổi họp báo công bố kết quả nghiên cứu cùng sản pẩm ứng dụng là kít xét nghiệm RT-PCR. Ông Việt giờ là bị can trong vụ án Bộ Công an vừa khởi tố. Ảnh: VGP.

 

Chủ nhiệm đề tài “buồn và bức xúc”

Liên quan đến đề tài khoa học này, ngày 25-12, chủ nhiệm đề tài – PGS Hồ Anh Sơn đã trả lời phỏng vấn VnExpress, cho biết Việt Á tham gia đề tài là do Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN đề xuất. Lý do là đơn vị này đã được cấp chứng chỉ ISO 13485:2016 (tiêu chuẩn về hệ thống quản lý áp dụng trong lĩnh vực sản xuất – kinh doanh dụng cụ, vật tư y tế); có năng lực sản xuất kít xét nghiệm; trước đó đã có một số sản phẩm được Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành.

Về vụ án Việt Á, ông Sơn nói: “Tôi rất buồn và bức xúc. Tôi mong muốn cơ quan điều tra làm rõ sai phạm, đúng người, đúng việc, tránh để dư luận hiểu sai, ảnh hưởng đến uy tín của các nhà khoa học, những người ngày đêm theo đuổi để nghiên cứu thành công kit xét nghiệm. Những sai phạm mà cơ quan điều tra đề cập không liên quan quy trình nghiên cứu”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới