Đăng tin sai lệch về kit test Việt Á, cổng thông tin điện tử Bộ KHCN bị xử sao?

 Video: Đăng tin sai lệch về kit test Việt Á, cổng thông tin điện tử Bộ KHCN bị xử sao?
Những ngày qua, website của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã gỡ bỏ thông tin đăng từ ngày 26-4-2020 mang nội dung “bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận”.

Trước đó, từ thông cáo báo chí và thông tin chính thức trên cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN, hàng loạt cơ quan báo chí đã dẫn lại thông tin không đúng này. Và khi Bộ KH&CN gỡ tin, hàng loạt cơ quan báo chí cũng đã gỡ tin.

Trả lời báo chí, ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các khối ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ KH&CN, thừa nhận là do Bộ chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit của Công ty Việt Á.

Ông Hùng cho biết WHO mới chỉ chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng, không phải chấp thuận sử dụng và đây là sơ suất của Bộ KH&CN.

Vậy việc đăng thông tin không chính xác về bộ kit test của Công ty Việt Á vi phạm gì và sẽ bị xử lý ra sao?

Website của Bộ KH&CN đã xóa thông tin mang nội dung “bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á được WHO chấp thuận”.

Tùy động cơ và mức độ sai phạm

LS Phạm Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hoạt động của Cổng thông tin điện tử được điều chỉnh bởi Nghị định 43/2011 (quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước).

Khoản 3 Điều 4 Nghị đinh 43/2011 xác định “Thông tin đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước là thông tin chính thống của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng”.

Như vậy, cổng thông tin điện tử không phải là cơ quan báo chí, hoàn toàn khác với những tờ báo điện tử trực thuộc một cơ quan nào đó. Cổng thông tin điện tử không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Báo chí. Vì vậy, đây không phải là đăng tin sai mà hiểu chính xác phải là một phát ngôn sai hay cung cấp thông tin sai của một cơ quan Nhà nước.

Theo LS Tuấn Anh, để xác định được hình thức xử lý trước hết cần xác định động cơ, mục đích; tính chất, mức độ... của việc cung cấp thông tin sai này.

Thông tin này được đưa với tính chất hoạt động công vụ thuộc chức năng, lĩnh vực của Bộ KH&CN. Nếu do không kiểm tra kỹ mà đưa thông tin sai gây hậu quả thì có thể phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu cố ý để nhằm cấp phép sai, để tham ô thì tùy  động cơ, mục đích mà xử lý tội tương ứng. Còn trách nhiệm hành chính ở đây là trách nhiệm công vụ, không áp dụng xử phạt hành chính với tính chất của báo chí.

Người chịu trách nhiệm là cá nhân trực tiếp liên quan và Ban biên tập. Còn thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm với vai trò là người “trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, duy trì hoạt động và phát triển cổng thông tin điện tử; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Ban Biên tập trong việc bảo đảm cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến” theo Điều 30 Nghị định 43/2011.

Chưa có quy định xử phạt

Phân tích rõ hơn, ThS Nguyễn Nhật Khanh (Đại học Luật TP.HCM) cho rằng trước tiên cần phân biệt cổng thông tin điện tử với trang thông tin điện tử để có hướng xử lý phù hợp.

Theo Nghị định 43/2011 thì cổng thông tin điện tử của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cổng tích hợp thông tin của toàn ngành, lĩnh vực do cơ quan quản lý và được tích hợp thông tin dịch vụ công trực tuyến của tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Còn trang thông tin điện tử là trang thông tin hoặc một tập hợp trang thông tin trên môi trường mạng phục vụ cho việc cung cấp, trao đổi thông tin.

Căn cứ vào quy định nêu trên, website của Bộ KH&CN với tên miền http://www.most.gov.vn được xác định là cổng thông tin điện tử. Nội dung này cũng được thể hiện rõ ràng ở phần cuối của website này.

Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “đưa, cung cấp thông tin sai sự thật” chỉ được áp dụng đối với trang thông tin điện tử chứ không có quy định đối với cổng thông tin điện tử.

Cụ thể, hành vi đưa thông tin sai sự thật trên trang thông tin điện tử có thể bị phạt theo điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020. Còn hành vi cung cấp thông tin có nội dung sai sự thật trên trang thông tin điện tử tổng hợp có thể bị phạt theo điểm b khoản 4 Điều 20 Nghị định 119/2020.

Do vậy, nếu hành vi đăng tải nội dung thông tin có tiêu đề “Bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận” trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN có dấu hiệu của hành vi “đưa, cung cấp thông tin có nội dung sai sự thật” thì hiện nay chưa có quy định cụ thể để xử lý.

Chỉ có thể xử lý kỷ luật

Không thể xử phạt được hành vi đăng trên cổng thông tin điện tử vì hiện nay pháp luật không có quy định chế tài hành chính đối với hành vi này.

Riêng đối với hành vi gửi thông cáo báo chí thì đây là hệ quả kéo theo cái sai của việc đăng thông tin không chính xác. Hành vi này cũng không thể xử phạt được bởi nó bị loại trừ bởi quy định ngoại lệ ở khoản 4 Điều 1 Nghị định 81/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 97/2017) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, khoản 4 Điều 1 Nghị định 81/2013 quy định trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, chỉ có thể bị xử lý kỷ luật người vi phạm theo Nghị định 112/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. 

So sánh về tính chất cưỡng chế, nếu việc xử lý kỷ luật được áp dụng một cách nghiêm minh, khách quan, đúng người, đúng hành vi vi phạm thì tính chất cưỡng chế không hề thua kém so với xử phạt vi phạm hành chính.

Việc xử phạt vi phạm hành chính nếu có trong trường hợp này là xử phạt đối với tổ chức cho dù có mức phạt cao như thế nào thì cũng được lấy từ ngân sách để nộp phạt. Ngân sách suy cho cùng là từ tiền thuế của dân. Như vậy, vô hình trung người dân sẽ bỏ tiền một cách gián tiếp để chịu trách nhiệm cho sai phạm của các cơ quan nhà nước trong chế tài hành chính.

Ngược lại, đối với xử lý kỷ luật, nếu thực hiện nghiêm minh thì người nào vi phạm, người đó sẽ chịu trách nhiệm cá nhân và trực tiếp. Do đó, vẫn mong các cơ quan chức năng xử lý thỏa đáng, thấu tình đạt lý để khôi phục lại niềm tin của người dân, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khi đưa ra một thông tin. 

TS CAO VŨ MINH, giảng viên khoa Luật Hành chính Trường Đại học Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm