Uỷ ban Pháp luật của QH: 'Cần làm rõ trách nhiệm trong vụ giá kit test'

Sáng 21-12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 6 (đợt 2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội.

Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho hay phòng chống dịch COVID -19 tiếp tục là vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm.

Theo đó, cử tri kiến nghị Chính phủ có giải pháp về tăng cường nhân lực, vật tư và trang thiết bị y tế cho các địa phương, quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; tăng mức độ bao phủ tiêm chủng cho toàn dân để người dân được an tâm đi làm việc trở lại, các cháu học sinh được di học đến trường.

Trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình. Ảnh: quochoi.vn

Cử tri cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp các bộ, ngành chức năng liên quan ban hành quy định và hướng dẫn cụ thể hơn về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 khi học sinh trở lại trường. Cùng với đó, có kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức cho học sinh để đảm bảo chất lượng dạy và học.

Cử tri cũng kiến nghị cần đánh giá kết quả việc dạy và học trực tuyến để có kế hoạch, chương trình giảng dạy thích ứng, phù hợp và đạt kết quả cao trong thời gian tới.

Cũng theo Trưởng ban Dân nguyện, dịch COVID -19 bùng phát và kéo dài đã khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là người lao động có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo. Do vậy, cử tri kiến nghị Chính phủ sớm triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID -19.

Phát biểu sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị rà soát, tổng hợp thêm một số vấn đề cử tri rất quan tâm và bức xúc. Đầu tiên là việc hàng nghìn F0 ở TP. HCM điều trị tại nhà nhưng không được giải quyết chế độ BHXH, vì theo quy định phải có “giấy nghỉ ốm”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: quochoi.vn

“Trong bối cảnh dịch COVID -19, F0 cả phường, xã, cơ sở y tế đều biết thì có cần bắt buộc phải xin “giấy nghỉ ốm” nữa hay không? “- ông Tùng đặt vấn đề và đánh giá làm như vậy là máy móc, làm tăng khối lượng công việc cho cán bộ y tế vốn đang quá tải.

“Thay vào đó, cơ sở y tế phường có thể đóng dấu F0 thay vì giấy nghỉ ốm được không, như vậy đơn giản hơn rất nhiều”- ông Tùng nêu ý kiến và lưu ý không chỉ riêng ở TP.HCM, số lượng F0 điều trị ở nhà ở các tỉnh, thành khác cũng rất lớn.

Một vấn đề khác được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhắc đến là ở Bình Dương có tình trạng người lao động phải bỏ tiền túi nộp tiền xét nghiệm COVID-19, có người phải nộp 4,5 triệu đồng như báo chí phản ánh.

Hiện các cơ quan đã vào cuộc để làm rõ nhưng theo ông Tùng, đây cũng là vấn đề đông đảo cử tri quan tâm. “Tôi đề nghị phải thêm thông tin, đặc biệt công khai minh bạch kết quả giải quyết”- ông Tùng đề nghị.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cũng nhắc lại sự việc đang gây bức xúc dư luận là vụ “thổi giá” kit test xét nghiệm COVID -19 của Công ty Việt Á.

Ông Tùng cho rằng dư luận rất quan tâm đến chất lượng kit xét nghiệm. Ông dẫn lại thông tin các cơ quan báo chí đăng tải: Nơi sản xuất 30 nghìn bộ kit xét nghiệm/ngày của công ty này giống “nhà kho” của hợp tác xã và Tổ chức y tế thế giới (WHO) không công nhận chất lượng để có thể áp dụng chung nhưng theo chuẩn Việt Nam vẫn phù hợp.

“Cử tri rất quan tâm đến chất lượng thực tế của kit này như thế nào, thực sự có đáp ứng yêu cầu về chuyên môn hay không. Trong khi hiện cả nước đang sử dụng đại trà kit xét nghiệm của công ty này sản xuất”- ông Tùng nêu rõ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cũng cho hay cử tri, dư luận đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, kể cả một số bộ, đồng thời xử lý nghiêm minh, công khai kết quả.

Theo ông, rất nhiều địa phương, kết quả đấu thầu giá kit xét nghiệm của công ty Việt Á cũng rất cao, trên dưới 500 nghìn/kit. Trong khi tại thời điểm báo chí phản ánh “loạn giá kit xét nghiệm” đã đề cập đến việc nếu mua của nước ngoài số lượng lớn có khi chỉ 1-2 USD/kit xét nghiệm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị có báo cáo về giá kít test COVID-19

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trước kỳ họp Quốc hội bất thường tới đây không tổ chức tiếp xúc cử tri. Do vậy, ông đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận tổ quốc thông qua nhiều kênh để nắm bắt, theo dõi ý kiến cử tri, nhân dân cả nước về một số việc đang có tính chất nổi cộm hiện nay để tổng hợp báo cáo bằng văn bản gửi đến đại biểu Quốc hội trong kỳ họp.

Trong đó có một số vấn đề đang được cử tri và nhân cả nước quan tâm như công tác phòng chống bão lụt ở miền Trung; phòng chống tiêu cực liên quan đến giá kit test COVID -19…

“Như anh Tùng cũng đã nói vụ việc nổi lên là giá kit test COVID-19. Đây là những vấn đề được người dân quan tâm, nên chăng trong kỳ họp này cũng có báo cáo bằng văn bản trình bày trước Quốc hội”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm