Vụ giá kit test: Làm rõ trách nhiệm của các bộ liên quan

 Video: Vụ giá kit test: Làm rõ trách nhiệm của các bộ liên quan
Ngày 21-12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ sáu (đợt 2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 11 của Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhắc lại sự việc đang gây bức xúc dư luận là vụ “thổi giá” kit test xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.

Làm rõ trách nhiệm, kể cả các bộ, để xử lý nghiêm

Ông Tùng cho hay cử tri, dư luận đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, kể cả một số bộ, đồng thời xử lý nghiêm minh, công khai kết quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nhắc lại sự việc đang gây bức xúc dư luận là vụ “thổi giá” kit test xét nghiệm COVID -19 của Công ty Việt Á. Ông cho rằng dư luận rất quan tâm đến chất lượng kit xét nghiệm.

Ông dẫn lại thông tin các cơ quan báo chí đăng tải: Nơi sản xuất 30.000 bộ kit xét nghiệm/ngày của công ty này giống “nhà kho” của hợp tác xã và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không công nhận chất lượng để có thể áp dụng chung nhưng theo chuẩn Việt Nam vẫn phù hợp.

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC Hải Dương, người nhận gần 30 tỉ đồng tiền “lại quả” từ Công ty Việt Á.
Ảnh: CA

Chủ tịch Quốc hội đề nghị có báo cáo về giá kit test

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đã nói vụ việc nổi lên là giá kit test COVID-19. Đây là những vấn đề được người dân quan tâm, nên chăng trong kỳ họp này cũng có báo cáo bằng văn bản trình bày trước Quốc hội. 

“Cử tri rất quan tâm đến chất lượng thực tế của kit này như thế nào, thực sự có đáp ứng yêu cầu về chuyên môn hay không. Trong khi hiện cả nước đang sử dụng đại trà kit xét nghiệm của công ty này sản xuất” - ông Tùng nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho hay cử tri, dư luận đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, kể cả một số bộ, đồng thời xử lý nghiêm minh, công khai kết quả.

Theo ông, rất nhiều địa phương, kết quả đấu thầu giá kit xét nghiệm của Công ty Việt Á cũng rất cao, trên dưới 500.000 đồng/kit, trong khi tại thời điểm báo chí phản ánh “loạn giá kit xét nghiệm” đã đề cập đến việc nếu mua của nước ngoài số lượng lớn có khi chỉ 1-2 USD/kit xét nghiệm.

Công văn của Bộ Y tế

Đáng chú ý, theo tìm hiểu của PV, thời gian qua, Bộ Y tế thường xuyên cập nhật, gửi công văn tới Sở Y tế các địa phương, các bệnh viện… để thông báo danh sách sinh phẩm/trang thiết bị y tế xét nghiệm COVID-19 đã được cấp số đăng ký lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu.

Trong số này có Công văn 5583, ban hành ngày 13-7-2021, do ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, thừa lệnh bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành. Ông Tuấn chính là người bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả chức vụ trong Đảng vào hồi tháng 11-2021 vừa qua.

Trong công văn, Bộ Y tế cập nhật bộ kit của Công ty Việt Á (kèm theo thông tin về mức giá 470.000 đồng/test, số điện thoại của Vũ Đình Hiệp (hiện là bị can trong vụ án), tên đơn vị sản xuất…) để các sở Y tế và các bệnh viện liên hệ, có kế hoạch mua sắm phục vụ nhu cầu phòng chống dịch.

Dựa trên công văn này của Bộ Y tế, nhiều địa phương, đơn vị đã mua sản phẩm bộ kit xét nghiệm của Việt Á như đã nêu.

Phan Quốc Việt và bộ kit test do Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép.
Ảnh: TP

Bộ Y tế nói cấp phép đúng quy định

Ngày 21-12, sau nhiều ngày dư luận sôi sục về vụ việc tiêu cực xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, lần đầu tiên Bộ Y tế có thông tin chính thức về bộ kit xét nghiệm của công ty này.

Theo Bộ Y tế, hai bộ sinh phẩm realtime PCR chẩn đoán SARS-CoV-2 (LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-PCR Kit, LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit) là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ KH&CN phê duyệt, được thực hiện giữa Học viện Quân y và Công ty Việt Á.

Dựa trên các kết quả đánh giá và quy định pháp luật, tháng 3-2-2020, Bộ Y tế cấp phép sử dụng tạm thời, sau đó đến tháng 12-2020 thì cấp phép lưu hành năm năm đối với bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 chủng loại LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit của Công ty Việt Á.

“Tất cả sản phẩm cấp phép đều đã được đánh giá đạt yêu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam và đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành. Các sản phẩm sau khi được cấp phép đều được theo dõi chất lượng và tính ổn định” - Bộ Y tế khẳng định.

Cũng theo Bộ Y tế, việc cấp phép của Bộ Y tế đối với sản phẩm của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và các nhà sản xuất khác không phụ thuộc vào danh sách do WHO công bố.

Bộ Y tế cho rằng theo quy định của Luật Giá, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá. Giá trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm được xác định thông qua đấu thầu và giá các sản phẩm khác nhau theo từng thời điểm và số lượng mua sắm, khả năng cung ứng. Bộ Y tế đã hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng trên thị trường triển khai thực hiện việc công khai giá trang thiết bị y tế và công khai kết quả trúng thầu.

Mức giá 470.000 đồng/test mà Công ty Việt Á niêm yết trên cổng công khai giá (và được Bộ Y tế gửi công văn - PV) là để các địa phương, cơ sở y tế nắm bắt, tham khảo khi xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm, đấu thầu, sử dụng sản phẩm phục vụ nhu cầu phòngchống dịch, mà không phải là giá bắt buộc áp dụng. Các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.

Bình Thuận: Mua theo giá Bộ Y tế giới thiệu

Chiều 21-12, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận khẳng định giá 470.000 đồng/kit test của Công ty Việt Á là giá do Bộ Y tế có văn bản giới thiệu cho Sở Y tế các tỉnh, thành trên cả nước liên hệ mua chứ không phải là giá do Việt Á và khách hàng đàm phán. CDC Bình Thuận đã đặt mua 217 bộ hóa chất xét nghiệm, mỗi bộ có 96 kit test, tổng trị giá hơn 9,7 tỉ đồng tức 470.000 đồng/kit test.                      

PHƯƠNG NAM 

Chi rất nhiều tiền để “bôi trơn”

Theo Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an, Phan Quốc Việt (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc) và những người của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit. Công ty này đã cung ứng kit test cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.

Riêng tại Hải Dương, Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC tỉnh này thông qua năm hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Trong đó, Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC Hải Dương, số tiền gần 30 tỉ đồng.

Bị can Vũ Đình Hiệp, phó tổng giám đốc Công ty Việt Á, cho biết khách hàng của công ty hầu hết là các đơn vị y tế tham gia phòng chống dịch COVID-19, bao gồm các CDC, bệnh viện, trung tâm y tế tuyến quận, huyện.

Trong khi đó, bị can Phan Tôn Noel Thảo, trợ lý tài chính của Việt Á, thừa nhận có tham gia cùng công ty chi tiền cho các đơn vị, trong đó có CDC Hải Dương và một số bệnh viện, số tiền chi ra là “rất nhiều”.

Góc nhìn

Đâu phải đúng quy trình là xong?

Bộ Y tế lần đầu tiên phản hồi chính thức liên quan đến bộ kit test của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Theo Bộ Y tế, việc cấp phép cho bộ kit của Việt Á là đúng quy định, đúng quy trình.

Cũng theo bộ này, việc công bố giá là để tham khảo. Sinh phẩm xét nghiệm không phải là mặt hàng Nhà nước quản lý giá. Việc cấp phép giúp nội địa hóachủđộng nguồn sinh phẩm trong thời điểm khan hiếm, khótiếp cận.

Thực ra thì khi chẻ luật là vậy. Luôn luôn đúng quy trình. Cũng như Việt Á đã đúng quy trình và được tặng huân chương Lao động hạng Ba, cho đến khi bị bắt. Cho đến khi chúng ta biết rằng 4.000 tỉ đồng của nhân dân đã được nâng giá để chia nhau nhân danh chống dịch.

Nhưng có những câu hỏi nằm ngoài cái quy trình quy định trên.

Là bộ quản lý nhà nước quan trọng nhất trong chống dịch, bộ có vai trò, trách nhiệm gì khi trong lĩnh vực mình quản lý, có cú bóp lè lưỡi dân tới 4.000 tỉ đồng? Nếu đúng quy trình thì quy trình ấy có sai không? Có cách nào ngăn ngừa không? Là cơ quan tham mưu để “luật hóa” cái quy trình ấy và là cơ quan vận hành theo quy trình ấy, Bộ Y tế có thấy gợn gợn gì không?

Hàng loạt lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo CDC là cấp dưới của Bộ Y tế đã sai phạm, vào tù vì chia chác sinh phẩm, thiết bị chống dịch, Bộ Y tế có đau đớn không, trong chuyện quản lý ngành?

Cho dù là đúng quy trình thì đâu phải đúng quy trình là xong?

ĐỨC HIỂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm