Hôm qua (25-9), tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đưa ra nhiều ý kiến đáng chú ý.
Công thức tính giá xăng dầu rất… mờ ảo
Liên quan đến vấn đề quản lý thị trường xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói đây là vấn đề đã và đang được bàn nhiều vì quan điểm rất khác nhau: Giữa tự do và kiểm soát.
“Muốn xóa bỏ các điều kiện về kinh doanh xăng dầu thì các doanh nghiệp (DN) phải tham gia đông đảo vào thị trường này, càng nhiều càng tốt. Muốn cạnh tranh sòng phẳng nhưng bên cạnh đó chúng ta lại muốn có sự ổn định về giá, ổn định bằng biện pháp hành chính, giá phải rẻ, Nhà nước bao cấp về giá... Riêng hai mục tiêu đó, cá nhân tôi cho rằng có sự khác nhau” - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói và cho rằng đến nay vẫn chưa đưa ra được một mô hình quản lý thị trường xăng dầu để làm sao bảo đảm hiệu quả cao nhất.
“Tôi có cảm giác cuộc tranh luận về quản lý thị trường xăng dầu đang giống cuộc tranh luận về việc bỏ sổ gạo ngày trước” - ông Khánh liên tưởng và cho rằng khi đó rất nhiều người sợ nếu bỏ sổ gạo sẽ dẫn đến náo loạn. Gần đây cũng có rất nhiều người lo nếu chúng ta bỏ giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo thì lập tức thị trường sẽ loạn. Nhưng Bộ Công Thương rất nhất quán, quyết tâm bãi bỏ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. “Tôi nghĩ gạo chúng ta làm được thì không có lý gì xăng dầu không làm được” - ông Khánh khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng cho rằng điều kiện bây giờ đã khác trước khi đã có hai ông lớn phân phối xăng dầu là Petrolimex và PVOil. “Ít nhất có hai công ty đó cạnh tranh với nhau trên thị trường. Hay chúng ta có hai nhà máy lọc dầu có thể bảo đảm 70% nguồn cung xăng dầu cho đất nước. Chưa kể đến 29 đầu mối nhập khẩu xăng dầu và 155 đơn vị phân phối xăng dầu” - ông Khánh nhấn mạnh.
Ông Khánh cũng nêu quan điểm Nhà nước muốn quản lý giá xăng dầu thì nên quản thông qua các công cụ thuế và phí. Như vậy, khi nào muốn giá thấp thì giảm thuế, phí và ngược lại; không nhất thiết phải bằng cách thức hết sức phức tạp như hiện nay, tức giá bán xăng dầu theo sự chỉ đạo của Nhà nước, theo công thức của Bộ Tài chính.
“Công thức đó theo tôi nghĩ không được minh bạch như trước đây. Nó có yếu tố rất mờ ảo là không biết tính hệ số K (tác động của các hiệp định thương mại tự do), Bộ Tài chính tính thế nào?” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói.
Ông Khánh dẫn chứng nếu để Petrolimex được kinh doanh theo cơ chế thị trường, không phải chịu hạn chế về hành chính thì hiệu quả kinh doanh còn tốt hơn nữa, lãi còn lớn hơn nữa.
Hiện nay Petrolimex chiếm 48% thị phần bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam. Trong ảnh: Khách hàng đang mua xăng. Ảnh: HTD
“Có mâu thuẫn lớn”
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Petrolimex Trần Văn Thanh cho biết tập đoàn đã cổ phần hóa tất cả 18 đơn vị không trực tiếp kinh doanh xăng dầu; tái cấu trúc thành công, hoàn tất việc hình thành sáu tổng công ty và đều kinh doanh có hiệu quả.
Vốn sở hữu của Nhà nước tại Petrolimex hiện ở mức 75% và tập đoàn này đang tiếp tục đề xuất Chính phủ về phương án thoái vốn. Chủ tịch Petrolimex đề nghị cấp có thẩm quyền giãn thời hạn thoái vốn đến năm 2019-2020 thay vì năm 2018 như kế hoạch và tăng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa đến 49%.
Ông Thanh lập luận: Tỉ lệ vốn nhà đầu tư nước ngoài tại Petrolimex tối đa theo quy định là 20% và hiện đối tác chiến lược JX Nippon đang sở hữu 12% cổ phần tại Petrolimex, tỉ lệ room ngoại còn lại khoảng 7%-8%, khá thấp. Trong khi một công ty kinh doanh xăng dầu khác là PVOil đang được quy định tỉ lệ vốn góp nhà đầu tư nước ngoài lên tới 49%.
“Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn không tốt lắm, các nhà đầu tư trong nước không đủ nguồn lực quan tâm tới cổ phiếu Petrolimex. Vì thế, dù cấp có thẩm quyền yêu cầu vốn ngoại tại tập đoàn không được quá 20% nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục kiến nghị nới thêm tỉ lệ này” - ông Thanh cho hay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng hiện có mâu thuẫn lớn khi vừa yêu cầu Petrolimex phải trở thành một công ty cổ phần có sự tham gia của cổ đông nước ngoài, đồng thời lại ra một chỉ đạo hành chính yêu cầu Petrolimex phải thoái vốn toàn bộ tại những ngành nghề không phục vụ ngành nghề kinh doanh chính của Petrolimex.
“Khi DN đã được cổ phần hóa, đặc biệt khi Nhà nước chỉ nắm 51% hoặc dưới 51% thì DN đầu tư vào đâu, có thoái vốn hay không là do cổ đông quyết định. Vậy nếu cổ đông nước ngoài ở Petrolimex phản đối chuyện đó thì chúng ta làm sao xử lý được?” - ông Khánh băn khoăn.
Từ đó ông Khánh đề nghị việc của Nhà nước là đưa ra một tỉ lệ thoái vốn ở Petrolimex và cho phép Petrolimex được hoạt động đúng theo nền một công ty cổ phần, các cổ đông sẽ quyết định việc đầu tư vốn vào đâu và đầu tư vốn bao nhiêu. “Mong tổ công tác về báo cáo lại với Thủ tướng về câu chuyện này” - ông Khánh nói.
Tuy nhiên, đại diện Vụ Chức năng của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: Hiện chưa có quyết định nào thay thế các quyết định của Thủ tướng liên quan tới việc thoái vốn tại Petrolimex, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã có công văn đôn đốc. Do đó, đề nghị tập đoàn tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng; trường hợp cần điều chỉnh, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Petrolimex kiến nghị dừng tổ hợp lọc hóa dầu 4,8 tỉ USD Trong báo cáo kiến nghị với tổ công tác của Thủ tướng, Petrolimex đề xuất Chính phủ cho phép tập đoàn này dừng thực hiện dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong (Ninh Hòa, Khánh Hòa) để tập trung nguồn lực thực hiện dự án khác. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết bộ này đồng tình với đề xuất dừng dự án nêu trên. “Khi có ý tưởng xây dựng dự án này, Bộ Tài chính đã có hai văn bản đề nghị thận trọng, tức là đồng tình với ý kiến không nên xây dựng dự án này” - ông Tuấn cho biết thêm. Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục đề nghị Bộ Công Thương cần sớm có báo cáo vụ việc trên lên Thủ tướng. Từ năm 2008, Petrolimex và các đối tác đã đăng ký đầu tư dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong với số vốn dự kiến ban đầu khoảng 4,4-4,8 tỉ USD. |