Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Hãy thay đổi cách nghĩ

Thông điệp 2023 từ các bộ trưởng:

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Hãy thay đổi cách nghĩ

(PLO)- Chúng ta đang thoát ra khỏi lời nguyền rằng nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp thì tư duy thương vụ.

“Tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội, từ người nông dân đến các doanh nghiệp. Người nông dân, doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển từ tư duy bán cái gì mình có sang tư duy bán những gì thị trường cần”.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Nông nghiệp tiếp tục vai trò trụ đỡ nền kinh tế

. Phóng viên: Năm 2022, vượt qua nhiều biến động của thị trường thế giới nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam vẫn cán đích một cách ngoạn mục. Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả này?

+ Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Năm 2022, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả đáng tự hào. Sự tự hào đó không phải chỉ nằm ở con số mà qua kết quả đó đã làm sâu sắc hơn vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp, không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, mà còn đảm bảo được an ninh lương thực.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Có rất nhiều quốc gia đang khủng hoảng về sản xuất nông nghiệp, thậm chí có một số chuỗi ngành hàng của một số quốc gia bị đứt gãy nhưng nông nghiệp của chúng ta vẫn đứng vững, vừa đóng góp cho sự tăng trưởng nói chung, vừa đóng góp cho an sinh xã hội. Từ nửa cuối năm 2022, nhiều quốc gia đang tìm kiếm đến chúng ta với mong muốn hợp tác để đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia đó.

“Chúng ta đã thoát ra được cái tư duy về sản lượng để hướng vào chất lượng, hướng vào yêu cầu của từng thị trường khác nhau”

Sứ mạng của ngành nông nghiệp không chỉ giải quyết vấn đề tăng trưởng mà còn là chỗ dựa của hàng chục triệu người nông dân, cư dân nông thôn, hàng chục triệu lao động khu vực nông nghiệp, dịch vụ.

Nông nghiệp nằm trong cấu trúc chung về kinh tế lẫn xã hội. Nếu chỉ tiếp nhận ngành nông nghiệp qua những con số tăng trưởng thì sẽ không thấy được vai trò của ngành đối với xã hội.

Tư duy thị trường bắt đầu bén rễ

. Một doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo sang châu Âu có chia sẻ rằng sau nhiều năm, gạo của Việt Nam đã bắt đầu có thương hiệu trên thị trường châu Âu...?

+ Tôi cho rằng xu thế này sẽ không đảo ngược được vì các doanh nghiệp đã hiểu được câu chuyện phải hướng đến những thị trường cấp cao hơn để tạo ra giá trị, lợi nhuận cao hơn cho mình và nông dân.

Tư duy thị trường đã bắt đầu bén rễ, chuyển từ tư duy bán cái gì mình có sang tư duy bán những gì thị trường cần.

Hình ảnh xuất khẩu lô hàng sầu riêng tươi đầu tiên sang Trung Quốc năm 2022 theo nghị định thư ký kết của Bộ NN&PTNT với phía Trung Quốc. Ảnh: TÙNG ĐINH

Thông qua việc xuất khẩu gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu, Nhật Bản… các doanh nghiệp muốn minh chứng rằng chúng ta đã thoát ra được cái tư duy về sản lượng để hướng vào chất lượng, hướng vào yêu cầu của từng thị trường khác nhau.

Cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đã liên tục tổ chức các diễn đàn để các doanh nghiệp thấy rằng mỗi loại thị trường khác nhau, chúng ta không “mặc đồng phục”, không đồng nhất tất cả sản phẩm, mà tạo ra nhiều phân khúc thị trường.

Câu chuyện gạo Việt sang thị trường châu Âu giai đoạn này tuy rằng quy mô, sản lượng chưa nhiều nhưng rõ ràng đây là tín hiệu để thấy rằng một khi chúng ta thay đổi thì sẽ tạo ra giá trị cao hơn.

Hay nói cách khác là doanh nghiệp Việt Nam đang dần dần bỏ tư duy mua bán buôn chuyến mang tính chất thương vụ sang tính chất định hình thị trường ở tầm lâu dài. Như vậy mới liên kết với nông dân một cách ổn định, lâu dài.

Khác với trước kia, khi có đơn hàng, doanh nghiệp mới đi thu mua. Giờ nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược thị trường lâu dài, từ đó liên kết với những nông dân, hợp tác xã trong từng vùng nguyên liệu để tạo ra một vùng nguyên liệu ổn định, chuẩn mực, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Đó là quá trình để chúng ta thoát ra lời nguyền rằng nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp thì tư duy thương vụ. Giờ không nghĩ ngắn nữa mà nghỉ về cả đường dài, không nghĩ cho một bên nữa mà nghĩ cho cả hai bên, doanh nghiệp và nông dân.

55

tỉ USD là kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản mà Thủ tướng giao chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp phải đạt trong năm 2023 và tăng trưởng toàn ngành đạt 3,5%.

Năm 2022 giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (GDP) đạt 3,36%. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành đạt 53,22 tỉ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Thặng dư thương mại trên 8,5 tỉ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.

Thay đổi cách nghĩ, cách tiếp cận

. Theo Bộ trưởng, đâu là những nền tảng quan trọng để ngành nông nghiệp tiếp tục gặt hái những thành tựu trong bối cảnh năm 2023 được dự báo nhiều khó khăn?

+ Khó khăn, thách thức sẽ luôn bám theo ngành nông nghiệp. Chúng ta chỉ còn cách phải nghĩ khác đi. Thay đổi một suy nghĩ sẽ thay đổi một cuộc đời. Chúng ta thay đổi cách tiếp cận thì sẽ thay đổi một hành trình.

Cụ thể, nếu không hình thành được tổ chức chuỗi ngành hàng thì chúng ta sẽ không truyền tải được thông tin thị trường, mùa vụ, sản lượng, quy chuẩn thị trường tới người sản xuất. Như vậy người sản xuất chỉ sản xuất theo thói quen hằng ngày, theo kiểu “đánh bài, đánh cược”. Vì không có thông tin thì không thể biết ba tháng nữa thị trường lúa gạo sẽ như thế nào. Như vậy phải thông tin được tới từng hộ nông dân.

Tôi hay nói không có cách nào khác, người nông dân phải hợp tác với nhau, bắt đầu từ những không gian mà người dân ở một số địa phương đã và đang làm, như Hội quán nông dân ở Đồng Tháp, Nông hội của Gia Lai, Cà phê khuyến nông của An Giang, Ngôi nhà trí tuệ của Hà Tĩnh…

Tức là những không gian để người nông dân tập trung lại, rồi các doanh nghiệp, chuyên gia, ngành chuyên môn xuống trao đổi thông tin và dần dần hình thành các tổ chức kinh tế hợp tác, các hợp tác xã…

Các doanh nghiệp chuẩn bị cho việc xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc. Ảnh: Tùng Đinh

Một câu chuyện khác, khi chúng ta xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vừa rồi thì giá sầu riêng tăng lên. Sau đó đã có hiện tượng bà con nông dân đốn các cây trồng khác để trồng sầu riêng. Đây là vấn đề của ngành nông nghiệp.

Vì khi ta quản lý, vận hành một nền kinh tế nông nghiệp trong cơ chế thị trường, chúng ta không có quyền áp đặt bà con không được quyền bỏ xoài để trồng sầu riêng, mà chúng ta phải thông tin nhiều nhất về quy mô thị trường để bà con hiểu rằng đừng chuyển rủi ro này sang rủi ro một ngành hàng khác.

Khi chúng ta mở rộng không gian kinh tế hợp tác, dù một ngành hàng sầu riêng, một ngành hàng mít, xoài, lúa gạo… thì chúng ta có quy mô lớn hơn để chủ động được trong việc bảo quản, chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm hơn khi thị trường bị đứt gãy.

Nhà nước sẽ hỗ trợ qua một không gian chung, chứ Nhà nước không đủ nguồn lực để hỗ trợ cho từng hộ.

Bà con phải hiểu rằng thị trường là trăm người bán, vạn người mua. Chúng ta xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc thì Thái Lan, Malaysia cũng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Chúng ta xuất khẩu gạo thì Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ… cũng xuất khẩu gạo. Chúng ta khó mà tiên lượng được tất cả sản lượng của thế giới này.

Do vậy chúng ta chỉ có thể làm tốt nhất về thông tin thị trường, phần còn lại là chủ động kế hoạch để ứng phó với sự thay đổi của thị trường, bằng sự hỗ trợ của Nhà nước và tập trung vào chế biến sâu để gia tăng giá trị.

Bộ NN&PTNT đã xây dựng sáu vùng nguyên liệu cho ĐBSCL về lúa gạo, cho Tây Nguyên về cà phê và những vùng cây ăn quả khác. Như vậy chúng ta vừa đàm phán mở cửa thị trường để tạo ra không gian thị trường, vừa nâng cao chuỗi giá trị bằng cách chế biến tinh, đa dạng hóa sản phẩm, như thế giá trị gia tăng của nông sản mới tăng cao, đỡ sức ép mùa vụ.

. Xin cám ơn Bộ trưởng.•

Chủ động thay đổi sẽ giảm rủi ro

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, năm 2023 có thể sẽ còn khó khăn hơn trong các quy chuẩn thị trường theo hướng ngày càng khắt khe hơn.

Như thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… họ đã bắt đầu truy xuất nguồn gốc. Những sản phẩm nông nghiệp được tạo ra không chỉ được họ tiếp cận bằng chất lượng, giá cả mà còn yêu cầu cả về quy trình canh tác có tác động tới môi trường thiên nhiên, gây hiệu ứng nhà kính hay không.

Thẻ vàng IUU là một minh chứng. Người tiêu dùng hải sản không phải chỉ dựa vào độ ngon của con tôm, con mực mà con tôm, mực đó được đánh bắt như thế nào, có vi phạm luật pháp quốc tế đối với môi trường hay không... Cà phê, hạt điều cũng bắt đầu truy xuất xem trồng ở đâu, có trong những diện tích rừng bị phá hay không.

Đó là sức ép thay đổi. Nếu chúng ta chủ động thay đổi thì sẽ giảm rủi ro hơn và nó cũng là cơ hội để ta định vị lại hình ảnh của một nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững.

Đọc thêm