Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải bỏ 'buôn chuyến', chuyển sang bán chính ngạch

(PLO)- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá Nghị định thư xuất khẩu chuối sang Trung Quốc được ký kết sẽ mang lại lợi ích cho người trồng chuối và xuất khẩu chuối của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 13 văn kiện được các ban, bộ, ngành, Trung ương và địa phương ký kết, trong đó có Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, Nghị định thư xuất khẩu chuối sang Trung Quốc được ký kết sẽ mang lại lợi ích cho người trồng chuối và xuất khẩu chuối của Việt Nam.

Mở ra nhiều cơ hội

. Chúng ta đã ký Nghị định thư xuất khẩu chuối sang Trung Quốc, điều này có ý nghĩa thế nào đối với các vùng trồng chuối ở nước ta, thưa Bộ trưởng?

+ Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chủ trương của chúng ta là luôn đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng các thị trường xuất khẩu. Đối với thị trường Trung Quốc, sau khi xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng thì Việt Nam cũng ký được Nghị định thư để xuất khẩu chuối.

Chuối cũng như các loại nông sản khác, chúng ta phải đáp ứng được các chuẩn mực, các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Do đó, xuất khẩu chuối theo Nghị định thư vừa được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội cho mặt hàng này. Có thể nói rằng điều này sẽ thay thế hình thức thay vì chúng ta đi “buôn chuyến” thì chuyển sang hình thức hợp tác xuất khẩu, có sự kiểm soát của cả hai bên.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: AH

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: AH

Trước đây khi chưa có Nghị định thư thì chuối xuất khẩu sang Trung Quốc từ vườn trồng và cơ sở đóng gói đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật; đảm bảo không nhiễm các loài đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc và mỗi lô hàng xuất khẩu được được kiểm tra kiểm dịch thực vật và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Nghị định thư được ký kết đã có một số điểm mới như tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải và được cả Bộ NN&PTNT và Tổng Cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Vườn trồng phải áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP); phải đảm bảo giám sát vườn trồng và quy trình tại cơ sở đóng gói; cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng đã được cấp mã số; phải tiến hành kiểm dịch thực vật lấy mẫu 2% và phải phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc khi nhập khẩu vào Trung Quốc…

Việc kiểm soát chặt chẽ ngay từ ban đầu cũng có cái lợi là giúp trái chuối khi đến cửa khẩu sẽ giảm thời gian thông quan và tần suất kiểm tra ít đi, tình trạng ùn ứ nông sản, trong đó có trái chuối sẽ giảm đi, có lợi hơn DN xuất khẩu và bà con nông dân.

Thị trường Trung Quốc ngày càng kỹ tính, đòi hỏi yêu cầu cao chất lượng, khi chinh phục được thị trường này thì chúng ta có thể tiếp cận các thị trường khác dễ dàng hơn.

Do vậy chúng ta cần thay đổi tư duy buôn bán thương mại của doanh nghiệp sang tư duy xuất khẩu của cả một ngành hàng chuối. Khi thực hiện tốt nội dung của Nghị định thư, khi sản phẩm chuối của chúng ta được tiêu chuẩn hoá, quy mô lớn hơn, đảm bảo và thúc đẩy cho chuối của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thì thương hiệu chuối của Việt Nam sẽ ngày càng được nâng lên.

Khi thương hiệu được nâng lên thì chắc chắn giá cả và thu nhập của bà con cũng được cải thiện.

Nâng dần chất lượng trái chuối

. Hiện ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), diện tích trồng chuối còn nhỏ lẻ, mang tính hộ gia đình. Để đảm bảo xuất khẩu, những người nông dân và chính quyền địa phương phải làm gì?

+ Rút kinh nghiệm từ bài học xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng và ít nữa chúng ta sẽ xuất khẩu trái bưởi da xanh sang thị trường Mỹ thì Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường truyền thông tới tất cả các nhà vườn, HTX, DN xuất khẩu, cơ sở đóng gói để bà con hiểu được các quy chuẩn kỹ thuật và tuân thủ.

Chuối Việt Nam được bày bán tại siêu thị của Hàn Quốc. Ảnh: BCT

Chuối Việt Nam được bày bán tại siêu thị của Hàn Quốc. Ảnh: BCT

Chúng tôi sẽ có chương trình truyền thông tiếp cận từng nhà vườn, từng vùng nguyên liệu. Riêng ĐBSCL, diện tích chuối còn bị phân tán, nhỏ lẻ nên đòi hỏi các nhà vườn phải liên kết lại trong các tổ hợp tác, các hợp tác xã.

Bộ NN&PTNT, các cơ quan chuyên môn của bộ sẽ hướng dẫn đầy đủ những tiêu chuẩn kỹ thuật để bà con thực hiện. Nếu mỗi người sản xuất nhỏ lẻ như vậy sẽ rất khó để tiếp cận các thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng của bộ NN&PTNT.

Thứ hai, khi chúng ta liên kết lại thì sẽ tạo thành vùng nguyên liệu đủ lớn, tạo điều kiện cho chúng ta chuẩn hoá lại vùng nguyên liệu, mỗi bà con sẽ cùng tham gia vào tổ chức lại sản xuất ngành hàng chuối của mình. Thông qua đó, tôi cũng đề nghị chính quyền các địa phương cũng là người đứng ra tổ chức lại việc sản xuất chuối ở ĐBSCL trở thành một ngành hàng.

Trước giờ chúng ta chưa đưa chuối trở thành một ngành hàng, lần này, thông qua việc đáp ứng các chuẩn mực của Nghị định thư, đáp ứng được cơ hội khi chúng ta có một thị trường bền vững như vậy, được xuất khẩu chính ngạch, thì sẽ trở thành một ngành hàng.

Bộ sẽ phân công cho các đơn vị của bộ như cơ quan Khuyến nông, Cục Phát triển kinh tế nông thôn, Trồng trọt... cùng vào hỗ trợ cho các tổ chức nông dân vào chuỗi ngành hàng chuối để bà con nâng dần chất lượng trái chuối của mình theo các tiêu chuẩn thực hành tốt nông nghiệp.

Để làm được thì chúng ta phải thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi quy trình canh tác, thay đổi tư duy không đi buôn chuyến nữa mà chuyển sang đường đường chính chính xuất khẩu quả chuối sang Trung Quốc.

Cũng với tư duy đó với các nông sản khác, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các bộ ngành khác xây dựng các đề án cho từng loại nông sản, từng loại thị trường, để làm sao bà con mình tiếp cận được tất cả những quy chuẩn, tiêu chuẩn đó. Mỗi thị trường có những tiêu chuẩn khác nhau.

Có thể ban đầu bà con thấy rằng sẽ khó khăn, nhưng Bộ sẽ cố gắng có cách truyền thông tốt cho bà con. Quan trọng nhất là bà con phải thay đổi, để hạn chế những rủi ro mỗi khi nông sản đến mùa vụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm