Bộ trưởng Bộ TT&TT: 80% quảng cáo trực tuyến rơi vào mạng xã hội

(PLO)- Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ TT&TT về vấn đề nguồn thu của báo chí sụt giảm đáng kể, ảnh hưởng đến đời sống của phóng viên, biên tập viên, dẫn đến xảy ra tiêu cực.

Sáng nay, 12-11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB) về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề tình trạng tiêu cực của phóng viên, biên tập viên thời gian qua phải chăng có sự bùng nổ của báo chí, tạp chí chuyên ngành trên các lĩnh vực. Điều này dẫn đến chất lượng về chuyên môn thấp, đi xa tôn chỉ mục đích, vi phạm điều luật cấm.

Cũng theo ĐB, thương mại hóa báo chí ngày càng phổ biến do cạnh tranh với các nguồn thông tin trên không gian mạng nên nguồn thu của báo chí bị sụt giảm đáng kể. Điều này tạo áp lực lớn đến kinh tế báo chí, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của phóng viên, biên tập viên và hoạt động của tổ chức. Tình trạng tiêu cực cũng xảy ra.

“Bộ trưởng cho biết nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên và giải pháp nào để hoạt động báo chí truyền thống và quảng cáo mạng cạnh tranh lành mạnh với nhau” - ĐB chất vấn.

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay đã nhìn thấy câu chuyện này. Bộ trưởng cho biết năm 2018 khi về làm Bộ trưởng Bộ TT&TT, ông có đọc một đánh giá về uy tín nghề nghiệp. Lúc đó phóng viên được xếp thứ 9/10 nhóm nghề nghiệp được khảo sát, đứng thứ 10 là những người đi bán bất động sản online.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: QH

Cách đây hai năm, năm 2022, cũng tổ chức đó làm khảo sát đã đánh giá phóng viên đứng thứ 3, sau giáo viên và bác sỹ.

Về kinh tế báo chí, ông Hùng cho hay 80% quảng cáo trực tuyến trước đây thuộc về báo chí thì nay rơi vào tay mạng xã hội. "Tức là nguồn thu từ quảng cáo đối với các cơ quan báo chí giảm đáng kể” - Bộ trưởng Hùng nói.

Ông Hùng cho hay năm 2023, Thủ tướng ra một chỉ thị về truyền thông chính sách, xác định rõ chính quyền các cấp phải coi truyền thông chính sách là một nhiệm vụ của mình, có bộ máy và ngân sách hàng năm đặt hàng cho báo chí. Đây cũng là một nguồn tăng thêm thu nhập cho các cơ quan báo chí.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng báo chí phải thay đổi công nghệ, vì hiện nay báo chí kém mạng xã hội về công nghệ chứ không kém về nội dung. Do vậy cần có một chiến lược chuyển đổi số quốc gia cho báo chí, để đưa công nghệ báo chí tương đương với các nền tảng mạng xã hội.

Ngoài các giải pháp trên, Bộ trưởng TT&TT cho rằng vấn đề quan trọng nhất vẫn là nền tảng đạo đức người làm báo chí. Thu nhập của các cơ quan báo chí không phải thấp so với cán bộ công chức. Nhiều cơ quan có mức thu nhập 15-20 triệu đồng, cao hơn công chức, viên chức, thấp hơn so với doanh nghiệp truyền thông.

“Điều đó có nghĩa là đạo đức báo chí trong nhiều năm chưa được chúng ta quan tâm thỏa đáng. Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo, Hội nhà báo xác định nhiệm kỳ này tập trung vào đạo đức nghề nghiệp với phóng viên báo chí” - Bộ trưởng Hùng nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới