Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đổ hết tội cho thủy điện là oan

Ông Hoàng cũng là người đã ba lần liên tiếp trả lời tại các kỳ họp QH.

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy điện

Đại biểu Võ Minh Thức (Phú Yên) nêu vấn đề: “Các công trình thủy điện của miền Trung đều không có chức năng điều tiết lũ. Qua trận lụt do cơn bão số 11 thì lượng mưa đo được tại Trung Sơn chỉ 330 mm, công trình thủy điện của sông Ba Hạ xả lưu lượng cao nhất là 11.450 m3/giây gây lụt cho vùng hạ du ở TP Tuy Hòa và các vùng phụ cận tương đương với lũ lụt lịch sử năm 1993. Trong khi năm 1993 đo được lượng mưa tại Trung Sơn là 1.300 mm, gấp bốn lần. Đây là vấn đề lớn, chúng ta cần có những biện pháp tốt, nếu không thì vùng hạ du thường xuyên bị lũ lụt càn quét”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đổ hết tội cho thủy điện là oan ảnh 1

Đại biểu Võ Minh Thức (Phú Yên, trái): “Các công trình thủy điện của miền Trung đều không có chức năng điều tiết lũ... Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (phải): “Nhìn nhận thủy điện phải công bằng, không phải tất cả thủy điện là nguyên nhân gây ra tình trạng lũ lụt như vừa rồi”.

“Nhìn nhận thủy điện tôi nghĩ phải công bằng, không phải tất cả thủy điện là nguyên nhân gây ra tình trạng lũ lụt như vừa rồi, không phải” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đáp. Ông dẫn chứng: Thủy điện Đa Nhim, thủy điện Yaly, thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi rất có hiệu quả. Từ trước đến nay, chúng ta không hề nói đến chuyện tác hại của thủy điện. Gần đây sau cơn bão số 9 và cơn bão số 11 thì nhiều người có ý kiến. Tôi cho rằng có ý kiến là đúng bởi vì nó là một thực tế dẫn đến những thiệt hại cho một số tỉnh miền Trung. Phải nói rằng vai trò của các thủy điện cần phải được đánh giá nhưng đổ lỗi hết cho các thủy điện tôi nghĩ cũng cần xem xét.

Bộ trưởng Hoàng nói tiếp: “Sông Ba Hạ cũng như phần nhiều các nhà máy thủy điện quy mô nhỏ và vừa ở miền Trung do đặc tính hồ bé, độ dốc cao cho nên khi xây dựng không đặt vấn đề tham gia cắt lũ nhiều mà chủ yếu là cung cấp điện và điều tiết nước cho vùng hạ du. Cơn bão số 11 vừa qua xảy ra với Tuy Hòa có thể nói là với lượng mưa lịch sử mà chu kỳ hàng trăm năm mới lặp lại”. Khẳng định nhà máy này không làm tăng lũ nhân tạo nhưng ông Hoàng cũng thẳng thắn thừa nhận: “Ở đây có câu chuyện là quy trình vận hành liên hồ chứa, chúng ta làm chưa tốt, chưa thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ”.

Đối với vấn đề quy hoạch “chi chít” thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên, Bộ trưởng Hoàng nói rằng quy hoạch không phải là bất biến, với diễn biến bất thường của thời tiết như vừa qua thì cần phải rà soát lại và có điều chỉnh.

Quản lý giá sữa như giá thuốc

“Sữa là mặt hàng thiết yếu, nhất là cho người bệnh, người già và trẻ em. Nhưng trên thị trường sữa hiện nay đã xuất hiện rất nhiều sữa giả, sữa không đảm bảo chất lượng, giá sữa cùng loại ở Việt Nam tăng cao hơn so với các nước trong khu vực” - đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) yêu cầu Bộ trưởng Hoàng cho biết hành động trong thời gian qua và giải pháp sắp tới.

Đáp lời, ông Hoàng khẳng định: “Qua thông tin các thương vụ Việt Nam tại một số nước trong khu vực cung cấp lại cho chúng tôi thì xin khẳng định lại với QH là giá sữa của chúng ta không phải ở mức cao nhất trong khu vực”.

Đại biểu Hà hỏi tiếp: “Chúng tôi đặt câu hỏi là cao hơn nhiều nước trong khu vực chứ không phải là cao nhất. Nhưng đồng chí trả lời là không phải là cao nhất, vậy thì cao thứ bao nhiêu?”.

Bộ trưởng Hoàng đáp: “Sữa của chúng ta, như chúng tôi báo cáo, ở mức cao nhưng không phải cao nhất trong khu vực”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh giải thích thêm: “Cá biệt có một số mặt hàng sữa của một số công ty giá không hợp lý, một là giá cao, hai là chi phí đầu vào là chi phí quảng cáo, chi phí hoa hồng, chi phí quản lý cao hơn quy định thì chúng tôi đã ra quyết định xử phạt và thu hồi những chi phí tính vào giá mà không hợp lý về cho nhà nước”. Ông Ninh cho biết tới đây sẽ quản lý giá sữa như giá thuốc, nghĩa là yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký giá và người dân sẽ giám sát. Giá bán sẽ được tính là giá đầu vào cộng với chi phí hợp lý và sẽ công bố công khai các mức chi phí trên.

Đại biểu Lê Thanh Liêm: Tôi muốn hỏi việc lập công ty con của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) ở Singapore. Tôi xin hỏi việc lập ra công ty sân sau này của Vinafood 2 có phải nhằm để mua, bán phá giá, để cạnh tranh giá thiếu lành mạnh, cuối cùng chỉ người nông dân bán lúa chính là người một lần nữa lãnh đủ vì họ bị ép giá buộc phải bán thấp hơn giá thị trường thế giới?

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Vừa qua khi có thông tin này, tổng giám đốc Vinafood 2 đã có giải trình trước công luận và giải trình đó đúng là có bán thấp hơn nhưng vẫn trong phạm vi cho phép và đã được thường trực của Hiệp hội Lương thực thống nhất vì thế chúng tôi không kiểm tra. Qua ý kiến của đại biểu QH, chúng tôi sẽ cùng Bộ Công thương kiểm tra chặt chẽ hơn hoạt động của công ty này cũng như những việc dư luận vừa qua nêu ra và sẽ báo cáo lại với đại biểu QH.

Đại biểu Lê Thanh Liêm (trò chuyện với báo chí):Bộ trưởng nói rằng Vinafood 2 bán dưới giá thành là được cho phép bởi Hiệp hội Lương thực, mà hiệp hội cho phép Vinafood 2 thì giống như là mình tự cho phép mình thôi. Trả lời như vậy thì rất khó đảm bảo hứa hẹn với người nông dân sản xuất lúa gạo là họ sẽ có thu nhập cao hơn, giá trị thương phẩm cao hơn.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm