Dự báo do tác động của hiện tượng El Nino, tình trạng hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn có nguy cơ xảy ra trong thời gian mùa khô năm 2023.
Nếu hạn hán xảy ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của các loại cây trồng như lúa, cây ăn quả, hoa màu… Điều đó đòi hỏi cần có sự chủ động ứng phó để giảm thiểu tác động do nắng nóng, hạn hán, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết Cục đã có công văn gửi các địa phương để ứng phó với hạn hán.
Cụ thể, đối với lúa, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương thực hiện tưới tiết kiệm; tích trữ nước. Cùng đó, sử dụng các giống chịu hạn và giống ngắn ngày có chất lượng cao, có thể tiết kiệm nước.
Hạn hán, thiếu nước xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng của nhiều loại cây trồng, trong đó có cây cà phê. Ảnh minh hoạ: AH |
Ông Đức đề nghị các địa phương căn cứ vào nguồn nước và tình hình hạn hán, đưa ra kế hoạch sản xuất linh động. Những vùng có lượng nước đủ 3 tháng hoặc tối thiểu 2,5 tháng từ lúc đẻ nhánh cho đến lúc làm sữa mới được cấy, không chuyển sang cây màu, cây ăn quả, cây lâu năm và lúa - tôm.
Đối với cây ăn quả, đây là nhóm phục vụ cho xuất khẩu và nội địa quan trọng, chịu ảnh hưởng rất lớn của hạn hán, nắng nóng. Do vậy, Cục Trồng trọt đề nghị tạo và trữ nguồn nước ngay từ bây giờ. Với loại cây ra nhiều quả, quả quá sai, quả nhỏ phải tỉa cành để tiết kiệm nước.
Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cũng lưu ý, trong giai đoạn hạn hán cũng như những vùng không có tưới, đề nghị các địa phương xem xét không để bà con trồng mới hoặc ghép cải tạo, như vậy sẽ rất rủi ro.
Đối với cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê, chè, phải tăng cường trồng cây che bóng, phải tạo ra ba tầng, tầng dưới thảm cỏ phủ, tầng giữa cà phê và tầng trên che bóng. Đối với chè, lưu ý với các địa phương đã cơ giới hóa, hái bằng máy thì hết sức chú ý đến mùa nắng nóng, phải giãn thời gian thu hoạch, không hái vào thời gian quá nắng.
Ngoài giải pháp như trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị Cục Trồng trọt phối hợp trung tâm chuyển đổi số của Bộ để xây dựng website, cập nhật các thông tin, giải pháp ứng phó với nắng nóng của từng loại cây trồng để tất cả người dân có thể truy cập, tiếp cận thông tin dễ dàng, thuận tiện hơn.
Bộ trưởng dẫn chứng cách làm của Thái Lan, khi bước vào đầu mùa hạn, họ phản ứng rất nhanh, đưa thông tin về ứng phó hạn hán lên website. Ví dụ với loài cây trồng này, nếu sử dụng phương pháp tưới như vậy thì tiết kiệm được bao nhiêu lượng nước…
“Chúng ta đừng nghĩ rằng đã ra công văn chỉ đạo là xong trách nhiệm, công việc của mình. Cục Trồng trọt phối hợp với cơ quan chuyển đổi số của bộ phối hợp nhau làm càng nhanh càng tốt. Người dân cập nhật thông tin như vậy sẽ trực quan, dễ hiểu, hiệu quả hơn nhiều” - Bộ trưởng Hoan nói.